Bé trai 11 tháng tuổi nuốt dị vật nhưng người nhà không hay biết, phim X-quang trước mổ cũng không phát hiện bất thường.

Hơn nửa tháng qua, bé C.M.Đ. (11 tháng tuổi, nhà ở Phú Yên) thường xuyên bị ọc sữa, khò khè, có khi sốt cao nhiều ngày không dứt.

Khám bệnh cho con ở nhiều bệnh viện tại tỉnh mà không khỏi, chị Nguyễn Thị Ngọc Ảnh (27 tuổi, mẹ bé Đ.) đưa bé Đ. đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM để tìm bệnh.

Tại bệnh viện, X-quang phổi của bé trai ghi nhận viêm phổi nhẹ, không thấy dị vật. CT scan ngực có một khối tổn thương dạng túi. Bệnh nhi được điều trị viêm phổi một tháng nhưng không cải thiện, khò khè nhiều, không ăn uống được, theo VnExpress.

Mảnh nhựa được đưa ra khỏi cơ thể bé trai. (Ảnh: VnExpress)

Bác sĩ Nguyễn Thế Huy – Phó khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM – cho biết bé Đ. được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao, khò khè, bị sặc khi uống nước, không đau ngực, cổ, X-Quang ngực, nội soi thực quản, khí quản không thấy dị vật, theo Báo Phụ Nữ.

Nghi ngờ bé có vấn đề ở đường thở, các bác sĩ tiến hành nội soi phế quản phát hiện một lỗ rò thực quản – khí quản, không rõ nguyên nhân. Bé được hội chẩn toàn viện, quyết định phẫu thuật nhằm cắt đường rò.

Các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng cùng ThS.BS Đào Trung Hiếu – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 hội chẩn quyết định chia làm 2 ê-kíp bác sĩ xử lý khâu vá khí quản và thực quản để xử lý bệnh cho bé.

Ngày 11/3, bé Đ. được đưa vào phòng mổ, ê-kíp do bác sĩ Huy thực hiện trước, bóc tách khối viêm nhiễm, tách mô bám ở khí quản, khâu vá lỗ thủng khoảng 3cm, làm sạch vết thương cho bệnh nhi.

Khi mở “tổ dị vật” ra, các bác sĩ bất ngờ phát hiện một vật liệu bằng nhựa ở khoảng trống giữa khí quản và thực quản của bé Đ.

“Dị vật nằm ở khoảng trống giữa khí quản và thực quản, tức sau khi em bé nuốt vào, dị vật chui qua lòng thực quản ra ngoài rồi đâm thẳng vào khí quản, làm thành ổ nhiễm trùng”, bác sĩ Hiếu phân tích.

Sau 7 giờ đồng hồ căng thẳng, cuối cùng ca mổ thành công khiến ai cũng vỡ òa hạnh phúc.

7 ngày sau, bé Đ. có thể tự ăn, 3 ngày nữa bé đã tự thở, hết khò khè, sức khỏe hồi phục khá tốt. Bé cũng không bị biến chứng sau này.

Bác sĩ Nguyễn Thế Huy, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết khả năng bé nuốt dị vật từ lúc 5-6 tháng tuổi. Theo thời gian, dị vật ăn thủng thực quản, đâm vào khí quản, khi đó bé mới có triệu chứng của đường hô hấp.

Thanh Thanh  (tổng hợp)