Giá mủ xuống thấp cùng áp lực trả nợ ngân hàng đè nặng, nhiều người dân ở Thừa Thiên-Huế đã chặt bỏ cây cao su để thay bằng loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Báo Thừa Thiên Huế đưa tin, gần đây diện tích trồng cao su tại xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đang giảm mạnh do giá gỗ cao su tăng cao trong khi giá mủ lại xuống rất thấp.

Ông Lê Viết Xê, chủ trang trại tại vùng Khe Mạ (xã Phong Mỹ), cho hay vài tháng trước giá gỗ cao su lên tới 300-400.000 đồng/cây, trong khi đó giá mủ xuống còn 10.000-12.000 đồng/kg, nên ông đã chặt bỏ gần 4 ha cao su già cỗi, khả năng cho mủ kém để bán cho thương lái. Sau khi chặt bỏ 4 ha cao su nói trên, ông chỉ trồng lại 2 ha cao su mới, diện tích còn lại ông để trồng rừng kinh tế.

Phó Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, ông Nguyễn Hữu Chung, cho biết trung bình mỗi người dân trồng cao su vay Ngân hàng NN&PTNT huyện Phong Điền từ 25-30 triệu đồng/ha cao su cho chu kỳ 7 năm mới khai thác. Nhiều hộ không đủ tiền trả lãi nên đành thanh lý vườn cao su. Có một giai đoạn, nhiều hộ dân đốn bỏ cây cao su do giá gỗ cây cao su lên cao, bình quân 1 ha (500 cây), bán được 100 triệu đồng”.

Không chỉ tại huyện Phong Điền mà tại một số huyện khác như A Lưới, Nam Đông, tình trạng chặt bỏ cây cao su cũng diễn ra.

Theo Báo Tiền Phong, từ khoảng 5 năm lại đây, hơn 400 hộ dân trong xã Hồng Hạ (huyện A Lưới) đã trồng khoảng 224 ha cao su. Đây là một trong những địa phương có vùng chuyên canh cao su lớn nhất nhì tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Tuy nhiên, sau một thời gian tăng trưởng “nóng”, người dân lại lần lượt chặt bỏ hàng chục ha cao su để lấy đất chuyển sang trồng sắn, keo tràm. Chỉ riêng thời gian ngắn gần đây, người dân Hồng Hạ tiếp tục “trảm” 5 ha cao su do không còn mặn mà với loại cây công nghiệp từng được ví là “vàng trắng” này.

Trước tình trạng người dân ồ ạt chặt bỏ cây cao su, ông Hồ Viết Lương, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ, cho biết cây sao su luôn được xác định là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, giúp người dân ổn định cuộc sống. Chính vị vậy, người dân cần cân nhắc thật kỹ khi có ý định chặt bỏ cây cao su để thay thế bằng cây trồng mới.

Trên thực tế, tình trạng chặt bỏ cây cao su để thay thế bằng cây trồng khác không chỉ diễn ra tại Thừa Thiên Huế. Trước đó, cuối năm 2017, người dân ở xã Quảng Phú (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) cũng phải ồ ạt chặt bỏ loại cây trồng này vì giá mủ xuống thấp.

(Tổng hợp)