Tuần qua, Chính phủ đã trình xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức. Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề nghị bỏ hình thức kỷ luật “giáng chức” đối với công chức.

Báo PLO thông tin, theo quy định hiện hành, “giáng chức” là việc công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị hạ xuống chức vụ thấp hơn.

Sau khi bỏ hình thức kỷ luật trên, dự thảo quy định công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong năm hình thức kỷ luật, gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương; cách chức và buộc thôi việc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. (Ảnh: PLO)

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nên giữ hình thức kỷ luật giáng chức, bởi đây là hình thức kỷ luật quan trọng, có giá trị răn đe lớn.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, nhiều ý kiến trong Ủy ban này cũng đề nghị tiếp tục giữ quy định về hình thức kỷ luật “giáng chức” trong Luật.

Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, không đồng tình với đề nghị bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với cán bộ, công chức. (Ảnh: Thanh Niên)

Theo báo Thanh Niên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, dự thảo bổ sung quy định hình thức hạ bậc lương áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý để tương ứng với 4 hình thức kỷ luật của Đảng đối với từng đối tượng.

Dự thảo cũng nâng thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức từ 24 tháng theo quy định hiện hành lên 60 tháng.

Một điểm mới trong dự thảo luật lần này là bổ sung quy định kỷ luật đối với cán bộ, công chức nghỉ hưu. Theo ông Tân, dự thảo đã bổ sung vào khoản 5 điều 84 của luật Cán bộ, công chức về quy định xử lý đối tượng này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận, đây là hình thức xử lý kỷ luật mới, đối tượng áp dụng tương đối rộng nên thực tế có thể phát sinh một số vấn đề pháp lý khác nhau đối với các đối tượng khác nhau. Vì vậy, những nội dung này Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép quy định chi tiết ở nghị định của Chính phủ.

Thế Tam (tổng hợp)

Xem thêm: