Hàng loạt các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán từ rau củ quả đến thịt và thủy hải sản đã tập trung tại các chợ đầu mối. Lượng hàng tăng gấp đôi so với ngày thường đi kèm với mức giá tăng khoảng 10-30%.

Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (Tp.HCM), lượng hàng chuẩn bị cho Tết vào các ngày cao điểm từ 25-29 Âm lịch sẽ tăng dần từ 4.500 tấn đến 7.500 tấn/ngày, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái và gấp đôi so với bình thường.

Trong đó, lượng rau dao động từ 2.700-3.000 tấn/ngày và trái cây từ 4.300-4.500 tấn/ngày. Riêng mặt hàng hoa tươi lượng nhập dự kiến tăng gấp 6 lần bình thường với khối lượng khoảng 200-220 tấn/ngày.

Chia sẻ trên Tuổi trẻ, ông Nguyễn Văn Huây, Giám đốc Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết giá trái cây tăng 10-20%, giá hoa có thể tăng 20-30% so với ngày thường.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng phòng Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, lượng heo về chợ các ngày cao điểm 27 và 28 Âm lịch dự kiến tăng gấp đôi so với bình thường ở mức 9.000-10.000 con, nhưng giá bán khả năng ổn định.

Trong khi đó, đại diện chợ đầu mối Bình Điền (Tp.HCM) cho biết dự kiến trong 10 ngày cận Tết lượng hàng đổ về chợ có thể tăng bình quân 20-25% so với ngày thường, đặc biệt trong đêm cao điểm nhất 27 và 28 Âm lịch sản lượng có thể tăng 50-60%, đạt khoảng 3.500-3.800 tấn/đêm.

Các chợ đầu mối tại Tp.HCM tấp nập hàng Tết, giá biến động mạnh
Giá trái cây biến động mạnh dịp Tết Âm lịch (Ảnh: Pháp luật Tp.HCM)

Giá một số ít mặt hàng đặc thù sử dụng nhiều trong dịp tết như cá thu, cá lóc, mực, tôm, thịt heo, trái cây (quýt, bưởi, xoài, dưa hấu) có thể tăng giá từ 10-40% so với ngày thường. Một số hoa tươi như hoa hồng, hoa ly, hoa huệ, cẩm chướng vào đêm cao điểm nhất giá có thể tăng từ 2-3 lần so với ngày thường.

Chia sẻ trên báo Tin tức, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM, cho biết các chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố chiếm 60-70% thị phần những ngành hàng rau củ, quả, thủy hải sản, thịt gia súc, thịt gia cầm… Chính vì vậy, ban Quản lý các chợ cần đặc biệt chú trọng kiểm soát nguồn cung các mặt hàng chủ lực không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa cục bộ, tăng giá đột biến.

Theo tờ Sài Gòn Giải phóng, cuối năm, các loại thực phẩm, hàng hóa được tiêu thụ mạnh. Lợi dụng dịp này, nhiều mặt hàng không rõ xuất xứ, kém chất lượng cũng chen chân ra thị trường Tết tại Tp.HCM. Do đó, người tiêu dùng cần lựa chọn thông minh, nên chọn các loại hàng hóa phải có nhãn mác, ghi rõ xuất xứ, thời gian bảo quản, không nên ham rẻ mua các mặt hàng hình thức đẹp mà không có xuất xứ rõ ràng.

Nguyễn Trang