Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 19/2 xin gửi đến quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Hết kỳ nghỉ Tết, miền Bắc đón không khí lạnh kèm theo mưa

Sau những ngày đầu năm thời tiết rất thuận lợi cho người dân vui Tết, đến mùng 5, không khí lạnh sẽ tràn về miền Bắc gây rét đậm kèm theo mưa.

Thời tiết rất đẹp bắt đầu từ trước Tết tiếp tục được kéo dài thêm 2 tới 3 ngày nữa ở miền Bắc, khi trời vẫn có nắng ấm và tạnh ráo. Nhiệt độ cao nhất tại Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc duy trì ở mức 25-26oC.

Tại Đông Bắc Bộ, 2 hôm tới, sáng sớm có sương mù rải rác, đến gần trưa sương tan, trời hửng nắng. Tây Bắc trời nắng, ở Tp. Lào Cai nhiệt độ cao nhất khoảng 29oC, Tp. Sơn La 31oC.

Nền nhiệt miền Bắc duy trì ở mức trên đến hết mùng 4 Tết, trước khi trời trở lạnh. Dự báo, từ mùng 5 Tết, nhiệt độ ở Hà Nội giảm xuống, mức cao nhất còn 23oC, những ngày sau giảm tiếp 7 độ kèm mưa.

Dự báo, đến ngày mùng 6 tháng Giêng, khi mọi người đi làm trở lại, nhiệt độ cao nhất tại Hà Nội ban ngày giảm về mức 16 độ C, đêm rét 13-14oC.

Các tỉnh Thanh Hoá – Thừa Thiên Huế hôm nay trời ấm áp 24-27oC, đêm rét nhẹ 17-20oC.

Hôm nay, khu vực Đà Nẵng – Bình Thuận có mưa rào. Nhiệt độ cao nhất từ Đà Nẵng vào tới Khánh Hoà phổ biến mức 27-28oC, Ninh Thuận – Bình Thuận ở mức 29-30oC.

Trong ngày, tại Nam Bộ và Tây Nguyên, trời nắng vàng rực rỡ. Nhiệt độ khu vực Tây Nguyên cao nhất ở mức 28-31oC, Nam Bộ nắng không quá gắt với nền nhiệt 30-32oC.

Tượng Phật gỗ 1.500 tuổi ‘mắt nhắm mắt mở’ ở Sài Gòn

Tại Bảo tàng lịch sử TP. HCM, tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có tên “Lợi Mỹ” được bảo quản rất cẩn thận. Đây là một trong 30 bảo vật quốc gia được chính phủ công nhận đợt đầu tiên, năm 2012, theo VnExpress.

Tượng được người dân tìm thấy tại làng Lợi Mỹ, Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, giữa năm 1937. Nhận thấy giá trị độc đáo của tượng gỗ nặng hơn 100 kg, tỉnh trưởng Sa Đéc lập tức gửi công văn đến Thống đốc Nam kỳ thông báo. Sự việc được viện Viễn Đông Bác Cổ tiếp nhận, thẩm định.

Trong công điện gửi ông Louis Malleret – nhà khảo cổ chuyên về nền văn hóa Óc Eo – viện Viễn Đông Bác Cổ đặc biệt lưu ý giá trị của bức tượng với hình dạng kỳ lạ.

Ông đánh giá tượng có tính thẩm mỹ cao, thể hiện nghệ thuật điêu khắc của người Óc Eo sống khoảng 1.500 năm trước và yêu cầu mau chóng đưa vào bảo tàng Blanchard de la Brosse (Bảo tàng Lịch sử TP HCM hiện nay).

Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước từng khẳng định tượng là tiêu bản của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni với khuôn mặt hơi gãy, miệng đang mỉm cười. Hai vành môi ngài hiện rõ, cằm hơi nhô, khuôn hàm vuông vức, đôi tai cong và dài gần chấm vai. Thân tượng được tạc khá thon mảnh, bờ vai xuôi với hai tay gập vuông góc, đưa ra ngang ngực.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, tượng Phật “Lợi Mỹ” không giống với hình tượng nguyên thủy của Đức Phật Thích Ca tại Ấn Độ, bởi hình ảnh một mắt nhắm một mắt mở cùng dáng điệu, khuôn mặt khác biệt.

Trong cuốn “Mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo” của Robert E.Fisher, thủ ấn Vô úy thí có nghĩa “Ngài có hai bàn tay đặt ngang ngực, lòng bàn tay đưa tới đằng trước và tượng dường như là một biểu tượng của cử chỉ an ủi (vitarkamudra)”.

Còn học giả Alexander Griswold cho đây là một biến tướng của động tác thuyết pháp có tên ấn Chuyển pháp luân.

Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu đưa ra quan điểm, tượng Phật ở Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Tây Tạng và cả Óc Eo không nhất thiết phải giống nguyên bản ở Ấn Độ. Việc thay đổi diện mạo dựa theo cảm nhận của người dân mỗi xứ cũng như tạo tác gương mặt xứ đó. Trong văn hóa Óc Eo thì tượng Phật được chế tác có hình dạng nhỏ nhắn khiêm tốn nhưng vẫn đầy pháp lực.

Tượng Phật “Lợi Mỹ” cho thấy một giai đoạn thăng hoa trong nghệ thuật điêu khắc của các nghệ nhân Óc Eo. Tượng cũng thể hiện sự phát triển rực rỡ của Phật giáo từ xa xưa tại Việt Nam, phản ánh trình độ tiếp thu các luồng nghệ thuật mới của cư dân cổ. Họ cũng khéo léo hòa quyện cùng những nét bản địa chân chất, kéo tôn giáo và con người đến gần nhau hơn.

Bí kíp giúp bạn tránh bị xử phạt giao thông ngày Tết

Uống bao nhiêu chén rượu khi lái xe sẽ bị phạt; Quên bằng lái xe khi tham gia giao thông bị xử phạt thế nào; Khi nào dừng, đỗ xe bị xử phạt… Trả lời đúng các câu hỏi dưới đây có thể giúp bạn tránh bị xử phạt giao thông vào những ngày đầu năm mới.

Câu hỏi 1: Uống bao nhiêu chén rượu khi lái xe sẽ bị phạt?

Khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nghiêm cấm hành vi “điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, “điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở…”.

Như vậy, đối với người điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng thì chỉ cần xác định trong máu có nồng độ cồn, không quy định nồng độ cồn tối thiểu là bao nhiêu sẽ bị nghiêm cấm.

Kiểm tra nồng độ cồn (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Câu hỏi 2: Lái xe khi nồng độ cồn vượt quá mức cho phép bị phạt thế nào?

Theo Điều 5 nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định các mức phạt đối với hành vi vượt quá nồng độ cồn cho phép đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

  • Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở chịu mức phạt 2-3 triệu đồng; tước bằng lái xe 1-3 tháng.
  • Vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/lít khí thở thì bị phạt 7-8 triệu đồng; tước bằng lái xe 3-5 tháng.
  • Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt 16-18 triệu đồng; tước bằng lái xe 4-6 tháng.

Theo điều 6 nghị định này, mức phạt đối với người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

  • Phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở; tước bằng lái xe 1-3 tháng.
  • Phạt tiền 3-4 triệu đồng với người điều khiển xe thực hiện một trong các vi phạm sau đây: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở; tước bằng lái xe 3-5 tháng.

Cảnh sát giao thông xử phạt chủ yếu dựa trên việc đo nồng độ cồn trong hơi thở. Với nồng độ cồn trong máu vì phức tạp hơn nên chỉ xét nghiệm khi có đủ các yếu tố theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 3: Quên bằng lái xe khi tham gia giao thông bị xử phạt thế nào?

Khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:

  • Đăng ký xe.
  • Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này.
  • Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại điều 55 của Luật này.
  • Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Theo điểm c khoản 2 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển xe môtô và các loại xe tương tự xe môtô không mang theo Giấy phép lái xe sẽ bị phạt tiền từ 80.000-120.000 đồng, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5, điểm c khoản 7 điều này.

Ngoài ra, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực cũng bị phạt tiền từ 80.000-120.000 đồng.

Đối với người điều khiển ôtô, xe máy kéo và các loại xe tương tự ôtô bị phạt tiền từ 200.000-400.000 đồng khi không mang theo Giấy phép lái xe, đăng ký xe hoặc Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Câu hỏi 4: Khi nào dừng, đỗ xe bị xử phạt?

Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông quy định:

Phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với các hành vi sau:

  • Dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết.
  • Đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy mà không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm theo quy định.

Phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng đối với các hành vi sau:

  • Đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường.
  • Dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường.
  • Đỗ xe trên dốc không chèn bánh; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn.

Phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng đối với các hành vi sau:

  • Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt.
  • Dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt, vị trí bên trái đường một chiều, trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi tầm nhìn bị che khuất, trên cầu, gầm cầu vượt…
  • Đỗ xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25m.

Phạt tiền từ 800.000-1.200.000 đồng đối với các hành vi sau:

  • Điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà.
  • Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông.

Tượng đài Quán thế âm Bồ tát ngập trong biển rác ngày đầu năm

Đi lễ chùa ngày mùng 1 Tết, không ít người thiếu ý thức đã vứt đầy chai lọ, chân nhang, rác… ở Tượng đài Quán thế âm ở Thừa Thiên-Huế. Không chỉ so sánh với cảnh thuần tĩnh cõi Phật, đối với mức đảm bảo vệ sinh môi trường cũng rất thấp.

Chiều 16/2 (tức mùng 1 Tết) dòng người rất đông đổ lên Tượng đài Quán thế âm Bồ tát trên núi Tứ Tượng tại xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Tượng đài Quán thế âm Bồ tát tại Huế ngập rác ngày đầu năm

Dòng người đổ lên Tượng đài Quán thế âm Bồ tát trên núi Tứ Tượng tại xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế chiều 16/2 (mùng 1 Tết Mậu Tuất).

Tượng đài Quán thế âm Bồ tát tại Huế ngập rác ngày đầu năm

Nhiều người vừa đi vừa vái và thắp hương cắm nhang khắp nơi dọc lối đi.

Tượng đài Quán thế âm Bồ tát tại Huế ngập rác ngày đầu năm
Những du khách lần đầu đến đây không hiểu vì sao người ta làm vậy cũng bắt chước làm theo khiến dọc lối lên đỉnh tượng Phật ngập chân hương.
Tượng đài Quán thế âm Bồ tát tại Huế ngập rác ngày đầu năm
Hương khói ở khu vực này lan tỏa mịt mù.
Tượng đài Quán thế âm Bồ tát tại Huế ngập rác ngày đầu năm
Khu vực tượng đài như một bãi rác khổng lồ với chai nước suối, bao nylon và hương… Khách đến lễ ở tượng đài Quán thế âm lâu nay thường dùng một chai nước suối và thẻ hương. Sau khi khấn vái họ uống nước đó lấy may.
Tượng đài Quán thế âm Bồ tát tại Huế ngập rác ngày đầu năm
Sau khi làm lễ xong họ để lại các chai nước cùng các chân nhang đã cháy hết. Người đi lại phải lượn, né để không dẫm chân vào “đồ linh thiêng” lổn nhổn trên sàn.

—-

Bản tin “CHÀO BUỔI SÁNG” được Đại Kỷ Nguyên phát hành vào buổi sáng hàng ngày. Quý độc giả có thể tải ứng dụng DKN.TV trên điện thoại di động tại Google Play hoặc App Store để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Khôi Minh