Nhiều nhà vườn ở Lạng Sơn và Sơn La kiếm bộn tiền nhờ giống na lai ghép nặng hơn 1kg/quả đang rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tại lễ hội na Chi Lăng (Lạng Sơn) và hội chợ giới thiệu nông sản sạch của tỉnh Sơn La diễn ra mới đây, quả na dai lai giữa giống na bản địa và na Thái Lan là sản phẩm thu hút được sự quan tâm đặc biệt của khách hàng.

Theo ghi nhận của phóng viên, quả to nhất nặng đến 1,5 kg, những quả trung bình nặng từ 0,8-1 kg/quả. Đáng chú ý, dù giá tại hội chợ dao động khoảng 120.000-150.000 đồng/kg, nhưng vẫn không đủ na để bán.

na khong lo lang son dat gap 5 7 lan na truyen thong van dat khach
Na lai nặng hơn 1kg/quả thu hút sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng. (Ảnh: Thanh niên)

Thanh niên dẫn lời chị Hà, người trồng na xã Quang Lang (Chi Lăng, Lạng Sơn), cho biết sở dĩ giống na khổng lồ này hút khách là bởi vỏ mỏng, múi dai, ngọt, gần như không có cát và rất ít hạt so với giống na truyền thống. Vào đầu mùa, giá na lai này lên đến 200.000 đồng/kg.

Na lai nặng hơn 1 kg/quả là sản phẩm mới được các nhà vườn tại Sơn La và Lạng Sơn đưa ra giới thiệu thị trường năm nay. Với giá bán đắt gấp 5-7 lần so với na thường, loại quả này đã giúp nhiều nông dân cải thiện đáng kể thu nhập.

Theo đại diện Hợp  tác xã nông sản an toàn Hưng Thịnh (tại Sơn La), giống na Thái được lấy từ Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương (Hà Nội), sau đó nông dân lai ghép mắt với giống na bản địa và phát huy tối đa ưu điểm của na Thái là quả to, ít hạt, múi dai, thơm ngon hơn na thường.

HTX Hưng Thịnh bắt đầu trồng na lai từ 3 năm trước và đến nay diện tích trồng giống na mới đạt 13 ha. Năm 2017, cây na bắt đầu bói quả và năm nay cho sản lượng lớn hơn, ước tính khoảng 30 tấn. Hiện tại, HTX đã ký hợp đồng đưa na về tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị tại Hà Nội với giá 125.000 đồng/kg và bán lẻ tại vườn, giá 160.000-170.000 đồng/kg.

na khong lo lang son dat gap 5 7 lan na truyen thong van dat khach
Quá trình chăm sóc giống na mới tương tự với giống na bản địa,. (Ảnh: Vnexpress)

Trong khi đó, theo lãnh đạo huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), diện tích trồng na lai của toàn huyện hiện mới chỉ đạt khoảng 5 ha. Tuy nhiên, huyện Chi Lăng đã có quy hoạch mở rộng thành vùng chuyên canh và xây dựng thành sản phẩm mới của vùng na Chi Lăng để nông dân có thu nhập cao hơn.

Hoài Phương (T/h)