Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 20/10 xin gửi tới quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Cử tri Thủ Thiêm đề nghị thu hồi 51 dự án trả đất lại cho dân

Sáng nay 20/10, tại buổi tiếp xúc với Bí thư Thành uỷ TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân, nhiều cử tri quận 2 tiếp tục bày tỏ bức xúc với việc giải toả đền bù, thu hồi đất khu đô thị mới Thủ Thiêm, đồng thời đề nghị chính quyền thu hồi 51 dự án lấy đất trả lại cho dân và đưa vấn đề này ra kỳ họp Quốc hội tới, theo báo Tiền Phong

Cử tri đề nghị đưa vấn đề Thủ Thiêm ra Quốc hội. (Ảnh: Tiền Phong)

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri Cao Thanh Ca (phường Bình Khánh) bày tỏ hy vọng Bí thư Thành uỷ TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân lên tiếng về những bức xúc của người dân Thủ Thiêm.

Ông Ca đề nghị đưa vấn đề Thủ Thiêm vào kỳ họp Quốc hội ngày 22/10 tới “để làm rõ những sai phạm của các cá nhân, tổ chức liên quan trong quá trình giải tỏa, đền bù, thu hồi đất của người dân”.

Ông Ca cho rằng, dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm không có quyết định thu hồi đất nhưng vẫn lấy đất của dân, cưỡng chế nhà dân. Việc lấy 160 ha đất tái định cư của người dân để chia cho 51 dự án trong khi thông báo của TTCP vẫn không nói rõ vi phạm.

Cử tri Lê Thị Thảo (phường An Khánh) với tấm bản đồ khu Trung tâm Thủ Thiêm. (Ảnh: Hữu Khoa)

Còn cử tri Nguyễn Thị Bạch Tuyết, phường An Khánh đề nghị tổ đại biểu Quốc hội, nhanh chóng giải quyết chỗ ở cho người dân, hiện vẫn còn nhiều người chưa có chố ở ổn định.

“Tôi ở chung cư Cô Giang bị giải tỏa về quận 2 nhưng về đây lại bị giải tỏa nữa. Trong khi nhiều cán bộ có chức quyền nhà đất rất nhiều, dân mất nhà, phải đi mướn nhà trọ”, bà Tuyết bức xúc.

Rất nhiều người dân trong khán phòng rơi nước mắt dù chưa đến lượt trình bày với tổ đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Hữu Khoa)

Tương tự, cử tri Lê Thị Bạch Tuyết, phường Bình Trưng Tây cho rằng, Quyết định 367 là 160 ha cho nhân dân ở, liền kề với khu đô thị mới Thủ Thiêm. Lãnh đạo Chính phủ cũng nói dù có triển khai cũng phải chừa 160 ha đất cho dân.

“Tôi yêu cầu thu hồi lại 160 ha của 51 dự án để trả lại đất cho dân. Tôi không đồng tình với cách UBND TP. HCM giải quyết, sao lại bất hồi tố? Phải thu hồi đất trả lại cho dân”, cử tri Lê Thị Bạch Tuyết nói.

Năm 2019 chính thức bỏ cộng điểm nghề trong tuyển sinh lớp 10

Báo 24h cho biết, trong Quyết định số 1394 của UBND TP. HCM về ban hành kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp từ năm học 2018-2019 nêu rõ việc cộng điểm nghề chỉ áp dụng tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2018-2019. Điều này đồng nghĩa bắt đầu từ năm học 2019-2020, tuyển sinh lớp 10 sẽ chính thức bỏ cộng điểm nghề.

Từ năm học 2019-2020, tuyển sinh 10 sẽ chính thức bỏ cộng điểm nghề. (Ảnh: Báo 24h)

Cụ thể, điểm xét tuyển vào lớp 10 công lập của Hà Nội sẽ được tính theo công thức sau:

(Điểm thi Toán + Ngữ văn) x 2 + (Điểm ngoại ngữ + điểm môn thứ tư) + điểm cộng thêm.

Các trường căn cứ vào diện ưu tiên (đúng quy định) của học sinh để xác định điểm cộng thêm. (Xem chi tiết)

Phó chủ tịch huyện Đan Phượng – Hà Nội: ‘Có vụ việc cô giáo bắt học sinh tát nhau’

Báo Dân Trí đưa tin, ngày 19/10, UBND và Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã cung cấp kết quả điều tra lại vụ việc cô giáo T.T.M.H. bắt học sinh tát nhau ở trường THCS Thọ Xuân. Theo đó, nhà trường đã thiếu trung thực khi báo cáo lên cấp trên sau khi để xảy ra sự việc.

Kết luận mới nhất do bà Đào Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng kí ngày 19/10 cho thấy, việc hai học sinh tát nhau trong giờ sinh hoạt lớp là có thật. Đây là hình thức xử phạt học sinh bằng cách cho hai em tự tát vào má nhau. Giáo viên trường THCS Thọ Xuân dùng phương pháp xử phạt không mang tính sư phạm, báo cáo chưa đầy đủ nội dung sự việc.

Nhà trường đã “xử lý kịp thời, học sinh đủ sức khỏe đi học ngay”. Hai gia đình cũng không có đề xuất, kiến nghị.

pho chu tich huyen dan phuong ha noi vu co giao bat hoc sinh tat nhau la co that
Kết luận của UBND huyện Đan Phượng vê vụ việc giáo viên ép học sinh tát nhau. (Ảnh: Dân Trí)

Hiện, giáo viên đã đến nhà và xin lỗi gia đình em N., đồng thời nhận mình là người cho hai học sinh tát nhau trong lớp. (Xem chi tiết)

Tháng 11, Hà Nội công bố giải đua xe F1 có chi phí trăm triệu USD

Theo Báo Tuổi Trẻ, đầu tháng 11, Ban tổ chức Giải đua xe công thức 1 (Formula One – F1) dự kiến tổ chức lễ ký và họp báo công bố giải đấu tại Việt Nam. Hợp đồng có thời hạn ít nhất 10 mùa giải (2020-2030), chi phí tổ chức dự kiến có thể lên tới 100 triệu USD mỗi năm.

Hiện một tập đoàn tư nhân hàng đầu tại Việt Nam đứng ra lo toàn bộ tài chính cùng với TP. Hà Nội đăng cai tổ chức giải đua xe này. Khu vực trước sân vận động Mỹ Đình có thể là nơi diễn ra cuộc đua F1.

Một vòng đua của giải F1 ở Malaysia. (Ảnh: Reuters)

Để đưa F1 về Việt Nam, nhà tài trợ phải bỏ ra một số tiền khổng lồ trả cho đơn vị sở hữu giải đấu là Công ty đầu tư Liberty Media (Mỹ). Bên cạnh đó, họ cũng phải bỏ hàng trăm triệu USD xây dựng đường đua.

Chỉ tính riêng chi phí tổ chức giải đấu một mùa đã tiêu tốn trung bình 60-100 triệu USD. Tiền thu về từ F1 là phí các đội tham dự đóng góp, tiền vé, tiền tài trợ… (Xem chi tiết)

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!

———–

DKN.TV
Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News