Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung đã bắt đầu chuyển dần từ những lời đe dọa và các cuộc đàm phán “chết yểu” sang những tác động thực đối với nền kinh tế Trung Quốc. Hậu quả là quốc gia đông dân nhất thế giới liên tiếp đón nhận những số liệu kinh tế không mấy sáng sủa.

Theo SCMP, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 của Trung Quốc ở mức 51,5 điểm, giảm nhẹ so với con số 51,9 điểm của tháng trước.

Mặc dù, PMI vẫn ở trên ngưỡng 50 điểm phân cách giữa tình trạng suy giảm và tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất, song chỉ số phụ về đơn hàng xuất khẩu mới đã giảm từ 51,2 điểm xuống chỉ còn 49,8 điểm, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu từ các thị trường nước ngoài đang suy giảm.

Trong thông báo của mình, Liên đoàn Logistics và Mua sắm Trung Quốc (CFLP), cơ quan công bố số liệu PMI của Trung Quốc, đã giải thích mức thuế cao có thể tác động tiêu cực đến số đơn đặt hàng như thế nào.

CFLP cho biết, trong những tháng trước, các công ty đẩy mạnh xuất khẩu bởi họ đoán trước tình hình thương mại quốc tế sẽ trở nên hết sức phức tạp. Khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung không ngừng leo thang, hoạt động xuất khẩu bắt đầu chùng xuống.

Việc chứng khoán Trung Quốc rơi vào “thị trường con gấu” và đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh nhất kể từ năm 2015 đã khiến nhà đầu tư đứng ngồi không yên. Câu hỏi đặt ra là ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ có biện pháp gì để phản ứng với số liệu được công bố cuối tuần trước. Họ sẽ thực hiện các chính sách có ảnh hưởng rộng như điều chỉnh lãi suất hay sẽ giữ cách tiếp cận hiện tại là chỉ hỗ trợ một vài lĩnh vực cụ thể.

Kinh tế Trung Quốc hứng tin xấu vì căng thẳng thương mại với Mỹ
Đồng Nhân dân tệ suy yếu giữa lúc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại. (Ảnh: Reuters)

Thực tế, cách đây hơn 1 tuần, PBOC đã cắt giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại. Động thái này có thể giải phóng 700 tỷ Nhân dân tệ (106 tỷ USD) cho thị trường. Song, hầu hết số tiền nhằm vào hỗ trợ chương trình xử lý nợ xấu.

Các chuyên gia kinh tế dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong 6 tháng cuối năm, nhưng chưa thể khẳng định điều này có trực tiếp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hay không. Thị trường bất động sản có dấu hiệu hình thành bong bóng và mức nợ doanh nghiệp ngày càng cao khiến Trung Quốc khó có thể dễ dàng tạo ra tăng trưởng bằng cách tăng tín dụng như trước.

Mỹ và Trung Quốc đã tuyên bố áp đặt thuế mới lên hàng hóa của nhau với giá trị lên đến hàng chục tỷ USD. Các loại thuế này sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 7/2018. Tuy nhiên, đó có thể chỉ là khởi đầu. Tổng thống Donald Trump vừa đe dọa sẽ đánh thuế bổ sung đối với 200 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngay lập tức, Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ đáp trả nếu Washington làm như vậy.

Theo CNN, Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa đến Mỹ nhiều hơn chiều ngược lại. Dựa theo số liệu của Mỹ, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đến Mỹ trong năm 2017 đạt 505 tỷ USD, trong khi đó Mỹ chỉ xuất 130 tỷ USD giá trị hàng hóa đến quốc gia châu Á này. Do đó, nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi việc trả đũa Mỹ trực tiếp bằng thuế quan, nền kinh tế thứ 2 thế giới sẽ còn phải đón thêm nhiều tin xấu nữa hơn.

Vỹ An