Sau 8 tháng thi công, đường đi bộ trên mặt sông Hương (TP Huế) đang trong giai đoạn lắp đặt trang trí bồn hoa, cây cảnh. Nhiều người sớm tìm đến vui chơi dù chưa hoàn thiện.

Trao đổi với báo Tuổi trẻ, Ông Nguyễn Việt Bằng, trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Huế, cho biết hiện cây cầu vẫn đang trong quá trình lắp đặt, thử nghiệm hệ thống điện chiếu sáng. Sau khi hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng, dự kiến chủ đầu tư là cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) sẽ bàn giao cây cầu cho địa phương để đưa vào sử dụng vào ngày 30/10.

Công trình được khởi công từ đầu năm 2018, nằm trong dự án xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía nam sông Hương do Tổ chức KOICA (Hàn Quốc) tài trợ không hoàn lại 100%. (Ảnh: Thanh Niên)
Cầu dài 400 m, rộng 4 m, tổng diện tích 2.443 m2, đang thu hút sự chú ý của nhiều du khách, người địa phương.

Kết cấu cầu làm từ bê tông cốt thép, sàn lát đoạn đường từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân được lát bằng gỗ lim, tổng kinh phí hơn 64 tỷ đồng (lát sàn gỗ là hơn 42 tỷ đồng ).
Lan can hai bên cầu làm bằng đồng với 4.100 thanh. Đây là dự án thí điểm của dự án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ với kinh phí 6 triệu USD (139.8 tỷ đồng), thực hiện trên tổng chiều dài dự kiến 16 km hai bờ sông Hương.
Các bạn trẻ là học sinh, sinh viên háo hức đến tham quan, chụp hình lưu niệm trên cây cầu gỗ lim “siêu sang”. (Ảnh: CAND)
Công nhân lắp đặt các bồn hoa, ghế ngồi, cây cảnh cho tuyến đường độc đáo. Số gỗ lim dùng để lát sàn cầu đi bộ khoảng 120 m3 (khoảng 16.000 thanh, mỗi thanh rộng 15 cm và dày 5 cm) và 30 m3 dùng cho các hạng mục phụ trợ như ghế ngồi, chậu hoa, tay vịn. 
Nhiều du khách đặc biệt là giới trẻ sớm tìm đến vui chơi dù chưa được phép. 
Dự kiến, cuối tháng 10, cầu đi bộ này sẽ được bàn giao cho tỉnh Thừa Thiên – Huế quản lý. Chính quyền TP Huế dự kiến sẽ khánh thành công trình này cùng lúc với tuyến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu dọc sông Hương đang thi công trước lễ Noel.
Nhiều bạn trẻ đã chọn cầu đi bộ này làm nơi chụp ảnh, hóng mát lý tưởng (Ảnh: CAND)
Nhiều tốp công nhân đang gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại của cây cầu trước ngày bàn giao. (Ảnh: Nhật Linh)
Hiện các lối dẫn xuống cây cầu gỗ lim siêu sang ở Huế tạm thời bị phong tỏa để đơn vị thi công hoàn thiện những hạng mục cuối cùng như đường điện, trụ đèn, hệ thống chiếu sáng nghệ thuật, cây cảnh…
Hệ thống dây điện dọc cầu đang được thi công.
Nhiều chậu hoa cảnh đã được đơn vị thi công cho đặt lên trên cầu đi bộ.
Hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật chịu nước đã được lắp đặt.
Cây cầu đang trong quá trình thi công nên nhà thầu đã cho lắp đặt nhiều biển cấm vào. Tuy nhiên rất đông người dân vẫn đến đây để ngắm cây cầu gỗ lim dọc sông Hương này.

(Nguồn ảnh: Zing, CAND, Tuổi Trẻ, Thanh Niên)

Lý giải về việc chọn gỗ lim Nam Phi để lót sàn cầu, ông Bằng cho biết lim nằm trong nhóm “tứ thiết” gồm đinh, lim, sến, táu. Đây là loại gỗ chịu lực, chịu ẩm tốt, không bị mối mọt, thích hợp cho khí hậu nóng ẩm ở Huế. 

Những vết rạn nứt chân chim và thành đường từng xuất hiện trên nhiều ván gỗ lim dùng để lát sàn cầu đi bộ siêu sang ở Huế.
Chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án KOICA và nhà thầu thi công là Cty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi giải thích, vết rạn chỉ nhỏ hơn 1 mm, nằm trong giới hạn cho phép sử dụng làm vật liệu lát ván sàn và không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của gỗ, cũng như tính thẩm mỹ. Ngoài ra, đường đi bộ bằng gỗ lim ven sông Hương có tổng số 16.000 thanh gỗ lim Nam Phi được lắp lát (loại dài 2,5 và 1,5m), trong đó, tỷ lệ cho phép các thanh gỗ phải loại bỏ để thay thế là 5% (800 thanh gỗ).

Theo ông Bằng, sau nhiều lần tham vấn ý kiến của người dân, các nhà chuyên môn… thì phía KOICA đã thống nhất chọn gỗ lim làm vật liệu lót cầu.

Ông Bằng còn cho biết thêm, trước đó cũng có nhiều thông tin về việc gỗ lim dùng để lót cầu không đảm bảo chất lượng, dể bị nứt nẻ. Ngay sau đó, đơn vị giám sát đã cho kiểm tra và yêu cầu đánh dấu, loại bỏ toàn bộ những thanh gỗ không đảm bảo chất lượng.

Ông Văn Viết Thành, giám đốc Công ty CP Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên – Huế, chủ thầu thi công cây cầu, cho biết mọi phương án về vận hành, trùng tu, bảo dưỡng cây cầu đã được chủ đầu tư cùng các bên liên quan tính toán kỹ lưỡng. Ông Thành nói rằng hệ thống điện, đèn chiếu sáng được lắp đặt trên cầu đạt chuẩn chống nước 100%, có thể ngâm sâu dưới 4m nước.

“Hơn nữa theo các nhà chuyên môn thì sông Hương không còn những trận lũ lụt lớn như thời gian trước đây vì đã có hệ thống hồ chứa thủy lợi ở đầu nguồn. Việc ngập nước gây hư hại công trình hay rác thải đã được chúng tôi tính toán kỹ lưỡng” – ông Thành nói.

Minh Tú (tổng hợp)