Bà Chu Thị Bình, người bị mất 245 tỷ đồng khi gửi tiết kiệm tại Eximbank, ngày 6/3 đã cùng 2 luật sư Phan Trung Hoài và Đinh Ánh Tuyết đã có buổi trao đổi thông tin với báo chí liên quan đến vụ việc mất tiền gây xôn xao dư luận.

Vẫn chưa đạt thỏa thuận tạm ứng 14,8 tỷ đồng

Theo tin từ báo Tuổi Trẻ, Luật sư Phan Trung Hoài cho biết sáng ngày 6/3 bà Bình cùng các luật sư đã có buổi làm việc với đại diện Eximbank liên quan đến các yêu cầu chi trả khoản tiền gửi 245 tỷ đồng bị “bốc hơi” cho bà Bình. Tuy nhiên, phía ngân hàng vẫn giữ quan điểm cũ, nên buổi làm việc vẫn chưa đưa đến kết quả cuối cùng.

Về khoản tạm ứng 14,8 tỷ đồng, dự thảo biên bản thỏa thuận phía Eximbank đưa ra vẫn như cũ, tức cho rằng đây là khoản tạm ứng để giải quyết khó khăn về tài chính cho bà. Việc Eximbank tạm ứng cho bà không có nghĩa là ngân hàng hay phía bà Bình nhận bất kỳ lỗi hay trách nhiệm nào về phía mình do hành vi của ông Lê Nguyễn Hưng thực hiện khi chưa có quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền.

Và khi có quyết định của tòa về việc Eximbank không phải trả tiền cho bà Bình, bà phải trả lại số tiền tạm ứng trên cho ngân hàng. Bà Bình cũng phải hợp tác với cơ quan công an để làm rõ vụ việc cũng như không có bất kỳ hành động nào làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của ngân hàng cũng như bảo mật mọi thông tin liên quan đến thỏa thuận này.

Do không chấp nhận các điều khoản này nên phía bà Bình không đồng ý ký thỏa thuận.

“Chúng tôi mong muốn Eximbank hiểu rõ bản chất vụ việc và quan điểm của bà Bình để xem xét và có quyết định sớm trả số tiền 245 tỷ đồng nhằm tránh ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền”, luật sư Phan Trung Hoài nói.

Giấy ủy quyền không có giá trị pháp lý

Bà Chu Thị Bình cho biết thêm bà là khách hàng lớn nhất tại Eximbank chi nhánh TP.HCM. Bà gửi tại đây tổng cộng 15 sổ tiết kiệm, sau đó đã tất toán 12 sổ tiết kiệm. Đến thời điểm tháng 3/2017 còn 3 sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 301 tỷ đồng.

Cùng thời gian này, trong quá trình làm việc với Eximbank TP.HCM, bà phát hiện ra một số sổ tiết kiệm đứng tên bà và các thành viên trong gia đình đã bị rút hoặc chuyển cho các đối tượng là Nguyễn Thị Hồng Lê, Nguyễn Đăng Phong và Nguyễn Minh Huân, là những đối tượng mà bà không quen biết và không có bất kỳ giao dịch nào, kể cả việc ủy quyền. Tổng số tiền bị mất là 245 tỷ đồng.

Đáng nói là dù sổ tiết kiệm của bà đã bị rút gần hết trước năm 2016, nhưng tháng 1, 2 và tháng 4 năm 2016, ba giấy xác nhận sao kê do Eximbank chi nhánh TP.HCM cấp cho bà vẫn xác nhận số tiền bà gửi còn nguyên trong tài khoản. Các sao kê đều lập trên giấy có tiêu đề của Eximbank và được ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM ký và giao trực tiếp cho bà Bình.

Đặt vấn đề về việc tại sao sự việc kéo dài từ năm 2014 đến năm 2016 mà hệ thống không phát hiện, dù theo quy định mỗi năm Eximbank phải kiểm toán nội bộ, luật sư Đinh Ánh Tuyết cho rằng lý do Ngân hàng đưa ra để chưa trả 245 tỷ đồng cho bà Bình là vì bà có ký trên các giấy ủy quyền. Tuy nhiên, theo Luật sư Đinh Ánh Tuyết, các giấy ủy quyền này không hợp lệ vì được lập không theo quy định của Eximbank.

Cụ thể, theo quy chế tiền gửi tiết kiệm do chính Eximbank ban hành, việc ủy quyền chỉ được thực hiện một trong hai trường hợp. Một là khi người ủy quyền và người được ủy quyền cùng đến ngân hàng để làm thủ tục. Khi đó nhân viên ngân hàng phải kiểm tra nhân thân của người ủy quyền và người được ủy quyền. Hai bên cũng phải ký tên trước sự có mặt của ít nhất hai cán bộ ngân hàng. Trường hợp không đến ngân hàng, văn bản ủy quyền phải có xác nhận của UBND hoặc công chứng.

“Như vậy dù có chữ ký của bà Bình trên hai giấy ủy quyền nhưng ông Hưng và các nhân viên Eximbank không thực hiện đúng quy định về ủy quyền do vậy giấy ủy quyền này không có giá trị pháp lý. Do vậy các giao dịch ủy quyền hay có chữ ký của bà Bình được coi là giao dịch vô hiệu và bà Bình không phải chịu trách nhiệm vì bà không nhận được số tiền bị rút mà số tiền này thuộc trách nhiệm quản lý của Eximbank. Và số tiền này đã bị ông Hưng chiếm đoạt theo kết quả điều tra của C44”, luật sư Đinh Ánh Tuyết nói.

Tạo tiền lệ xấu

Bà Chu Thị Bình cho rằng với những căn cứ nêu trên, bà kiên quyết yêu cầu Hội đồng quản trị Eximbank xem xét và quyết định thanh toán ngay cho bà số tiền gốc là 245 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi). Bà cũng không đồng ý phương án đưa vụ việc ra tòa như đề xuất của Eximbank vì bà cho rằng mình gửi tiền vào ngân hàng một cách ngay tình, hợp pháp, không rút trước hạn và vẫn giữ sổ tiết kiệm gốc trong tay.

“Mặt khác nếu phải ra tòa, thì sẽ tạo một tiền lệ xấu rằng bất luận khi nào khi khách hàng giao dịch tại ngân hàng mà xảy ra bất kỳ biến cố nào, chẳng hạn như trường hợp sổ tiết kiệm bị bốc hơi dù người gửi vẫn đang giữ bản gốc thì đều phải đi khởi kiện để đòi lại số tiền mình đã gửi thì đó có phải là nghịch lý không?”, luật sư Phan Trung Hoài đặt câu hỏi.

Liên quan đến những yêu cầu từ bà Bình, trao đổi với Tuổi Trẻ cuối ngày 6/3, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank cho biết hai bên đang cân nhắc để tìm ra biện pháp giải quyết gần hơn nhưng dù gì cũng phải trên cơ sở tuân thủ các quy định.

“Tuy nhiên dù như thế nào thì phán quyết của tòa cũng là ràng buộc cuối cùng đối với các bên”, ông Quyết nói.

Quang Minh tổng hợp