Theo tập đoàn tài chính Nomura của Nhật Bản, những nền kinh tế mới nổi có nguy cơ khủng hoảng tỷ giá lớn nhất hiện nay là Sri Lanka, Nam Phi, Argentina và Pakistan, còn Việt Nam được xếp ở mức rủi ro trung bình.

Trong một báo cáo phân tích được công bố vào tuần qua, ngân hàng Nomura cho rằng có 7 nền kinh tế mới nổi đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tỷ giá.

Nomura đưa ra mô hình đánh giá dựa trên các yếu tố như dự trữ ngoại hối, lãi suất, kim ngạch xuất nhập khẩu, nợ ngắn hạn, cán cân ngân sách, cán cân tài khoản vãng lai. Các nền kinh tế được đánh giá trên thang điểm từ 0-200, với điểm càng cao thì nguy cơ khủng hoảng càng lớn.

Với 175 điểm, Sri Lanka trở thành nước có rủi ro khủng hoảng tỷ giá lớn nhất, tiếp đến là Nam Phi với 143 điểm, Argentina với 140 điểm, Pakistan với 136 điểm, Ai Cập với 111 điểm, Thổ Nhĩ Kỳ với 104 điểm và Ukraina với 100 điểm.

Trong số những nền kinh tế mới nổi này có 5 nước đã rơi vào khủng hoảng tiền tệ hoặc phải nhờ đến sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trừ Nam Phi và Pakistan là những gương mặt mới.

Ở chiều ngược lại, có 8 nền kinh tế mới nổi có rủi ro khủng hoảng tỷ giá thấp nhất, với số điểm đều là không, bao gồm Thái Lan, Nga, Philippines, Peru, Kazakhstan, Indonesia, Bulgary và Brazil.

Với số điểm 35, Việt Nam được xếp vào những nền kinh tế mới nổi có nguy cơ khủng hoảng tỷ giá ở mức trung bình cùng với 15 nước khác.

cac nen kinh te moi noi doi mat nguy co khung hoang ty gia viet nam o muc trung binh
Nguy cơ xảy ra khủng hoảng tỷ giá tại Việt Nam ở mức trung bình. (Ảnh: Nomura/MarketWatch)

Theo Nomura, kết quả phân tích trên cho giới đầu tư thấy không nên đánh đồng các thị trường mới nổi với nhau khi đang tập trung sự chú ý vào rủi ro tại thị trường này. Việc phân loại cho thấy nhiều quốc gia có rủi ro khủng hoảng rất thấp.

Theo hãng tin Bloomberg, Nomura đưa ra phân tích trên dựa vào một mô hình cảnh báo sớm có tên Damocles, được thiết lập nhằm nhận diện khủng hoảng tỷ giá. Mô hình này từng đoán trước được 2/3 trong số 54 cuộc khủng hoảng tỷ giá tại các quốc gia đang phát triển kể từ năm 1996 đến nay.

Diễn biến tỷ giá tại một số thị trường mới nổi kể từ đầu năm nay đã gây lo ngại cho rất nhiều nhà đầu tư. Chẳng hạn, đồng Peso của Argentina đã mất giá hơn 50% kể từ đầu năm nay, buộc ngân hàng trung ương nước này phải nâng lãi suất lên tận 60% và chính phủ Argentina cũng phải viện đến IMF nhờ giải cứu.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng gây hoảng loạn cho thị trường khi đồng Lira mất giá tới 41% so với đồng USD kể từ đầu năm.

Trong số các nước bị cảnh báo có rủi ro cao, đồng Rand của Nam Phi cũng mất giá tới 18,8%, đồng Rupee của Pakistan giảm 10,3%, đồng Rupee của Sri Lanka giảm 5,5% so với USD kể từ đầu năm 2018.

Minh Tuệ (Tổng hợp)