Dân tình hết sức hoang mang vì một Facebooker đăng ảnh cho biết, cá sấu xuất hiện trên đường phố Đà Nẵng sau trận mưa lớn, chân tay đã “loạn” vì ứng phó lũ lụt lại “loạn nhịp tim” khi nghĩ cảnh bị cá sấu nuốt chửng.

Trận mưa lớn từ 2 giờ sáng 9/12 kéo dài đến chiều khiến nhiều tuyến phố Đà Nẵng như Hoàng Hoa Thám, Bạch Đằng, Lê Duẩn, 2/9, Hàm Nghi, Lý Tự Trọng, Hải Hồ, Nguyễn Văn Linh,… ngập sâu trong biển nước.

Theo nhiều người dân Đà Nẵng, đây là lần ngập sâu kéo dài lịch sử trong 40 năm nay. Nhiều nơi nước tràn cả vào nhà dân, có nơi ngập sâu gần 1m. 

Nhiều ao hồ bị ngập nước, cá bơi lên mặt đường. Người dân chỉ cần đứng trước nhà dùng rổ, vợt là dễ dàng bắt được cá bơi ngang qua. Thậm chí dân chuyên nghiệp mang nơm úp cá trên phố.

Một số người dùng nơm bắt cá ngay trên vỉa hè. (Ảnh: VnExpress)

Vào thời điểm nhạy cảm, tài khoản Facebook tên A.L đăng ảnh cá sấu bò trên đường và chú thích ở Đà Nẵng khiến dân tình thêm lo lắng.

Cá sấu bò trên đường phố được cho là ảnh ghép.
Cá sấu được bán ở chợ Túy Loan (Đà Nẵng) vào tháng 12/2017.

Thế nhưng, nhiều người khẳng định ảnh đầu tiên đã qua chỉnh sửa, tức ghép thêm cá sấu.

Theo báo điện tử Motthegioi, ảnh thứ hai là khoảng khắc cá sấu được bán tại chợ Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng vào tháng 12/2017. Cụ thể hơn, một người đàn ông chở cá sấu dài khoảng 1,5 m, nặng khoảng 50 kg đến chợ Túy Loan bán. Người này còn thả con cá sấu bò tự do trước sân chợ.

Theo Tổ quản lý chợ Túy Loan, người bán xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng minh quá trình nuôi, nguồn gốc mặt hàng hợp lệ nhưng mặt hàng này không được bày bán ở chợ Túy Loan. Thế nên lực lượng quản lý đã yêu cầu di dời cá thể cá sấu ra khỏi khu vực chợ.

Cuộc sống đảo lộn sau trận mưa kỷ lục ở Đà Nẵng

Báo VnEpress đưa tin, 3h sáng đêm ngày 8/12, vợ chồng chị Thanh thức giấc khi nghe tiếng các vật dụng trong phòng trọ tại kiệt 640 Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu) va vào nhau. “Mở mắt ra, tôi thấy nước tràn vào phòng và dâng rất nhanh”, chị kể.

Vợ chồng chị vội rút điện tủ lạnh, thu dọn đồ đạc lên cao. Do không có gác xép, mọi tài sản được chất lên giường, từ xoong nồi đến quạt máy. Riêng hai xe máy để trong phòng đành bất lực nhìn nước nhận chìm dần. Quần áo treo trên tường cũng ướt mèm.

“Đến trưa 9/12, nước tràn vào phòng hơn một mét. Việc đi lại, trông coi đồ đạc dù vất vả song vẫn xoay xở được, riêng chuyện nấu ăn thì đành chịu”, chị Thanh nói. Hai vợ chồng sau đó quyết định đi thuê khách sạn ở, tài sản trong phòng “đành phó mặc cho trời”.

Cùng chung số phận với gia đình chị Thanh, hàng nghìn hộ dân ở Đà Nẵng phải thức thâu đêm để thu dọn tài sản, tát nước ra khỏi nhà. 

Dùng ván chắn nước xô vào quán. (Ảnh: VnExpress)

Mệt mỏi vì liên tục múc nước từ cửa nhà để dội sạch rác tràn vào phía trong, chủ một quán cà phê trên tuyến đường này phải quan sát ngoài đường. Nếu có xe lớn đi qua, ông nhanh tay dùng tấm gỗ chắn trước cửa, nhưng vẫn bị nước tạt vào. 

Trên phố Phan Thanh lúc 18h ngày 9/12, nhiều sinh viên Đại học Duy Tân cùng người dân phải lội nước sâu quá đầu gối đi mua thực phẩm về nấu ăn. Điện bị cắt, người dân phải dùng đèn xạc, nến để chiếu sáng. 

Ngồi canh nước đang mấp mé trước cửa nhà, bà Hoa cho biết từ năm 1975 đến nay mới chứng kiến cảnh ngập lụt này. “Đêm nay cũng chưa được ngủ ngon giấc, vì nghe thông báo trời vẫn mưa to”, bà Hoa nói.

Do đó vào tình cảnh khốn đốn như vậy mà lại đăng ảnh cá sấu để hù doạ người khác là một việc làm đầy ác ý, thiếu lòng nhân đạo. 

Hoàng Kỳ (Tổng hợp)