Tài sản lớn nhất của Việt Nam không phải dầu khí, công nghệ, cơ sở hạ tầng mà chính là người dân, và đặc biệt là giới trẻ.

Đó là chia sẻ của ông Philipp Rosler, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra ngày 7/11.

Ông Rosler đánh giá rằng giới trẻ sẽ là nhân tố giúp Việt Nam thu hút đầu tư, do đó cần thúc đẩy việc đào tạo nghề để tiếp tục cải thiện năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

“Nâng cao năng lực của giới trẻ là cách tốt nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì vậy, khu vực công cần phối hợp với khu vực tư để làm được điều đó. Giới trẻ cũng là tài sản Việt Nam đáng tự hào và có thể là chìa khóa để thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Rosler nói.

Chia sẻ những kinh nghiệm của mình khi còn giữ cương vị bộ trưởng kinh tế của Đức, ông Rosler cho biết công tác đào tạo nghề tại Đức diễn ra rất thành công, và đây cũng là một ví dụ tiêu biểu về hợp tác công – tư tại nước này.

Theo ông Rosler, những người tham gia vào đào tạo nghề tại Đức được trả tiền cho 5 ngày làm việc trong tuần nhưng họ chỉ phải làm việc trong 3 ngày, còn 2 ngày ngồi bàn thảo với các cơ quan chức năng về những điều chỉnh cần thiết trong quá trình đào tạo nghề. Quá trình này diễn ra trong vòng 3 năm.

Ông Rosler cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam nên tiếp tục thúc đẩy và tạo điều kiện để hợp tác công – tư (PPP) phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

“Khu vực tư nhân cần phối hợp với khu vực công để nâng cao năng lực cạnh tranh và đây là thông điệp cho Việt Nam hôm nay”, lãnh đạo WEF khuyến nghị.

Minh Tuệ (th)