Khách Trung Quốc tới Việt Nam du lịch nhưng toàn bộ mua sắm của họ lại không qua hệ thống ngân hàng Việt Nam, gây thất thu thuế. 

Theo Báo Pháp luật TP. HCM, chiều 2/8, ông Cao Xuân Luật – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh cho biết, nửa năm 2018, tỉnh đón hơn 7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế và 60 cơ sở đạt chuẩn bán hàng cho khách du lịch.

Thế nhưng thực tế với những tour du lịch 0 đồng, khách Trung Quốc vào Quảng Ninh rồi đi du lịch ở địa phương khác mà không mất đồng nào.

Bên cạnh đó, toàn bộ chi phí mua sắm của họ đều không qua hệ thống NHNN Việt Nam. Bởi, các ông chủ của các cửa hàng này là người Trung Quốc và mở máy thanh toán từ ngân hàng bên Trung Quốc.

“Khách Trung Quốc mua hàng quẹt thẻ và toàn bộ tiền hàng mua ở Quảng Ninh đều sang Trung Quốc, gây thất thu kiểm tra thuế, ngân sách rất lớn. Việc phát hiện thất thu, kiểm soát gặp khó khăn bởi các giao dịch mua hàng chủ yếu qua online”- ông Luật thông tin.

Cũng trong trường hợp tương tự, đại diện quản lý thị trường Đà Nẵng chia sẻ, hiện nay khách du lịch Trung Quốc nhiều và thường thanh toán qua mạng bằng nhiều hình thức như máy POS, ví điện tử… Hình thức thanh toán quẹt thẻ rất nhanh gọn và lực lượng quản lý thị trường khó giám sát.

Ở Khánh Hòa, khách du lịch Trung Quốc thường thích tới các cơ sở bán cao su, ngọc trai, trầm hương… Các cơ sở này chỉ độc quyền tiếp khách Trung Quốc theo chương trình tour kết nối với công ty lữ hành. Đa số khách mua hàng xong đều không thanh toán tiền mặt mà dùng thẻ quẹt thanh toán, không xuất hóa đơn.

Khách du lịch mua sắm ở Việt Nam, công khai 'tuồn' tiền về Trung Quốc
Khách du lịch đi theo tour kết nối không phát sinh chi phí. (Ảnh: Pháp Luật TP. HCM)
Khách du lịch mua sắm ở Việt Nam, công khai 'tuồn' tiền về Trung Quốc
Khách Trung Quốc trở ra từ một cơ sở bán sản phẩm cao su trên xã Phước Đồng. (Ảnh: Báo Khánh Hòa)

Trả lời phỏng vấn trên Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch Công ty cổ phần công nghệ Vi mô cho hay: “Khi sử dụng thanh toán bằng mã QR, ví điện tử… thì rất khó phát hiện và ngăn chặn. Đó là chưa kể khi các ví điện tử có giấy phép hoạt động tại VN thì giao dịch toàn bằng tiền đồng nhưng các vụ thanh toán lậu như trên là theo tiền nhân dân tệ. Toàn bộ giao dịch diễn ra trên lãnh thổ VN nhưng dòng tiền lại chạy bên phía Trung Quốc. Điều này khiến cơ quan nhà nước thất thu thuế và nặng nhất là ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của nhà nước”.

Việc kiểm tra, rà soát các cơ sở thanh toán lậu này cần có sự tham gia từ NHNN. Bởi lẽ, NHNN là cơ quan có thẩm quyền lập văn bản vi phạm xử lý trong lĩnh vực tiền tệ, sau đó chuyển lên thanh tra NHNN. Quản lý thị trường cũng kiểm tra giám sát vi phạm quản lý ngoại tệ, nhưng rất khó để xử phạt 500 triệu đồng với doanh nghiệp.

Thúy Quỳnh