Mức lợi nhuận cao chưa từng thấy của ngành ngân hàng Mỹ có được trong quý I/2018 chủ yếu nhờ tốc độ tăng trưởng bền vững của nền kinh tế số 1 thế giới và các chương trình cải tổ thuế của Tổng thống Donald Trump.

Theo số liệu do Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) công bố mới đây, lợi nhuận của các ngân hàng Mỹ tăng 28% trong quý I/2018, đạt 56 tỷ USD, vượt qua kỷ lục cũ thiết lập vào quý 4/2017.

Kết quả trên được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Hạ viện Mỹ thông qua một dự luật nới lỏng quy chế giám sát ngân hàng nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính.

Báo cáo của FDIC cho thấy 70% trong tổng số 5.606 ngân hàng của Mỹ ghi nhận lợi nhuận tăng trong 3 tháng đầu năm 2018. Tỷ lệ các ngân hàng thua lỗ giảm còn 3,9%. Danh sách các ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ mà FDIC đưa ra chỉ còn 92, mức thấp nhất kể từ quý 1/2008.

Theo báo cáo, chương trình cắt giảm thuế của Tổng thống Trump giúp lợi nhuận các ngân hàng Mỹ tăng thêm 6,7 tỷ USD trong quý I.

Các ngân hàng Mỹ đạt lợi nhuận cao kỷ lục nhờ biện pháp giảm thuế của Tổng thống Trump
JPMorgan Chase lãi 8,7 tỷ USD trong quý I/2018. (Ảnh: Reuters)

James Chessen, nhà kinh tế trưởng tại Hiệp hội Ngân hàng Mỹ (ABA), nhận định cuộc cải cách thuế đã tạo thêm động lực giúp ngành ngân hàng Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Không có gì ngạc nhiên khi phần lớn khoản lợi nhuận khổng lồ của ngành ngân hàng thuộc về những ông lớn trên Phố Wall. Nhờ các đợt cắt giảm thuế, những “đại gia” trong giới ngân hàng Mỹ thu về khoản lợi nhuận khổng lồ trong quý I/2018.

Cụ thể, cả Morgan Stanley và Bank of America đều công bố lợi nhuận đạt mức kỷ lục trong quý I/2018, trong khi thước đo tỷ suất sinh lời của Goldman Sachs đạt mức cao nhất trong 5 năm.

Đặc biệt, JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất tại Mỹ, lãi 8,7 tỷ USD trong quý I. Đây là mức lợi nhuận quý cao chưa từng có trong lịch sử của bất kỳ ngân hàng nào của Mỹ.

Mặc dù, ngành ngân hàng Mỹ có quý bội thu nhất từ trước đến nay, hoạt động cho vay vẫn chưa thực sự lạc quan đối với các ngân hàng lớn, bất chấp kinh tế tăng trưởng vững và bảng cân đối kế toán lành mạnh của các nhà băng. FDIC cho biết các khoản vay thương mại và công nghiệp chỉ tăng 1,9% trong quý I, trong khi vay thế chấp nhà chỉ tăng 0,4%.

Các chuyên gia cho rằng mức tăng trưởng vốn vay thấp này là kết quả của nhu cầu vay vốn ở mức yếu và áp lực từ quy chế giám sát đối với các ngân hàng.

Nguyễn Trang