Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 2/4 xin gửi đến quý độc giả những tin đáng chú ý sau:

Gần 300 tuyến phố ở Hà Nội sẽ cải tạo vỉa hè

Báo VnExpress thông tin, cuối tháng 3, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Hùng ký ban hành “thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn”. Tổng hợp đề xuất của 15 quận, huyện, thị xã kèm theo quyết định này đưa ra danh sách gần 300 tuyến đường nằm trong khu vực cải tạo, chỉnh trang hè phố, với 3 loại vật liệu là: Đá tự nhiên; gạch tezarro hoặc gạch bê tông vân đá; gạch block.

Các quận được yêu cầu chịu trách nhiệm lựa chọn chủng loại vật liệu lát hè đối với dự án trên địa bàn, đảm bảo rõ xuất xứ, cường độ, màu sắc bền theo thời gian và đồng bộ về mỹ quan đô thị.

Hạ ngầm đường điện trước khi lát vỉa hè ở phố Trần Đăng Ninh. (Ảnh: Gia Chính)

Sau hơn một năm Hà Nội tạm dừng cải tạo vỉa hè (cuối năm 2017), quyết định trên là cơ sở để chính quyền cấp quận tái khởi động việc này.

Tại đường Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy), đoạn vỉa hè hơn một km trở thành công trường ngổn ngang đất đá, máy xúc được huy động đào vỉa hè cũ sâu xuống hơn một mét để hạ ngầm đường dây điện; sau đó, các nhóm công nhân chia nhau lát gạch mới cho từng đoạn.

Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy nói, gạch bê tông vân đá là vật liệu dễ thi công, thuận tiện khi thay thế nếu cần và giá thành rẻ hơn đá tự nhiên.

Ngoài các phố trên, quận Cầu Giấy cũng lên kế hoạch cải tạo hạ tầng tại nhiều tuyến đường khác, như: Duy Tân, Trần Thái Tông, Phạm Văn Bạch, Nguyễn Khánh Toàn, Tôn Thất Thuyết, Trần Quốc Hoàn, Tô Hiệu, Nguyễn Văn Huyên, Dương Khuê.

Cá chết bất thường ở thượng nguồn sông Hồng

Báo SGGP thông tin, khoảng 15 giờ, chiều 31/3, trên đoạn sông Hồng kéo dài hơn một cây số, từ cầu Kim Thành đến cầu Cốc Lếu, ở TP Lào Cai, bất ngờ cá các loại chết nổi hàng loạt, nghi do ô nhiễm nguồn nước trên sông.

Cá các loại bao gồm cá da trơn, như: Chiên, lăng, ngạnh, chạch trấu và cá có vảy, như: chép, mè bất ngờ ngáp, nổi lên mặt nước và chết. Nhiều người dân ở TP Lào Cai và vùng lân cận đã lội xuống sông vớt được rất nhiều cá chết, có con cá chiên nặng tới 3-4 kg, cá chép, trôi nặng hơn 1-2kg.

Cá chết hàng loạt trên sông Hồng. (Ảnh: Nhân Dân)

Đáng chú ý, không chỉ loài cá ăn nổi mà các loài cá da trơn vốn sống sát tầng đáy cũng bị chết hàng loạt, từ nhỏ đến lớn. Theo nhiều người dân đi vớt cá, trên mặt sông Hồng có nổi váng và nước có mùi khác thường.

Biết tin cá chết nổi ở sông Hồng, Sở TN&MT và Sở NN&PTNT đã cử cán bộ chuyên môn đến hiện trường, lấy mẫu nước và xem xét việc cá chết bất ngờ.

Theo ông Nguyễn Quang Chiến, Phó phòng Chăn nuôi – Thủy sản thuộc Chi cục Chăn nuôi – Thủy sản tỉnh Lào Cai, bước đầu kết luận, cá chết hàng loạt trên sông Hồng không có dấu hiệu dịch bệnh, nhiều khả năng cá chết là do ô nhiễm nguồn nước sông.

Tàu cảnh sát biển Ấn Độ đã cập cảng Tiên Sa

VnExpress, ngày 1/4, tàu VIJIT của cảnh sát biển Ấn Độ đã cập cảng Tiên Sa, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị Đà Nẵng bốn ngày. Tàu có 95 sỹ quan và thuỷ thủ, do thuyền trưởng T Ashish làm trưởng đoàn.

Đến Đà Nẵng lần này, thuỷ thủ đoàn sẽ trao đổi chuyên môn với cảnh sát biển Việt Nam; chào xã giao và gặp gỡ các ban ngành địa phương; giao lưu thể thao; tham quan Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) và các danh thắng ở Đà Nẵng.

Tàu ICGS VIJIT của Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ cập cảng Đà Nẵng sáng 1/4. (Ảnh: Tấn Việt)

Người Ấn Độ ở Đà Nẵng và các tỉnh lân cận cũng có thể lên thăm tàu vào dịp này. Trước khi rời đi vào ngày 4/4, cảnh sát biển Việt Nam và lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ sẽ có buổi diễn tập tìm kiếm và cứu hộ trên biển.

Theo Dân Trí, chuyến thăm lần này của tàu VIJIT nhằm “thúc đẩy hợp tác hàng hải giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ” và “đóng góp tích cực vào an ninh và ổn định trong khu vực và thế giới”.

Tàu VIJIT dài gần 94 m, rộng gần 13 m, trọng tải gần 2.400 tấn. Đây là lần thứ 4 tàu cảnh sát biển Ấn Độ đến Đà Nẵng. Tháng 10/2018, tàu cảnh sát biển Việt Nam 8001 đã đến thăm Ấn Độ. (Xem thêm)

Cô giáo ở Bà Rịa – Vũng Tàu đánh 22 học sinh lớp 8 tím chân vì mất trật tự

Ngày 1/4, lãnh đạo UBND  TP. Bà Rịa (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT thành phố xử lý nghiêm vụ giáo viên Trường THCS Long Toàn đánh 22 học sinh lớp 8 bằng thước gây tím chân.

Báo VnExpress thông tin, vào tiết học cuối buổi sáng 29/3, cô Nguyễn Thị Thu Huyền (giáo viên chủ nhiệm lớp 8A1, trường THCS Long Toàn, Bà Rịa – Vũng Tàu) thấy trong sổ đầu bài nhiều học sinh mất trật tự bị giáo viên bộ môn cùng tổ trưởng và lớp trưởng ghi tên. Cô Huyền gọi 22 học sinh (lớp có 31 em) lên tìm hiểu nguyên nhân và phạt bằng cách dùng thước đánh khiến nhiều em bị bầm tím.

Một phụ huynh sau đó phát hiện, gạn hỏi được biết con mình bị cô đánh 5 thước. Người này chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội, đồng thời phản ánh đến nhà trường.

Chân của một học sinh bị bầm tím sau khi bị cô Huyền đánh. (Ảnh phụ huynh chụp: VnExpress)

Chiều 1/4, trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Hoàng – Chủ tịch TP. Bà Rịa xác nhận có vụ việc trên và cho biết: “Vụ việc đã được lãnh đạo nhà trường, Phòng giáo dục thành phố báo cáo lên UBND TP. Bà Rịa. Hiện UBND thành phố đang họp để xử lý vụ việc, tôi đã chỉ đạo phải làm rõ sự việc và xử lý nghiêm vi phạm”.

Theo Vietnamnet, cùng ngày, bà Trần Thị Phương Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT cho biết, đã họp với ban giám hiệu và cô giáo này. “Cô giáo đánh học sinh xong, có gọi điện thoại báo cho phụ huynh biết”, bà Hiền nói thêm.

Theo bà Hiền, cô H. là một giáo viên tích cực, là nguồn giáo viên giỏi. “Do chuẩn bị thi học kỳ cuối năm, các cô thầy muốn học sinh phải tích cực hơn. Cô cũng muốn các em tập trung hơn nên có hành xử không đúng. Tôi sẽ cùng nhà trường và cô đến từng nhà xin lỗi phụ huynh học sinh”, bà Hiền nói. (Xem thêm)

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều niềm vui!

DKN.TV
Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News