Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 11/7 xin gửi đến quý độc giả những tin đáng chú ý sau:

Bộ GTVT đổi tên trạm thu giá thành trạm thu phí

Chiều 10/7, Tổng cục Đường bộ đã ra văn bản chính thức yêu cầu các doanh nghiệp dự án BOT chuyển tên “trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ” thành “trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ”, theo VnExpress.

Các cụm từ như “biểu giá”, “mức giá” trên biển hiệu, biển chỉ dẫn tại các trạm BOT sẽ thay thế bằng từ “biểu phí”, “mức phí”.

Tổng cục Đường bộ yêu cầu các doanh nghiệp dự án, chủ đầu tư thực hiện đổi tên gọi các biển hiệu trước 20/7; vé qua trạm đã in được tiếp tục sử dụng đến khi phát hành đợt vé mới. Các đơn vị quản lý đường bộ được giao kiểm tra việc thực hiện của doanh nghiệp, báo cáo về Tổng cục trước 25/7. 

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ cho biết, từ đầu tháng 6, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT về đổi tên trạm thu giá thành trạm thu phí để thống nhất tên gọi theo hướng “đơn giản, dễ hiểu, được người dân và doanh nghiệp đồng tình chấp thuận”.

Thời gian qua, các trạm thu giá chưa đổi tên vì chờ quyết định của Tổng cục Đường bộ. (Ảnh: Hoàng Nam)

Đại diện Tổng cục Đường bộ cho hay, tên gọi “trạm thu phí” ở đây được hiểu là nơi thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án và việc này được điều hành theo Luật Giá.

Trước đó, dư luận phản ứng về việc các trạm thu phí BOT bị đổi tên thành “trạm thu giá”; nhiều ý kiến cho đây là thuật ngữ kỳ quặc, máy móc.

Đại diện Bộ GTVT giải thích, trước đây các dự án BOT giao thông được quản lý theo hình thức thu phí. Bộ Tài chính có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng với từng dự án. Giai đoạn từ ngày 1/1/2017 đến nay, Quốc hội đã ban hành Luật Phí và lệ phí, theo đó “phí sử dụng đường bộ” được chuyển đổi thành “giá dịch vụ sử dụng đường bộ”.

Cũng theo Bộ GTVT, các thông tư của Bộ đã quy định rõ, đầy đủ “Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông”.

Tuy nhiên, có một số trường hợp nhà đầu tư đã sử dụng tên gọi tắt là “Trạm thu giá” tạo ra những ý kiến trong dư luận.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu lãnh đạo Bộ GTVT giữ nguyên tên gọi “trạm thu phí” như trước đây. 

Các nhà mạng kiến nghị bỏ trần khuyến mãi 20% với thuê bao trả trước

Tại Hội nghị ngày 9/7 của ngành thông tin và truyền thông, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT cho biết, văn bản quy định khuyến mại tối đa 20% với thuê bao trả trước của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) không phù hợp về quản lý doanh nghiệp, thậm chí không tuân thủ kinh tế thị trường, ít có cơ quan quản lý nào quy định doanh nghiệp khuyến mãi chỉ 20%, theo Zing.

“Tôi thấy rằng cơ sở pháp lý của quy định này chưa phù hợp với thị trường. Ở nước ngoài vẫn khuyến mãi 70-80% tùy vào hàng tồn kho của doanh nghiệp để quyết định”, ông Trần Mạnh Hùng lý giải.

Mức khuyến mại nạp tiền tối đa cho thuê bao trả trước chỉ còn 20% sau ngày 1/3. (Ảnh: Ngô Minh)

Trong khi đó phía Tập đoàn Viettel, ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, các chính sách vĩ mô đã ảnh hưởng nhiều đến kinh doanh và môi trường viễn thông, trong đó có quy định khuyến mãi tối đa 20% đối với thuê bao trả trước, hạn chế thanh toán qua thẻ cào cho các dịch vụ nội dung số…

Tuy nhiên phản hồi về các đề xuất này, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT giải thích, cơ sở pháp luật quy định tối đa khuyến mãi 20% đối với thuê bao trả trước hoàn toàn hợp lý theo Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định hướng dẫn Luật Viễn thông.

Mục tiêu của quy định này là tăng cường thuê bao trả sau, vì sử dụng thuê bao trả trước xuất hiện nhiều tin nhắn rác. Áp dụng quy định này, khách hàng sẽ chuyển từ thuê bao trả trước sang thuê bao trả sau, khi đó quyền lợi của khách hàng không đổi.

Lãnh đạo Cục Viễn thông cũng đề nghị các doanh nghiệp báo cáo số lượng thuê bao chuyển đổi từ trả trước sang trả sau để Bộ có cơ sở báo cáo về kiến nghị bỏ quy định khuyến mãi tối đa 20% với thuê bao trả trước.

Trước đó, theo Thông tư số 47 ngày 29/12/2017 của Bộ TT&TT về quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, từ 1/3/2018, các thuê bao di động trả trước sẽ chỉ nhận mức khuyến mại tối đa 20%, thuê bao trả sau được áp dụng mức tối đa 50%.

Trước đây, có thời điểm các nhà mạng đua nhau khuyến mại 100% cho thuê bao trả trước, sau đó bị “siết” về tối đa chỉ 50%.

Công an tiếp tục khẳng định đủ căn cứ xử lý hình sự bác sĩ Lương

Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hoà Bình vừa ra kết luận điều tra bổ sung vụ án liên quan sự cố tai biến y khoa ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình làm 9 người chết. Ngoài ba bị cáo Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơn, cơ quan điều tra đề nghị truy tố thêm ông Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc bệnh viện) và ông Trần Văn Thắng (cựu trưởng phòng vật tư), theo VnExpress.

Trước đó, sau 12 ngày xét xử và 5 ngày nghị án, TAND TP. Hòa Bình đã tuyên trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung một số vấn đề. Tòa yêu cầu làm rõ những chứng cứ buộc tội, vô tội với bác sĩ Lương; xác định lỗi trong việc ra y lệnh, trước khi ra y lệnh có báo cáo lãnh đạo khoa hay không?…

Bác sĩ Hoàng Công Lương. (Ảnh: Phạm Dự)

Trong kết luận điều tra bổ sung, Công an tỉnh Hòa Bình giữ nguyên quan điểm xác định hành vi của bị can Lương đủ yếu tố cấu thành tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 360 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo kết luận điều tra trước đó và cáo trạng nêu tại phiên tòa hồi tháng 6, bác sĩ Lương được ông Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc bệnh viện – Trưởng khoa hồi sức tích cực) giao nhiệm vụ phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo. Nội dung phân công được ghi trong sổ họp giao ban năm 2015.

Tuy nhiên, quá trình điều tra bổ sung đã xác định, nội dung trong sổ họp là “không khách quan” bởi đã bị điều dưỡng viên Đinh Tiến Công điền thêm sau đó để hoàn thiện thủ tục hành chính.

Kết luận điều tra bổ sung tiếp tục khẳng định: Lương được đào tạo về kỹ thuật lọc máu cơ bản và tính đến thời điểm xảy ra sự cố, anh là bác sĩ duy nhất được phân công làm việc cố định tại đơn nguyên thận. Ngoài thực hiện chuyên môn, Lương còn thực hiện các nhiệm vụ khác như ký xác nhận vào y lệnh cho hai bác sĩ còn lại, chủ trì giao ban tại Đơn nguyên thận khi lãnh đạo khoa vắng mặt,…

Sáng 29/5/2017, Lương chưa được người có trách nhiệm cho biết hệ thống lọc nước RO số 2 đã đảm bảo an toàn để đưa vào sử dụng mà chỉ nghe điều dưỡng viên thông báo. Lương cũng bị cáo buộc không báo cáo, trao đổi với lãnh đạo khoa về hệ thống lọc nước sau sửa chữa mà đã ra y lệnh lọc máu dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 9 người tử vong.

Toa xe có khoang hai giường lần đầu vận hành ở Việt Nam

Sau thời gian chạy thí điểm, từ ngày 9/7, toa xe mới của ngành đường sắt sẽ được khai thác trên đoàn tàu SE1/SE2 tuyến Hà Nội – Đà Nẵng, theo VnExpress.

Dưới đây là một số hình ảnh về toa xe mới này:

Toa xe mới được đóng bằng vật liệu cao cấp: Thành toa làm từ thép cường lực cao. Toàn bộ các toa xe lắp giá chuyển hướng lò xo không khí có khả năng chống rung lắc tốt. (Ảnh: VnExpress)
Với toa xe mới lần này, ngành đường sắt lần đầu tiên đưa vào khai thác buồng có 2 giường. (Ảnh: VnExpress)
Buồng 4 giường trên toa xe mới với giá vé khoảng 1,2 triệu đồng. (Ảnh: VnExpress)
Buồng 2 giường được đưa vào khai thác để phục vụ những hành khách muốn có không gian riêng. (Ảnh: VnExpress)
Khoang tàu mới có thêm cửa kính bán tự động, hành khách chỉ cần bấm nút khi muốn mở hoặc đóng cửa. (Ảnh: VnExpress)
Nội thất toa xe làm bằng composite có độ bền cao, có khả năng chống cháy, chống bám bụi. (Ảnh: VnExpress)
Nhiều hành khách đánh giá, so với trước, các khoang tàu được đóng mới đẹp và hiện đại hơn, giúp họ thấy thoải mái khi di chuyển bằng tàu hỏa. (Ảnh: VnExpress)
Vợ chồng Anh Oliver Halt (26 tuổi, ở Sydney, Australia) đến Việt Nam du lịch trong 17 ngày và chọn mua buồng hai giường vì khổ giường lớn, giá vé khá hợp lý so với vé tàu ở Australia. (Ảnh: VnExpress)

 

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một ngày may mắn và làm việc hiệu quả!

———–—

Đại Kỷ Nguyên News