Cây sưa đỏ ở Chương Mỹ (Hà Nội) không nằm trong rừng nên người dân thôn Phụ Chính có thể khai thác nhưng phải nhận được sự đồng thuận.  

Ngày 15/10, theo VnExpress, Chi cục kiểm lâm Hà Nội đã kiểm tra hiện trạng cây sưa đỏ trong khuôn viên chùa thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, Chương Mỹ). Kiểm lâm nhận thấy cây sưa này trùng tên với loại thực vật quý hiếm nằm trong nhóm 1A, Nghị định 32 của Chính phủ.

Tuy nhiên, nằm trong chùa Vĩnh Phúc nên thuộc sở hữu của cộng đồng dân cư và có quyền khai thác theo quy định. Bên cạnh đó, cây không có hiện tượng mối mọt, một số mầm non vẫn phát triển.

Chi cục kiểm lâm Hà Nội đã có hướng dẫn để làm các thủ tục khai thác cây sưa đúng luật: Cộng đồng dân cư cần họp lại, cử ra một nhóm người đủ uy tín lên phương án bán đấu giá cũng như việc sử dụng nguồn tiền. Sau đó, xã tổ chức bán đấu giá công khai. Số tiền thu được phải được chuyển vào tài khoản chung do xã giữ hộ và thôn Phụ Chính toàn quyền sử dụng vào các mục đích công cộng.

Theo VOV, phía kiểm lâm cho rằng, việc người dân nhiều lần đề nghị khai thác cây sưa và chưa được chính quyền đồng ý, do dân cư thôn Phụ Chính chưa có sự đồng thuận cao.

kiem lam ha noi cay sua do khong bi moi mot nguoi dan co quyen tu ban
Người dân cho rằng gốc sưa đỏ đang dần hoai mục, nhưng nhà chức trách chưa xác định được hiện tượng mối mọt của cây này. (Ảnh: VnExpress)

Đó là việc một số người dân cưa cành sưa bán với giá 20,5 tỷ đồng và bị công an bắt giữ. Qua kiểm tra thì việc mua bán có một số vấn đề cần được làm rõ, tiền bán chuyển vào tài khoản cá nhân chứ không phải tài khoản chung. Cành sưa này sau đó được đấu giá và bán được 30 tỷ đồng, chuyển tiền về xã để xây dựng công trình công cộng cho thôn Phụ Chính.

Sau vụ trộm năm 2013, những cành cây sưa còn lại được để tại khu vực nhà văn hóa thôn Phụ Chính, người dân cũng sẽ có quyền bán nhưng phải công khai, minh bạch.

Cây sưa đỏ quý hiếm nằm trong khuôn viên chùa Vĩnh Phúc ở thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có tuổi đời khoảng 130 năm. Cây cao khoảng 8 m, đường kính gốc gần 1 m. Từng được giới kinh doanh gỗ quý định giá tới trăm tỷ, nên cây sưa này được bảo vệ nghiêm ngặt. Toàn bộ từ phần gốc đến thân bảo vệ bằng những thanh sắt to cỡ phi 16.

Tuy nhiên, theo người dân trong thôn, phần gốc cây qua thời gian đang dần hoai mục, xuất hiện nhiều vết nứt, dọc phần nhánh cây bị cắt gần như khô và bong tróc vỏ. Vì vậy, nay cây chỉ được định giá khoảng 50 tỷ.

Người dân nhiều lần xin chính quyền cho phép bán cây để có nguồn kinh phí tu bổ chùa và xây các công trình phúc lợi thay vì để cây chết khô, hay sống trong cảnh bất an lo cây bị chặt hạ.

Hoa Liên (Tổng hợp)