Bóng đá đang là một trong những con đường nhanh nhất để tăng độ nhận diện thương hiệu đối với các khách hàng trẻ của châu Á.

Theo Nikkei, bóng đá đang trở thành một lĩnh vực kinh doanh “đầy màu mỡ” tại châu Á khi các giải đấu lớn bên ngoài Nhật Bản thu hút hơn 15 triệu người quan tâm. Trong khi đó, các đội bóng và các nhà quảng cáo cũng cạnh tranh để giành sự chú ý của khán giả trẻ – những người có thu nhập ngày càng cao.

Chủ tịch Newin Chidchob của Câu lạc bộ Buriram United – đội bóng 4 lần vô địch giải bóng của Thái Lan trong vòng 6 năm – cho biết đội bóng của ông đang lên kế hoạch IPO vào năm 2019. Buriram United đặt mục tiêu huy động khoảng 200 triệu Baht (khoảng 6,17 triệu USD) trong đợt IPO tới trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan.

Số tiền Buriram United thu được sẽ được dùng để đầu tư cho thể thao điện tử hoặc các trò chơi trực tuyến và các trung tâm phục hồi chức năng cho cầu thủ.

Ông Newin đang tưởng tượng mô hình Buriram United trong tương lai sẽ giống với những người khổng lồ của bóng đá châu Âu.

Cựu chính trị gia Newin mua lại đội bóng này vào năm 2009 và chuyển đội về quê nhà của ông tại tỉnh Buriram. Hiện tại, Buriram United nhận được nhiều tài trợ của các doanh nghiệp có tiếng như Yamaha Motor (Nhật Bản) và có nhiều cầu thủ chất lượng. Đội bóng liên tục có mặt tại nhiều giải đấu cấp câu lạc bộ hạng A châu Á như giải AFC Champions League.

Bóng đá đang ngày càng được hâm mộ ở châu Á thời gian gần đây, với các giải đấu hàng đầu tại Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ đang thu hút hơn 1 triệu khán giả mỗi năm, theo số liệu của công ty nghiên cứu Euromonitor và Dentsu Nhật Bản. Sự bùng nổ của điện thoại thông minh và truyền hình cáp đã giúp bóng đá trở thành môn thể thao được yêu thích vượt ngay cả tại những nước chuộng môn cricket như Ấn Độ.

doanh nghiep tim kiem co hoi ghi ban tu con sot bong da chau a
Bóng đá châu Á đang phát triển chóng mặt. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc cũng thu hút nhiều sự quan tâm khi đang là một thị trường tăng trưởng mạnh. Theo báo cáo của hãng kiểm toán Deloitte, Guangzhou Evergrande Taobao – đội bóng thành công nhất nền kinh tế số 1 châu Á, đạt doanh thu 89 triệu USD trong năm 2016. Con số này cao hơn doanh thu 67,9 triệu USD của câu lạc bộ có doanh thu hàng đầu Nhật Bản là Urawa Red Diamonds trong năm 2017.

“Trong 10 năm tới, chúng tôi mong muốn thấy có ít nhất 1 đến 3 đội bóng Trung Quốc cạnh tranh trong top 20 thế giới”, nhà quản lý đội Evergrande Taobao chia sẻ với Deloitte. Đội bóng này thuộc sở hữu chính của hãng phát triển bất động sản Evergrande Group và hãng bán lẻ Alibaba.

Nhiều quốc gia châu Á vẫn đứng vị trí thấp trên bảng xếp hạng của FIFA và chưa từng tham dự World Cup. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của bóng đá ngày càng lớn và các doanh nghiệp đang để mắt đến lĩnh vực này.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhật Bản sử dụng bóng đá để tăng cường độ phủ của các thương hiệu của mình ở châu Á. Hồi tháng 5, công ty thiết bị nông nghiệp Yanmar thông báo, tiếp tục tài trợ cho giải bóng đá lớn nhất Đông Nam Á – AFF Suzuki Cup và tuyển Timor-Leste. Suzuki Motor là nhà tài trợ chính của giải đấu này từ năm 2008. Toyota Motor – nhà tài trợ chính cho giải bóng đá Thái Lan – đã ký thêm một hợp đồng có thời hạn 4 năm vào năm 2017.

Giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản – J.League – đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các đối tác ở 8 quốc gia trong khu vực bao gồm Thái Lan và Việt Nam.

“Bóng đá tại các quốc gia này có nhiều tiềm năng tăng trưởng hơn Nhật Bản”, Takeyuki Oya – người đứng đầu mảng marketing tại J.League nhận định.

Các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu đang tìm cách tận dụng tốc độ bùng nổ của bóng đá châu Á bằng cách thành lập các trường đào tạo tại khu vực này.

Bayern Munich – đội bóng hàng đầu nước Đức, vừa thông báo sẽ mở một học viện tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) để đào tạo huấn luyện viên và cầu thủ. Câu lạc bộ này cũng có học viện tại Thanh Đảo và Thâm Quyến.

FC Barcelona cũng có mạng lưới học viện khắp châu Á – Thái Bình Dương. Đội bóng này cũng bắt tay với đại gia thương mại điện tử Nhật Bản – Rakuten nhằm tăng cường sự ảnh hưởng tại châu Á.

Đối thủ truyền kỳ của Barcelona là Real Madrid cũng mở một văn phòng tại Bắc Kinh và hợp tác quảng cáo cùng hãng lốp xe Hankook của Hàn Quốc. Đội bóng này bắt tay cùng Lai Sun Group để xây dựng một trung tâm giải trí bóng đá tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Kiều Ngọc (Tổng hợp)

Từ Khóa: