Muốn một giá trị văn hóa sống trong lòng doanh nghiệp của mình thì việc cơ bản là tạo ra một môi trường phù hợp để giá trị văn hóa đó tồn tại. Ông Nguyễn Đức Tài, CEO của Thế giới Di động chia sẻ.

Khi chúng ta nói văn hóa như một khẩu hiệu thì văn hóa không sống được. Nhưng khi chúng ta gắn nó với các chính sách của công ty, bao gồm cả tiền bạc, tuyên dương, kỷ luật thì giá trị văn hóa sẽ “chạy”.

Cách đây 2 năm, Thế giới Di động (MWG) phát triển quá nóng, vì vậy giá trị Teamwork, trước vốn rất hiệu quả khi nhân viên cùng cộng tác với nhau trong công việc, giờ trở nên biến tướng. Thay vì cộng tác với nhau, họ giẫm đạp lên nhau chỉ để tạo ra kết quả. Để tránh tình trạng trên, ông Tài đã thêm một yếu tố vào giá trị văn hóa doanh nghiệp đó chính là: Giá trị Yêu thương và Hỗ trợ đồng đội.

Giá trị Yêu thương và Hỗ trợ đồng đội được thêm vào trong doanh nghiệp. (Ảnh: dantrisoft.com)

Sáu giá trị cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp của Thế giới Di động gồm: Tận tâm với khách hàng, Trung thực, tuân thủ, nhận trách nhiệm, yêu thương và hỗ trợ đồng đội và cuối cùng là máu lửa, trong đó yếu tố Yêu thương và Hỗ trợ đồng đội ở vị trí thứ 5.

Khi đưa một yếu tố giá trị vào văn hóa công ty, phải biến nó thành một thứ “văn hóa sống” chứ không phải là một khẩu hiệu “đao to búa lớn” chỉ để treo trên tường. Khi yếu tố này được bổ sung vào văn hóa công ty, nó đã thay đổi trạng thái tiêu cực, thay vì dằn mặt nhau để tạo ra kết quả chung, thành hỗ trợ nhau để tạo ra kết quả chung.

“Chúng tôi muốn thấy một môi trường yêu thương và hỗ trợ lẫn nhau, một môi trường mà các nhân viên nắm tay nhau để đi về tương lai, chứ không phải một môi trường đạp nhau để đi về tương lai”, ông Tài giải thích.

Ông Tài ví von môi trường của Thế giới Di động như môi trường nước ngọt, là môi trường để cá nước ngọt có thể tung tăng bơi lội. Chuyện gì xảy ra nếu Thế giới Di động tuyển chọn “một con cá nước mặn”?

“Nếu ai đó chia sẻ được việc khi là đồng nghiệp thì cùng yêu thương hỗ trợ nhau trong công việc, sẽ nhận họ làm. Còn ai đó suy nghĩ cả công ty chỉ cần 1 siêu sao, 10 người còn lại làng nhàng cũng không sao, thì đừng tuyển. Người này vào công ty sẽ làm rối ren hết”, ông Tài nói.

“Một người có sẵn tính trung thực, biết quan tâm tới người khác vô Thế giới Di động thấy đây đúng là chỗ của mình. Một người thượng đội hạ đạp, một người chỉ biết vì chính mình, không quan tâm đến xung quanh vô đây sẽ thấy rất mệt mỏi, thấy sao mình làm đúng mà ông này cứ nhắc mình hoài. Mình đang làm giỏi, shop đang doanh thu tăng trưởng mà cứ đi hỏi nhân viên xem ông sếp mày có làm gương không, có công bằng hay không…”

“Vài lần bị hỏi mà hơn một nửa số nhân viên trả lời sếp cửa hàng không công bằng, không làm gương, người sếp cấp trung đó sẽ được cho nghỉ. “Những con cá nước mặn” vào đây không “cảm” được chuyện đó, không hiểu được tại sao mình làm ra kết quả mà vẫn bị nhắc nhở và cảnh cáo hoài. Họ là “cá nước mặn”, họ rơi vào nước ngọt cảm thấy ngột ngạt”, ông Tài chia sẻ.

Ví như với giá trị Yêu thương và Hỗ trợ đồng đội, ông Tài sẽ gửi form đánh giá để thu thập thông tin. Để đánh giá vị Giám đốc tài chính, thì form đánh giá sẽ được gửi tới những người xung quanh xem năm vừa qua ông này hỗ trợ họ ở mức nào, phân theo 5 cấp đánh giá gồm Xuất sắc, Tốt, Khá, Trung bình, Kém.

Người thì cho rằng ông này được yêu cầu hỗ trợ thanh toán cho đối tác trong vòng 3 ngày mà cứ để 4-5 ngày, hỗ trợ kém thì sẽ đưa vào đánh giá. Người khác lại nói ông này hỗ trợ tốt… Từ 5 mức phân chia đó lại hình thành thang điểm, Xuất sắc là 10, Tốt là 8, rồi 6, 4, 2 điểm, từ các điểm này sẽ hình thành chính sách thưởng – phạt.

“Khi ai có đề xuất giáng chức, thăng tiến ai đó, chúng tôi luôn dựa vào 6 trụ cột văn hóa này. Anh muốn đề cử thăng tiến người này thì người anh tiến cử có điểm gì trong 6 giá trị ở trên.

“Mọi chính sách chúng tôi đều soi vào bức tranh này để đánh giá xem con người đó nên thăng tiến hay xử lý kỷ luật. Điều này giúp cho văn hóa sống”, ông chủ Thế giới Di động chia sẻ.

Quang Minh