Với lý do giá xăng dầu liên tục tăng trong thời gian gần đây, cả 3 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific đều có văn bản đề xuất tăng giá vé.

Chia sẻ trên Tri thức trực tuyến, đại diện một trong 3 hãng hàng không trên khẳng định do giá xăng dầu thế giới lên cao, doanh nghiệp buộc phải đề xuất tăng giá vé, để đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Hiện cả Vietjet và Vietnam Airlines đều chưa đưa ra đề xuất mức giá cụ thể nào. Riêng Jetstar Pacific đề nghị tăng mức tối đa lên 25% so với quy định hiện tại.

Theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam, khung giá vé máy bay hiện hành đang được áp dụng là vé nhóm đường bay phát triển kinh tế-xã hội dưới 500 km ở mức 1,6 triệu đồng/vé/chiều.

Với nhóm đường bay khác dưới 500 km là 1,7 triệu đồng/lượt; từ 500-800 km là 2,2 triệu đồng/lượt. Nhóm từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000 km đến dưới 1.280 km giá 3,2 triệu đồng; từ 1.280 km trở lên có mức 3,75 triệu đồng/vé/chiều.

Mức tối đa khung giá vé này được áp dụng theo Quyết định 3282 của Bộ Tài chính, với giá áp dụng là 4.250 đồng/khách/km.

Đáng lưu ý, mức giá này được tính theo phương án giá nhiên liệu Jet A1 thời điểm tháng 12/2014 là 84,7 USD/thùng, thuế nhập khẩu 7%, thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít (tương đương khoảng gần 2,1 triệu đồng/thùng).

Trong khi đó, theo tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (IATA), giá nhiên liệu tại khu vực châu Á và châu Đại Dương trong tháng 8 đang ở mức 86,7 USD/thùng, thuế nhập khẩu 7%, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít (tương đương khoảng 2,63 triệu đồng/thùng).

Các hãng hàng không Việt Nam đồng loạt xin tăng giá vé
Giá nhiên liệu máy bay ngày càng tăng cao. (Ảnh: Tri thức trực tuyến)

Đại diện một hãng hàng không cho biết mức giá nhiên liệu hiện tại làm tăng khoảng 16,7% chi phí vé máy bay so với tháng 9/2015. Đó là chưa tính đến việc tỷ giá biến động tăng cũng khiến các chi phí có gốc ngoại tệ của hãng hàng không như thuê phi công nước ngoài, thuê mua tàu bay tăng theo.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2018 của Vietnam Airlines diễn ra hồi tháng 5, đại diện của hãng hàng không này cho biết chi phí xăng dầu bình quân chiếm khoảng 30% tổng chi phí hoạt động, lúc cao nhất lên đến 38%.

Cũng theo vị này, với quy mô của Vietnam Airlines, cứ mỗi USD giá dầu tăng thêm, chi phí của doanh nghiệp này tăng theo khoảng 230 tỷ đồng/năm.

Liên quan đến đề xuất điều chỉnh tăng giá vé của 3 hãng hàng không, chia sẻ trên Báo Giao thông, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết đúng là mức giá xăng dầu thời gian qua đang có xu hướng tăng trở lại.

Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo về bình ổn giá, đảm bảo giữ vững mục tiêu duy trì chỉ số lạm phát năm 2018, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất duy trì khung giá quy định như hiện nay. Đến năm 2019, tùy tình hình thực tế sẽ đánh giá và đề xuất khung giá cho phù hợp.

Vỹ An