Theo đánh giá của chuyên gia Ngân hàng Thế giới, trong khi chiến tranh thương mại ảnh hưởng đến người dân cả hai nước Mỹ và Trung Quốc, những nền kinh tế khác lại có cơ hội đắc lợi, đặc biệt là Việt Nam.

Căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Không những vậy, từ ngày 1/1/2019, mức thuế 10% áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ sẽ được nâng lên 25%. Đáng chú ý, trong khi chiến tranh thương mại ảnh hưởng đến người dân cả hai nước này, những nền kinh tế khác lại có cơ hội hưởng lợi, ví dụ như Việt Nam.

Theo Quartz, kết quả nghiên cứu mới đây của chuyên gia kinh tế Massimiliano Cali thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, nếu chính sách áp thuế của chính quyền Mỹ được thực hiện theo đúng lộ trình, kim ngạch nhập khẩu hàng Trung Quốc của Mỹ sẽ giảm gần 70 tỷ USD, tương đương 13,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc và 3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.

Những mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm hàng điện tử, máy móc, đồ nội thất và xe cộ.

Chuyên gia Cali đã phân tích để tính toán xem những mặt hàng của Trung Quốc bị đánh thuế nặng sẽ được thay thế bởi những quốc gia nào. Ví dụ, do bị đánh thuế nên mặt hàng ghế xuất khẩu từ Trung Quốc sẽ giảm hơn 400 triệu USD kim ngạch. Trong khi đó, Việt Nam vốn đã xuất khẩu nhiều mặt hàng ghế sang nền kinh tế số 1 thế giới nên nhiều khả năng sẽ trở thành lựa chọn thay thế hàng đầu của các doanh nghiệp Mỹ.

Sau khi thống kê hàng loạt những sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc có thể bị thay thế bởi những quốc gia khác, chuyên gia Cali thiết lập lợi ích của từng nước nhận được khi trở thành nhà cung cấp mới cho Mỹ dựa trên tỷ lệ phần trăm GDP của các quốc gia đó.

Kết quả, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Nếu tất cả các sản phẩm của Việt Nam theo tính toán của chuyên gia này có thể thay thế hàng xuất khẩu Trung Quốc, giá trị của chúng tương đương với 4,4% GDP.

Đứng thứ 2 là Philippines khi được hưởng lợi 4,1% GDP. Tiếp theo là Campuchia với 3,6% GDP. Trong khi đó, Indonesia được đánh giá hưởng lợi ít nhất từ cuộc chiến thương mại với chỉ khoảng 1% GDP.

Bên cạnh những nền kinh tế được hưởng lợi, kết quả nghiên cứu của Cali cũng cho thấy nhiều nền kinh tế sẽ chịu thiệt hại do làm ăn với Trung Quốc. Đơn cử như Đài Loan xuất khẩu khá nhiều nguyên vật liệu, thiết bị sang các nhà máy Trung Quốc để sản xuất hàng xuất sang Mỹ. Bởi vậy, chiến tranh thương mại sẽ khiến GDP Đài Loan bị giảm khoảng 0,2%.

Vỹ An (Tổng hợp)