Đã lâu, những người yêu thơ không còn thấy cái tên Đoàn Thị Lam Luyến xuất hiện trên thi đàn. Bà nổi tiếng với giọng thơ đầy cá tính và mãnh liệt về tình yêu, nhưng trải qua bao thăng trầm, cuối cùng bà đã tìm được giá trị đích thực thực sự của đời người.

Trải qua hai cuộc ly hôn với biết bao vụn vỡ trong tâm, bươn chải kiếm sống để rồi bị lừa mất trắng cả một gia tài, “cai yêu” trong suốt mười ba năm có lẻ, rốt cuộc tất cả những gì bà cần có lẽ chỉ là một khoảng lặng bình yên, không xô bồ, không giành giật, không mong cầu.

Trong căn phòng nhỏ, ngồi trước mặt tôi là một Đoàn Thị Lam Luyến đã bước sang tuổi 62, làn da vẫn căng bóng, đầy đặn phúc hậu. Khuôn mặt đăm đắm nỗi niềm một thời giờ toát lên vẻ thanh thoát của sự bình an, tự tại. Dường như biết bao thống khổ oán hận cay đắng đã bị bà bỏ lại đằng sau lưng, chúng đã không còn chạm đến bà được nữa.

Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến (Ảnh: Thanh Tâm)
Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến (Ảnh: Thanh Tâm)

Cuộc sống của cô hiện thế nào? Cô dường như không còn sáng tác thơ ca nữa?

Đoàn Thị Lam Luyến: (cười) Tôi không phải là người dễ sáng tác và dễ xuất bản. Muốn làm thơ thì phải có cảm hứng, phải có thời gian, mà hiện giờ tôi khá bận, đầu óc tập trung vào những việc khác, tạm thời chưa có khoảng trống cho thi ca. Tôi hiện đang phụ trách Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, tôi muốn vấn đề bản quyền của “chất xám” ở Việt Nam phải được tôn trọng, ý thức về việc này trong cộng đồng phải được nâng cao, tuy rằng rất khó. Phần lớn thời gian còn lại tôi dành để học Phật Pháp. Cuộc sống của tôi giờ chỉ đơn giản vậy thôi.

Nghe đơn giản vậy nhưng dường như nó có tác động khá lớn đến cô?

Đoàn Thị Lam Luyến: Thật ra từ sau khi học Phật Pháp, tôi mới thấy trước kia mình sống cảm tính quá, mình không hiểu được quy luật cuộc đời, không hiểu về duyên nợ, nghiệp báo, mình tự dày vò mình, tự làm mình khổ, là tự mình gây ra thôi. Giờ đây tôi lắng lòng mình xuống, tĩnh tâm lại đọc sách, học Pháp, tôi minh tỏ ra nhiều điều, thấy những vết thương trong tâm cứ nhạt nhòa dần mà biến mất, thấy chẳng còn oán người hận ai, nội tâm trở nên vui vẻ, thoáng đãng. Tôi đã tìm thấy bình an của riêng mình.

Vậy là “con tim đã vui trở lại”, nhưng chưa thấy xuất hiện thêm vần thơ về tình yêu nào (cười)?

Đoàn Thị Lam Luyến: Tôi đã không còn muốn phải bận tâm về chuyện tình cảm từ rất lâu rồi. Bây giờ thì lại càng như vậy. Dựa vào người khác để tìm hạnh phúc thì nó mong manh lắm, thực ra hạnh phúc là do chính bản thân mình quyết định và nắm giữ thôi. Sau này có lẽ thơ của tôi sẽ hướng đến chủ đề khác.

Có vẻ như cô cũng đã “giác ngộ” được rất nhiều kể từ khi học về Phật Pháp, và nó có ảnh hưởng tích cực đến cô. Cô có thể chia sẻ một số điều tâm niệm của mình?

Đoàn Thị Lam Luyến: Trước hết tôi hiểu rằng mọi điều xảy ra trong cuộc sống đều có nguyên do của nó. Đạo Phật dạy về “nghiệp lực luân báo”, “thiện ác hữu báo”, những đau khổ bất hạnh của mình là do nghiệp của mình, là do mình không tốt, đã từng khiến ai đó cũng đau khổ cũng như thế, và giờ thì mình phải “trả lại” thôi, thế thì còn oán trách gì? Ngoài ra thì còn một điều mà tôi cũng tâm đắc, đó là tôi hiểu rằng cuộc đời mỗi người đã được định sẵn rồi, cố gắng cải biến nó thường là vô ích, chỉ gây ra đau khổ do không thay đổi được, và gây thêm nghiệp báo khi cố gắng thay đổi nó thôi. Chỉ có tu luyện, tu tâm, xả bỏ đi cái xấu, cái không tốt ở mình, chịu khổ để xả bỏ nghiệp, thì cuộc đời mới biến chuyển tốt lên. Tôi cũng nhận ra là vô ích khi mà muốn thay đổi người khác, muốn người ta đối xử thế này thế kia với mình, mình chỉ có thể tự thay đổi chính mình.

"...nội tâm trở nên vui vẻ, thoáng đãng. Tôi đã tìm thấy bình an của riêng mình" (Ảnh: Thanh Tâm)
“…nội tâm trở nên vui vẻ, thoáng đãng. Tôi đã tìm thấy bình an của riêng mình” (Ảnh: Thanh Tâm)

Cô có thể cho biết cô đọc sách gì về Phật Pháp không?

Đoàn Thị Lam Luyến: Tôi đang tu Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp. Đây là một môn tu luyện cổ xưa nhưng mới được phổ truyền rộng rãi cách đây hơn 20 năm tại Trung Quốc. Nói từ “tu luyện” nghe hơi huyền bí xa rời thế tục, thực ra chỉ là tu tâm và luyện công mà thôi. Cần phải đọc sách, hành xử theo nguyên lý “Chân – Thiện – Nhẫn” trong cuộc sống hàng ngày, đối xử chân thành thiện lương với người khác, rèn tính nhẫn nại, có mâu thuẫn thì phải nhịn, phải xem mình có gì sai không và tự sửa, phải loại bỏ tâm đố kỵ, lòng tham, tính tự mãn, khoe khoang, cực đoan, các tính xấu khác, nói chung rất nhiều phương diện đều phải chú ý sửa đổi. Ngoài ra thì hàng ngày luyện tập 5 bài khí công rất nhẹ nhàng, trong đó có 1 bài thiền định. Sau khi tu luyện một thời gian, tôi rất khỏe mạnh, mọi bệnh tật đều khỏi, tinh thần phấn chấn nhẹ nhõm lắm.

Nếu ai cũng hành xử tu tâm như cô nói vậy thì sẽ tốt quá. Nhưng nghe nói cũng có một số luồng dư luận khác nhau về môn này tại Việt Nam?

Đoàn Thị Lam Luyến: Chúng tôi vẫn luyện công chung với nhau ở các công viên khắp Hà Nội vào mỗi sáng sớm hay sau giờ tan ca, cũng như các môn dưỡng sinh khác thôi. Chúng tôi đến, luyện xong 5 bài rồi về, rất yên tĩnh trật tự, duy trì mấy năm rồi. Một số trường hợp chính quyền can thiệp là do người ta giả mạo học viên gây rối, lợi dụng làm chính trị, chứ người tu còn mong cầu quyền lực chức sắc thì là tu kiểu gì? Những người đó đều không phải là người tu. Pháp Luân Công hoàn toàn hợp pháp ở Việt Nam, chỉ duy nhất bị bức hại ở Trung Quốc thôi.

So với con người trước kia của cô, cả bên trong lẫn bên ngoài đều dường như là “lột xác”. Cô có chia sẻ gì dành cho những người phụ nữ trẻ về tình yêu, hôn nhân?

Đoàn Thị Lam Luyến: Quen ai yêu ai lấy ai thì đều là duyên số, trước tiên là hãy trân quý cái duyên ấy. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng đừng nên kỳ vọng quá trong tình yêu, vừa đủ là được rồi, và hãy đặt tình cảm một cách xứng đáng bằng lý trí. Đồng thời tôi nghĩ quan trọng là mình phải tự chủ được cuộc sống của chính bản thân mình trước, đừng nên mang tâm lý dựa dẫm mong chờ vào người kia, hãy tự tạo hạnh phúc cho chính mình. Nếu mình cố lắm mà người ta vẫn không đền đáp lại thì cũng hãy hiểu là duyên nợ giữa mình và người đó có khi chỉ đến vậy thôi.

Xin cảm ơn cô về buổi trao đổi thú vị!

Thanh Tâm

Từ Khóa: