Chiều 13/12, Văn phòng UBND TP HCM xác nhận, chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong đồng ý bỏ quy định cấm công chức mặc quần jean, áo thun đi làm.

TP.HCM bỏ quy định cấm công chức mặc quần jean, áo thun đi làm.

Lãnh đạo TP. HCM đã có cuộc họp với Thường trực UBND, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp TP. HCM xung quanh nội dung ban hành quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP, theo báo Tuổi trẻ.

Trong dự thảo này có điều khoản quy định khi thực hiện nhiệm vụ, công chức phải mặc trang phục lịch sự, không được mặc quần jean, áo thun, trừ trường hợp tham gia các hoạt động, sự kiện của cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định trang phục làm việc của nam là quần tây áo sơ mi, nữ quần tây, váy dài chiều dài tối thiểu ngang gối, áo sơ mi có tay, comple, áo dài truyền thống.

Khi dự thảo được công bố đa có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều xung quanh điều khoản trên. Bởi vậy Chủ tịch thành phố đã yêu cầu Sở Nội vụ triển khai rà soát tổng thể quy định của pháp luật, cập nhật ý kiến góp ý, hoàn chỉnh dự thảo trình lên và lãnh đạo UBND TP sẽ có quyết định chính thức trước ngày 25/12.

Đây không phải lần đầu tiên những luật cấm về trang phục gây xôn xao công sở. Tại Cần Thơ, việc cấm công chức, viên chức mặc áo phông, quần jeans đi làm từng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cư dân mạng.

Việc diện quần jeans áo thun không ảnh hưởng đến chất lượng công việc mà vẫn đảm bảo nhu cầu làm đẹp của phụ nữ (Ảnh: Thời Trang Hiện Đại)

Trên nhiều diễn đàn, đa số ý kiến cho rằng, việc diện quần jeans áo thun không ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Chỉ cần kín đáo, lịch sự và đẹp là đủ yêu cầu đối với trang phục công sở.

Tại Hà Nội, UBND TP. Hà Nội từng ban hành dự thảo quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, trong đó “cấm” công chức xăm hình và dùng nước hoa phù hợp. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải phản ứng trái chiều vì cho rằng đây là những quy định vi phạm quyền cá nhân. Đến nay điều khoản này cũng đã không được thực thi.

Không thể phủ nhận bộ quy tắc ứng xử góp phần xây dựng một môi trường làm việc nghiêm túc, thái độ làm việc của công chức được hướng đến tinh thần, tôn trọng người giao tiếp.

Tuy nhiên, thay vì đưa ra những quy định quá tỉ mỉ và chi tiết mang tính soi xét thì các bản quy tắc ấy sẽ có giá trị và dễ dàng được đón nhận hơn nhiều nếu nhấn mạnh đến sự tập trung thời gian giải quyết công việc cũng như thái độ của công chức với khách đến làm việc.

Thanh Tùng