Chiều 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 33 thảo luận về dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội dự kiến khai mạc vào 20/5 tới.

Báo Thanh Niên đưa tin, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Quốc hội cần phải ra nghị quyết để xử lý nghiêm những vấn đề bức xúc của xã hội mà luật chưa điều chỉnh.

Chẳng hạn như vấn đề xử lý lái xe uống rượu bia, ông Hiển cho biết, những trường hợp uống rượu bia lái xe gây tai nạn trong luật đã có quy định rồi, nhưng có thể quy định hình thức xử phạt nặng đối với những người uống rượu bia khi lái xe, kể cả chưa gây tai nạn.

“Nếu uống rượu bia dù chưa gây tai nạn thì có thể bị xử phạt tiền ở mức độ cao, cần thiết thì đưa ra quy định bắt lao động công ích, chẳng hạn như nạo vét sông Tô Lịch”, ông Hiển nói, và cho rằng, hiện nay mức phạt tiền thậm chí 15-20 triệu nhiều người cũng sẵn sàng trả, nên lao động công ích là việc rất quan trọng.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. (Ảnh: Gia Hân/Thanh Niên)

Còn đối với lái xe nghiện ma túy, ông Hiển đề nghị cần phải tước bằng vĩnh viễn. “Nếu gây tai nạn ở mức độ chưa nghiêm trọng thì xử lý hành chính, tước bằng vĩnh viễn, còn gây tai nạn nghiêm trọng thì phải giải quyết theo bộ luật Hình sự”, ông Hiển bày tỏ, và cho rằng cần có nghị quyết như thế để giải quyết việc uống rượu bia mà vẫn lái xe.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nhiều người đòi bỏ tù những người uống rượu bia mà lái xe, song muốn làm vậy phải sửa bộ luật Hình sự, vì theo quyên tắc, tội phạm hình sự phải được quy định trong bộ luật này.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, về trách nhiệm kỷ luật và trách nhiệm hành chính thì Quốc hội hoàn toàn có thể ra nghị quyết để xử lý được.

Đối với vấn đề này, đặc biệt tình trạng sử dụng rượu bia gây ra tác hại nghiêm trọng, trên báo Tuổi Trẻ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích: “Tôi đồng ý phải tăng chế tài xử phạt, như anh Hiển vừa đề xuất là đã lái xe mà sử dụng rượu bia thì phải phạt nặng, như buộc phải lao động công ích như thu gom rác ở khu vực nào đó. Đây là lao động giáo dục chứ không phải là lao động cưỡng bức”.

Thế Tam (tổng hợp)

Xem thêm: