Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 2/3 xin gửi đến quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Sự thật về “Tảng đá nở hoa” tại Quảng Nam

Mấy ngày nay, khi nước rút, sông Trạm (thuộc thôn 2, xã Tiên An, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) lại bỗng xôn xao bởi sự tụ tập của hàng trăm người hiếu kỳ. Họ kéo đến bờ sông Trạm vì một hiện tượng kỳ lạ “tảng đá nở hoa”…, theo CAND.

Bắt đầu từ ngày mồng 9 Tết âm lịch (ngày 24/2/2018), “Tảng đá nở hoa” trên bờ sông Trạm được phát hiện. Trước đó, mạng xã hội Facebook cũng đã xôn xao bởi một bức ảnh trên trang cá nhân chụp tảng đá “nở hoa” ở xã Tiên An.

Theo hình ảnh người dân địa phương đưa lên mạng, thì dưới chân tảng đá lớn này hình thành nên một lớp xốp bám với nhiều màu sắc, hình dạng giống một chú cá có màu đỏ, vàng, trắng, đen rất rực rỡ.

Dưới chân tảng đá lớn này hình thành nên một lớp xốp bám với nhiều màu sắc, hình dạng giống một chú cá có màu đỏ, vàng, trắng, đen rất rực rỡ. (Ảnh: CAND)

Không ít người còn thêm thắt cho phần ly kỳ rằng đây là một hiện tượng lạ, báo hiệu một điềm lành trong năm Mậu Tuất. Riêng người dân ở xã Tiên An, không kể già trẻ, lớn bé cứ lũ lượt đến bờ sông Trạm ngày một đông chỉ để được chiêm ngưỡng “lộc trời nở hoa”.

Các cụ cao tuổi tại xã Tiên An cho biết, hiện tượng đá nở hoa này chỉ kéo dài được khoảng 15-20 ngày rồi sẽ biến mất. Hiện tượng này không xảy ra thường xuyên mà nhiều năm mới có một lần.

Cách đây 15 năm, cũng chính những đá tảng ở sông Trạm đã xuất hiện hiện tượng “đá nở hoa” và có những hình thù kỳ lạ.

Việc cho rằng đá “nở hoa” hình con vật như cá vàng, chữ Nôm… đều xuất phát từ sự tưởng tượng của người dân địa phương. Đa số chỉ là những mảng bám có hình thù lộn xộn…

Và cũng không phải chỉ duy nhất “hoa đá” xuất hiện trên một tảng đá nào cố định, mà có thể ở rất nhiều tảng đá khác nhau, đa phần có màu trắng và đen.

Hy hữu như tảng đá “kỳ lạ” gây xôn xao những ngày qua lại có màu sắc sặc sỡ, nên thu hút sự hiếu kỳ của người dân.

Ông Phan Hồng Phát, Chủ tịch xã Tiên An xác nhận: Đây chỉ là một hòn đá bình thường, không có hiện tượng nào lạ.

Các nhà khoa học thì cho rằng, hiện tượng “Tảng đá nở hoa” thực chất chỉ là địa y mọc trên đá. Ðịa y là dạng cộng sinh của hai loài: Một Nấm mốc và một Tảo. Hình thức cộng sinh rất đặc biệt, có hình dạng riêng nên Ðịa y có tên giống và loài.

Đầu xuân, thanh niên đập phá hàng loạt ngôi mộ để mua vui

Ngày 27/2/2018, CA TP. Sơn La đã bước đầu xác minh Cà Văn Lâm (sinh ngày 26/08/2001, thường trú tại bản Co Pục, xã Chiềng Ngần, TP Sơn La, Sơn La) là đối tượng nghi vấn bị đập phá hàng chục ngôi mộ ở nghĩa trang Tiểu khu 1, xã Chiềng Ngần.

Trước đó, ngày 24/2/2018 (tức mừng 9 Tết Mậu Tuất), người dân ở Tiểu khu I (xã Chiềng Ngần, TP. Sơn La, Sơn La) phát hiện một số ngôi mộ tại nghĩa trang của tiểu khu có dấu hiệu bị đập phá và đã báo lên chính quyền xã và TP. Sơn La.

Tại hiện trường, có 43 ngôi mộ bị đập phá; trong đó có 36 bát hương, 25 lọ hoa, 12 ấm sứ, 60 chén sứ, 3 đĩa sứ, 1 bình hồ lô, 7 viên gạch, 8 hoa văn trang trí đắp bằng xi măng, 2 mái nhà mồ của 2 ngôi mộ bị rạn nứt.

Hàng loạt ngôi mộ bị đập phá. (Ảnh tổng hợp)

Qua điều tra, cơ quan chức năng cho biết, chiều tối ngày 23/2/2018, Lâm đi bộ đến nghĩa trang tiểu khu I (xã Chiềng Ngần). Tại đây, Lâm nhặt được một chiếc xẻng rồi dùng xẻng đập phá.

Sau khi đập phá được khoảng 10 ngôi mộ thì lưỡi xẻng tuột cán. Lâm tiếp tục dùng cán xẻng đập nát thêm 3 ngôi mộ nữa rồi vứt cán xẻng lại và ra về. Lâm khai, lý do đập phá ngôi mộ là “đập cho vui”.

Được biết, Cà Văn Lâm có Giấy chứng nhận khuyết tật của xã Chiềng Ngần xác nhận dạng khuyết tật: Thần kinh, tâm thần và hiện đang được hưởng chế độ giúp đỡ đối với người khuyết tật của xã. (Chi tiết)

Nghìn người dân Hà Nội dự lễ hội rước ‘ông lợn’

Đêm qua 28/2, làng La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) mở hội rước “Ông lợn” thu hút hàng nghìn người tham dự, theo VnExpress.

Tương truyền, lễ rước “Ông lợn” là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 – người đã có công đánh giặc giữ vững bờ cõi.

Trước mỗi khi lên đường đi đánh giặc, ông lại thổi xôi, mổ lợn khao quân. Người dân trong làng khi đó thường mang lợn đến dâng và tôn ông là Thành Hoàng làng.

Được biết, lễ hội thường kéo dài từ 18h ngày 13 tháng giêng (âm lịch) cho đến qua nửa đêm. Trong lễ hội, mỗi xóm chọn những con lợn to béo, đẹp nhất để mổ thịt.

Tới đêm, “Ông lợn” từ các xóm được trang trí đẹp mắt, rước đi khắp đường làng. Sau đó, lần lượt 17 “Ông lợn” của 10 xóm ở La Phù được dâng tế.

17 con lợn to béo được người dân các xóm của xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) tuyển chọn, rước đi khắp đường làng. (Ảnh tổng hợp)

Đúng 21h, các “Ông lợn” được rước vào đình dưới sự hướng dẫn của ban tổ chức và các cụ cao tuổi.

Đến nửa đêm, các cụ cao tuổi bắt đầu làm lễ tế cho tới 1-2h hôm sau. Sau đó, các xóm sẽ khiêng lợn trở về và đến sáng bắt đầu chia cho mỗi hộ gia đình.

Hai ngày ra khơi, ngư dân Hà Tĩnh thu hàng trăm triệu từ cá trích

Sáng 1/3, ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho biết, từ ngày 27/2-1/3, mỗi hôm có hơn 40 tàu cá công suất dưới 90 CV của các ngư dân đánh bắt ở ngư trường Hà Tĩnh cập cảng Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) với khoang đầy ắp cá trích.

“Tổng số lượng cá trích đánh bắt được là 600 tấn, một tàu thu về bình quân 5-7 tấn; giá 7.000-10.000 đồng một kg”, ông Sơn chia sẻ.

Hầu hết các tàu cá là của ngư dân Hà Tĩnh và Nghệ An, đánh bắt cách bờ 5-10 hải lý. (Chi tiết)

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả 1 ngày an lành, hạnh phúc và làm việc hiệu quả!

———–

Bản tin “CHÀO BUỔI SÁNG” được Đại Kỷ Nguyên phát hành vào buổi sáng hàng ngày. Quý độc giả có thể tải ứng dụng DKN.TV trên điện thoại di động tại Google Play hoặc App Store để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News