Ba chữ có thể cho thấy hậu vận khó tránh khỏi của một triều đại khiến hậu nhân phải tự hỏi, liệu mọi sự thành bại, hưng suy của quốc gia, hay một đời người đều đã được an bài từ trước?

Tương truyền, vào những năm cuối thời Minh, đội quân của Lý Tự Thành đã tiến sát kinh thành, tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng. Minh Tư Tông (hay Sùng Trinh) hoàng đế trong lòng nóng như lửa đốt, ăn không ngon ngủ không yên.

Một ngày nọ ông nghe nói bên ngoài Tử Cấm Thành có một cao nhân đoán chữ, liền đem theo một tiểu thái giám giả dạng thường dân vi hành, hy vọng từ việc đoán chữ có thể tìm ra chút manh mối cho an nguy quốc gia, giảm bớt nỗi lo trong lòng.

Khi gặp được cao nhân đoán chữ, Sùng Trinh hoàng đế liền tiện tay viết một chữ “Hữu” nhờ cao nhân phân tích. Cao nhân đoán chữ liền trả lời: “chữ ‘Hữu’ (友) đảo ngược là chữ ‘phản’ (反), phản tặc xuất đầu, là điềm không thuận lợi!”

Sùng Trinh hoàng đế vừa nghe, liền kinh sợ, nhưng đầu óc nhạy bén liền nói: “Chữ ‘Hữu’ (友 – bạn bè) đọc giống chữ ‘Hữu’ (有 – có, đầy đủ, sung túc) vậy”.

Không ngờ cao nhân chỉ liếc mắt liền nói “Chữ ‘Đại Minh’ (大明), có chữ ‘đại’ lược đi một nửa, chữ ‘minh’ lược đi một nửa, cộng lại trên dưới ra chữ ‘hữu’ (有) này, đây là họa không phải phúc”. Điều này có nghĩa là giang sơn Đại Minh sẽ mất đi một nửa, có phải là chuyện không thể coi thường?

Sùng Trinh hoàng đế sắc mặt kinh hãi, nhưng quyết không chịu từ bỏ liền đổi lại thành: “Vậy đoán chữ ‘Dậu’ đi”, vừa nói trong lòng ông vừa nghĩ, có lẽ lần này sẽ thay đổi được tình thế xấu, biến họa thành phúc.

Không ngờ nghe xong chữ “Dậu” này cao nhân lại nói: “Chữ “Dậu” (酉) là phần giữa của chữ ‘tôn’ (尊 – cao quý), hay là chữ ‘tôn’ nhưng không có đầu đuôi, điều này có nghĩa là lên thì chưa đến trời, mà xuống thì không chạm đất, như rồng lên trời lại không mở được cửa trời, chỉ sợ đại sự không thể cứu vãn! Ngôi vị chí tôn đã nguy cấp, đó không phải là một thảm họa lớn sao?”.

Sùng Trinh hoàng đế biết rằng nói nhiều cũng vô ích, để lại một thỏi bạc lớn rồi lặng lẽ rời đi.

Tranh vẽ Sùng Trinh Minh Tư Tông Hoàng đế (ảnh: Sohu).

Đi được nửa đường, ông lại cảm thấy không cam lòng, dùng miệng cắn chảy máu ngón tay trỏ rồi viết lên bàn tay trái của tiểu thái giám chữ “Do” (由 – nguyên nhân) và bàn tay phải của tiểu thái giám chữ “Vưu” (尤 – ưu tú), nói: “Ngươi đi hỏi lão tiên sinh có thể cho biết chính xác thời gian không và xông vào địch liệu có thành sự không?”. 

Một lúc sau, tiểu thái giám quay lại nói: “Thưa, thần tìm một vòng cũng chẳng thấy lão tiên sinh đâu, chỉ thấy trên bàn để lại một bức thư và một thỏi bạc lớn”.

Sùng Trinh hoàng đế liền cầm bức thư lên đọc, trong đó viết:

Chữ ‘Do’ (由), cũng là điều kiêng kị với đế vương (tên của Sùng Trinh Minh Tư Tông hoàng đế là Chu Do Kiểm), là đảo ngược của chữ ‘Giáp’ (甲) trong thiên can, hay cũng là chữ ‘Thân’ (申) không có đuôi, năm Giáp Thân có đầu mà không đuôi. Vưu (尤), xưa có vua Xi Vưu của nước Cửu Lê quấy rối chư hầu bị Hoàng Đế đánh chết, chữ này cũng giống như chữ thành (成 ), ám chỉ Lý Tự Thành, bị mất đi chữ lực (力), sự việc xem ra vô lực khó thành.

Sùng Trinh Hoàng đế hiểu ra, liền thở dài: “Hây da, khó thành, hà tất phải quấy nhiễu mộng thanh”, rồi nói với thái giám: “Nếu Trẫm nói một chữ ‘U’ thì ngươi nghĩ đến cái gì đầu tiên?”.

Tiểu thái giám nói mà không nghĩ ngợi: “Chu U Vương”.

Sùng Trinh đế lại nói tiếp: “Là vua của vong quốc, vậy chữ ‘Hựu’ (lại) thì sao?”.

Tiểu thái giám nói: “Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn (có tia hy vọng trong cảnh khốn cùng). Hoàng thượng, đây là ngụ ý điều tốt đẹp”.

Sùng Trinh đế nói: “Đúng vậy, nhưng đằng sau chữ minh là ‘hựu nhất thôn’ (có một thôn trang), Đại Minh của ta nên nhường lại rồi”.

Tiểu Thái giám nghe xong liền quỳ xuống dập đầu: “Nô tài đáng chết”.

Minh Tư Tông nói: “Không trách ngươi, đây là thiên mệnh rồi”.

Quả nhiên vào tháng 3, năm thứ 17 nhà Minh, Lý Tự Thành đã chiếm được Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Minh Tư Tông hoàng đế hốt hoảng chạy khỏi Nam Cung, thắt cổ tự vẫn trên cây hòe tại núi Cảnh Sơn, Minh Triều từ đó diệt vong. Đúng theo lời của vị cao nhân đoán chữ đó nói: “Là rồng như lên trời lại không mở được cửa trời”.

Những chữ Hán tiết lộ ý trời khó mà tránh được.

Tranh vẽ Lý Tự Thành – nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lật đổ nhà Minh vào năm 1644, chiếm được kinh thành, lên ngôi hoàng đế, tự xưng là Đại Thuận hoàng đế lập ra nhà Đại Thuận (ảnh: Bestchinanews).

Đây là một truyền thuyết dân gian của Trung Quốc, mặc dù có thể là người đời sau hư cấu một vài phần, nhưng từ đó có thể thấy những từ ngữ tiếng Trung chứa đựng ý nghĩa sâu rộng, các từ khác nhau nhưng đồng âm, từ phân tích hình dạng của mặt chữ, có thể nhìn thấu một vài điều. Trên đời này có quốc gia nào có ngôn ngữ ký tự sâu sắc và thú vị như vậy?

Ngày nay chữ viết của Trung Quốc đã được đơn giản hóa hơn trước đây rất nhiều, nhưng nó tương đương với việc cắt giảm ý nghĩa sâu sắc của các ký tự Hán tự truyền thống và phá hủy nghệ thuật thư pháp.

Đồng thời truyền thuyết dân gian này cũng nói lên một đạo lý: Ý trời đã định thì người phàm khó mà thay đổi được.

Trong Lịch sử triều đại nhà Minh từng viết: “Nhà Minh sau triều Thế Tông hoàng đế, kỷ cương dần dần suy đồi, cho đến thời Thần Tông đã lỏng lẻo đến cực điểm. Dù đức vua có khí chất anh tuấn oai hùng cũng khó mà thay đổi được. Chưa kể là bởi hoàng đế hèn nhát, nhu nhược, phi tần và thái giám sớm đã chiếm được quyền lực, nhiễu loạn triều chính, dân chúng bị tai vạ thảm khốc, vạn dân ly tán, cho dù không muốn mất nước, cũng có cách gì?”. 

Những thảm họa liên tục xảy ra trong những năm cuối cùng của nhà Minh trùng khớp với những lời cảnh báo của trời cao qua văn tự – vốn được người Hoa tin là do Thần truyền cho mình, ám chỉ nhà Minh sẽ diệt vong, không có bất cứ ai có thể thay đổi được, kể cả Sùng Trinh hoàng đế. Ông thay đổi chữ ba lần để cao nhân đoán, cũng không cách nào xoay chuyển càn khôn, chứng minh vận mệnh nhà Minh đã tận. Đạo trời không cho phép tồn tại sự tự cao tự đại, tất cả đều có an bài và được cảnh báo từ trước.

Ngọc Linh
Theo Secretchina

Từ Khóa: