Chỉ vài ngày sau khi lệnh tạm ngưng nhập khẩu thịt lợn từ hai quốc gia đang có dịch tả là Ba Lan và Hungary chính thức áp dụng, giá thịt lợn ở thị trường Việt Nam tăng mạnh.  

Theo Người Lao động, hiện nguồn cung lợn cho thị trường không thiếu, nhưng các nhà chăn nuôi lớn đang dùng kỹ thuật tạo khan hiếm giả trước nạn dịch tả lợn châu Phi nhằm giữ giá ở mức cao.

Ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn (Tp.HCM) cho biết trung bình mỗi đêm có khoảng 5.200 con lợn được đưa vào chợ tiêu thụ. Lượng cung ứng này đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, nhưng giá lợn hơi vẫn tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với vài ngày trước và tăng 1.500-2.000 đồng/kg so với đầu tháng 8.

Cụ thể, lợn loại 1 có giá khoảng 53.000 đồng/kg, loại 2 giá 51.500 đồng/kg. Giá lợn mảnh (lợn xẻ đôi thân) cũng tăng tương ứng, lên mức 67.000-70.000 đồng/kg, đẩy giá bán lẻ ra thị trường lên khá cao. Trong đó, sườn non và thịt ba chỉ có mức tăng giá mạnh nhất.

Tại các trại chăn nuôi ở khu vực Đông Nam Bộ, giá lợn hơi bán ra trên 50.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ trên Thanh niên, một thương lái ở Long Khánh (Đồng Nai) cho biết giá lợn hơi đang được bán với giá 52.000-53.000 đồng/kg nhưng nguồn hàng không nhiều và các chủ trại luôn trong tâm lý dọa tăng giá bán.

Tương tự đối với thịt lạnh, sau lệnh dừng nhập khẩu thịt lợn từ Ba Lan và Hungary, nhiều website bán hàng thịt nhập khẩu đã niêm yết giá mới. Thậm chí, một số trang web còn thông báo hết hàng sản phẩm sườn BBQ nhập khẩu từ một số thị trường.

Ông Tuấn (quận Bình Thạnh, Tp.HCM), một người chuyên nhập khẩu thịt lợn và bò, cho biết thịt lợn nhập chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn. Do thịt lợn nhập từ Ba Lan thường có giá mềm hơn thịt lợn từ các nước khác và sản phẩm phù hợp với chuỗi nhà hàng thịt nướng, BBQ đang nở rộ, nên việc thiếu hụt nguồn cung từ Ba Lan là một bước hẫng lớn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm 2018, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập 19.581 tấn thịt lợn các loại, trong đó Ba Lan là thị trường nhập nhiều nhất với 7.035 tấn, kim ngạch trên 8 triệu USD. Tính bình quân, mỗi tháng Việt Nam nhập gần 1.200 tấn thịt lợn từ Ba Lan với giá nhập trung bình khoảng 26.500 đồng/kg.

Ông Tuấn dự báo thị trường thịt lợn nhập sắp tới chắc sẽ tăng khoảng 5-7% do nhà nhập khẩu phải tìm thị trường thay thế hoặc do khan hàng.

Theo Bộ Công Thương, trong 20 ngày đầu tháng 9, tại nhiều địa phương, giá lợn hơi tiếp tục tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 8. Nguyên nhân khiến giá lợn hơi duy trì ở mức cao chủ yếu do tác động của thông tin dịch bệnh tả lợn châu Phi khiến các trang trại đang có xu hướng găm hàng, hạn chế bán ra, chờ được giá mới xuất bán.

Trước diễn biến này, đại diện Bộ Công Thương khuyến cáo dịch tả lợn châu Phi chưa vào Việt Nam nên người dân cần bình tĩnh, bởi lượng lợn hơi tại các trang trại, doanh nghiệp không thiếu.

Nguyễn Trang (Tổng hợp)