Nhiều chuyên gia kinh tế trên khắp châu Á cho rằng chất lượng sống chưa cao là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Việt Nam khó thu hút nhân tài từ các nước trên thế giới đến làm việc.

Theo trang tin The Leader, trong phiên thảo luận với chủ đề “Giải pháp nâng cao năng lực sáng tạo và hiệu quả đổi mới của doanh nghiệp” tại Diễn đàn kinh tế TP. HCM hôm 23/11, các diễn giả tham dự đều cho rằng doanh nghiệp muốn phát triển cần thu hút được những nhân lực có khả năng tư duy sáng tạo tốt.

Muốn thu hút được nhân tài, chính phủ và các doanh nghiệp cần có chế độ đãi ngộ tốt về lương thưởng, cơ hội được đào tạo, cơ hội thăng tiến và có sự nghiệp cùng môi trường sống chất lượng cao.

Các chuyên gia đánh giá, nhìn chung Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực về các điều kiện trên, ngoại trừ chất lượng môi trường sống.

Phát biểu trong phiên thảo luận, ông Ahmad Magard – Tổng thư ký Liên đoàn sản xuất Singapore, trích dẫn một khảo sát gần đây về chất lượng sống ở 31 nước cho thấy Việt Nam đứng cuối bảng trong khi Singapore đứng đầu bảng. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn ở Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu của dân số, gây ra các hậu quả nghiêm trọng như ùn tắc giao thông, ngập úng, ô nhiễm, thiếu các cơ sở y tế – giáo dục chất lượng cao…

TS. Ahmad Magard cho rằng chất lượng sống là yếu tố quan trọng giúp thu hút nhân tài. Sở dĩ Singapore trở thành tấm gương thành công tại Đông Nam Á là vì đảo quốc này có chất lượng sống tốt.

Cũng theo ông Ahmad Magard, khi một đất nước và thành phố có thể thu hút được nhiều nhân tài, họ sẽ tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mà trước đó chưa từng tồn tại. Để duy trì được chất lượng cuộc sống cao, Singapore phải tốn rất nhiều chi phí nhưng bù lại nhân lực ở đây phải làm việc với thời gian biểu dài hơn Việt Nam, ví dụ như từ 8h sáng đến 5h chiều, không nghỉ trưa.

Ngược lại, nếu một đất nước không thu hút được nhiều nhân tài, sẽ chỉ làm ra những sản phẩm có giá trị gia tăng thấp.

Hiện tại, có một vài chuyên gia từ Singapore đang muốn đến Việt Nam làm việc do họ thấy Việt Nam – đặc biệt là TP. HCM, đang dần cải thiện được chất lượng sống.

Nhìn nhận về tiêu chí của một đất nước – thành phố đáng sống, Bà Tan Poh Hong, Chuyên gia Trung tâm nghiên cứu các thành phố đáng sống của Singapore, cho biết một thành phố đáng sống phải có 3 yếu tố là môi trường bền vững, chất lượng sống tốt và đời sống cao..

Để có được môi trường xanh – sạch – đẹp như bây giờ, bà Tan Poh Hong cho biết Singapore cũng đã phải thay đổi tư duy quy hoạch của mình vài lần. Trước kia, Singapore xây dựng cơ sở hạ tầng như đường xá nhằm phục vụ xe ô tô nhưng bây giờ xây dựng hạ tầng phải xoay quanh con người, ưu tiên các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe đạp, xe chia sẻ…

Trước đây, khi lên kế hoạch quy hoạch nhà ở và hạ tầng, Singapore cũng chú trọng đến không gian và mảng xanh trong thành phố; bây giờ họ đang chuyển sang quan điểm xây dựng “thành phố trong khu vườn” chứ không phải “khu vườn trong thành phố” để tạo ra không gian sống xanh khắp thành phố.

Ngày nay, nhờ những thay đổi cả về chính sách lẫn quan điểm nên càng ngày càng nhiều người ở các quốc gia khác đến sinh sống, làm việc tại Singapore.

Ở góc độ khác, khi bàn về các giải pháp xây dựng đô thị sáng tạo tại TP. HCM, ông Ousmane Dion, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, cho rằng để phát huy vai trò của khu đô thị sáng tạo, bên cạnh việc phát huy nội lực của thành phố, thành phố cũng cần liên kết chặt chẽ với các khu vực xung quanh như Đồng Nai, Bình Dương… Ngoài ra, TP. HCM cần có các chính sách thu hút, giữ chân và phát triển nhân tài ngay khi còn ngồi trong ghế nhà trường, đồng thời thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển kỹ năng kỹ thuật, nâng cấp kỹ năng, tạo ra môi trường để thu hút đầu tư nước ngoài.

Đồng quan điểm với ông Ousmane Dion, TS. Ahmad Magard đánh giá khu vực phía Nam, đặc biệt là Bình Dương, Đồng Nai và TP. HCM, đã có sự thay đổi rất lớn trong những năm gần đây, môi trường kinh doanh cũng thân thiện hơn. Tuy nhiên, vẫn cần nỗ lực hơn để cải thiện về môi trường kinh doanh. Đặc biệt, để thu hút được các nhân tài nước ngoài và để lao động Việt Nam không bị chảy máu chất xám, ưu tiên quan trọng nhất vẫn là cần tạo ra môi trường sống và làm việc tốt hơn.

(Tổng hợp)