Trưa ngày 22/2, người dân đi trên cầu Hùng Vương (Tuy Hòa, Phú Yên) thấy nam thanh niên bỏ lại xe máy, ví tiền, điện thoại rồi lao mình xuống sông để tự tử liền hô hào cứu vớt.

Tuy nhiên, khi vừa rơi xuống nước, người này đã nhanh chóng tự bơi vào bờ. Công an đã đưa người này về nhà và điều tra nguyên nhân nhảy cầu.

Lý do “tự tử”của chàng trai này thật chẳng giống ai, nhiều người phải “ngã ngửa” bởi anh này không có ý định chết mà chỉ nhảy cầu với mục đích để câu like trên mạng xã hội.

Câu chuyện này một lần nữa cảnh báo về lối sống ảo của giới trẻ hiện nay. Với ham muốn được nổi tiếng, trở thành nhân vật trung tâm mà nhiều bạn trẻ bất chấp tính mạng, thực hiện những trò đùa nguy hiểm.

Điển hình như vụ thanh niên tẩm xăng tự thiêu vì lời thách thức câu like trên mạng xã hội; hay vụ nữ sinh Hà Nội giả chết để thu hút sự chú ý trên Facebook…

Khi chìm trong cuộc sống ảo trên mạng xã hội họ quên đi những rào cản thực tế, những chuẩn mực đạo đức, để cho những danh vọng ảo tưởng ấy gậm nhấm, nuốt đi lý trí, sẵn sàn dựng lên những ảo ảnh cho bản thân hay dựng lên những câu chuyện ngược với lề lối văn hóa để gây tranh cãi, thu hút sự chú ý.

Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ đến câu chuyện chàng trai trẻ giả danh phi công nhà giàu đi lừa tình các cô gái trên mạng xã hội, hay tin đồ bố chồng “lâm nạn” khi đang ngoại tình với con dâu, hay những vụ bắt cóc ảo gây hoang mang dư luận.

Những điển hình về sự “tiếng tăm” đi ra từ cuộc sống ảo như “Bà Tưng”, “Lệ Rơi”, “Công chúa Thủy Tề”… đã khiến những người trẻ thiếu kỹ năng sống, không có định hướng, cảm thấy bị choáng ngợp.

Họ không biết rằng để được tung hô trong vài ngày những nhân vật ấy đã phải từ bỏ danh dự của cá nhân, thậm chí là của cả gia đình. Và danh tiếng ấy cũng trôi vèo theo thời gian để rồi sự nghiệp và cuộc đời của họ cũng trở nên mênh mênh mang mang vô định.

ThS tâm lý Đào Lê Hòa An từng nhận định, nhu cầu nổi tiếng, được định danh về bản thân của các bạn trẻ là có thật và chính đáng. Tuy nhiên, điều cần nhất là phải xây dựng được giá trị bản thân.

Nếu không có giá trị cốt lõi đó, các bạn trẻ dễ dàng có quan niệm sai lầm, sẵn sàng trả giá để nổi tiếng bằng mọi cách, nhất là khi không có đủ năng lực để tỏa sáng bằng tài năng, theo Dân Trí.

Hiện giới trẻ đang ngày càng nghiện mạng xã hội, những chia sẻ càng mang tính tiêu cực, ngược chiều lại càng nhận được nhiều lượt thích và bình luận. Song trong số đó phần nhiều vẫn chỉ là “like dạo” và comment cho vui hay sự hùa theo đám đông mà ít có những can thiệp giúp đỡ kịp thời và thật tâm.

Thậm chí, ở một góc độ khác, thay vì thể hiện cảm xúc của người chơi thì nút Like trên facebook đang trở thành lí do bạn trẻ loại trừ lẫn nhau, đạp lên trên cả đạo đức và tính mạng. Đây là lúc mà lối sống ảo của bạn trẻ đã vượt qua sự lo ngại của nhiều người, hủy hoại cuộc sống thật của các bạn trẻ.

Đã biết bao nhiêu học sinh tìm đến cái chết chỉ vì những suy nghĩ tiêu cực, hay những thất vọng trong cuộc sống, thậm chỉ chỉ bởi một lời trách móc vu vơ của những người xung quanh. Nếu lúc ấy, họ có người lắng nghe, đưa ra những lời chia sẻ thì có lẽ cũng sẽ không vội vàng từ biệt thế giới đến như vậy.

Khi người ta dễ dàng bị cắt đứt với thế giới thực để mê muội trong thế giới ảo một phần cũng bởi họ cô độc, thiếu tình yêu thương, sẻ chia. Khi cô đơn, không được sự quan tâm đúng mức từ gia đình, xã hội, thế giới thực không có chỗ cho mình thì trẻ sẽ càng “lao” vào thế giới ảo để khẳng định bản thân.

Và nếu như người thân phát hiện kịp thời thay vì ruồng rẫy, cấm đoán mạng xã hội thì hãy chia sẻ, quan tâm, thấu hiểu tâm lý bạn trẻ để dần đưa họ trở lại với thế giới thực.

Khôi Minh