Trung Quốc và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận tạm ngừng cuộc chiến thương mại tại G20. Động thái này được coi là bước ngoặt quan trọng cho quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, theo The Conversation, đình chiến thương mại chỉ là giải pháp tạm thời.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chính thức bùng nổ từ tháng 7 đã gây ra nhiều nỗi lo về sự mất ổn định thị trường chứng khoán thế giới, suy thoái toàn cầu và phương hại đến trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc.

Thỏa thuận của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về tạm dừng chiến tranh thương mại và tăng cường việc đàm phán trước khi quyết định có tăng thuế hay không được xem như thành công cho mối quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, sự lắng xuống của đôi bên chỉ là một phương án ngắn hạn, không phải một giải pháp lâu dài để có thể giải quyết những vấn đề thương mại căn bản cũng như những căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung hiện nay.

Hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc đã rời thủ đô của Argentina với một thỏa thuận được đưa ra nhắm đến giải quyết những sự khác biệt, từ các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đến các chính sách thương mại của nước này.

Sự nổi lên của kinh tế Trung Quốc và sự suy giảm của Mỹ khiến hai cường quốc này càng chống đối lẫn nhau hơn nữa. Vậy những triển vọng cho thỏa thuận đạt được bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 là gì?

Trong nỗ lực nhằm giảm căng thẳng thương mại và ngăn chặn sự mất niềm tin toàn cầu, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập đã đồng ý gia hạn thêm 90 ngày với việc áp thuế nhập khẩu bổ sung của Mỹ lên khoảng 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trước đó, ông chủ Nhà Trắng đã đe dọa tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/1/2019. Không những vậy, ông còn đe dọa áp thuế nốt với 267 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc nếu không giải quyết được những khác biệt về giao thương.

Tuyên bố đạt được tại Argentine ghi rõ: “Cả hai bên nhất trí sẽ cố gắng đạt thỏa thuận cuối cùng trong vòng 90 ngày tới. Nếu kết thúc thời gian này, các bên không đạt được thỏa thuận, mức thuế 10% sẽ được nâng lên 25%”.

Đáp lại những nhượng bộ tạm thời này, Trung Quốc đồng ý: “Mua lượng lớn những hàng hóa thiết yếu như nông sản, năng lượng, hàng công nghiệp và một số sản phẩm khác từ Mỹ nhằm giảm sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước. Trung Quốc đồng ý mua hàng nông sản ngay lập tức”.

Hai bên nhất trí xử lý các vấn đề về cấu trúc quan hệ thương mại, liên quan đến 5 lĩnh vực, bao gồm chuyển giao công nghệ ép buộc; bảo vệ sở hữu trí tuệ; các hàng rào phi thuế quan; tấn công mạng và tội phạm công nghệ cao. Đây đều là những vấn đề rất phức tạp và khó có thể giải quyết trong ngắn hạn.

Theo trang the Conversation, việc sẵn sàng đi đến một thỏa thuận với Trung Quốc của ông Trump sau nhiều tháng tấn công dồn dập phản ánh áp lực đến từ cử tri cũng như báo động ở Phố Wall về nguy cơ chiến tranh thương mại toàn diện.

Bên cạnh đó, sự thúc đẩy cho một thỏa thuận nhằm giữ thể diện tại Buenos Aires đã đạt được bởi mối quan ngại ngày càng tăng về nền kinh tế toàn cầu. Khối lượng giao dịch thương mại đã bắt đầu chững lại vào quý III khiến nỗi lo này thêm phần sâu sắc.

Phát biểu tại cuộc họp báo bên lề G20, giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, cho rằng: “Áp lực trên các thị trường mới nổi đang gia tăng và căng thẳng thương mại bắt đầu có tác động tiêu cực, tạo thêm nguy cơ về suy giảm kinh tế”.

Mặc dù vậy, các chuyên gia chính sách đối ngoại vẫn hoài nghi về sự lắng xuống trong thái độ thương mại thù địch sinh ra bởi những vấn đề làm tổn hại quan hệ Mỹ – Trung.

Theo nhà báo Ely Ratner của tạp chí Foreign Affairs, ngay cả khi chính sách thuế quan được giữ như cũ, Mỹ sẽ tiếp tục tái cơ cấu quan hệ kinh tế với Trung Quốc thông qua việc hạn chế đầu tư, kiểm soát xuất khẩu, thực thi pháp luật chống lại tình báo công nghiệp và tình báo mạng.

Việc đình chiến thương mại sẽ không duy trì được lâu nếu Mỹ vẫn giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc.

Vỹ An (Tổng hợp)