“Thuyền cỏ mượn tên” là câu chuyện được rất nhiều người biết đến trong Tam Quốc diễn nghĩa. Ai cũng cao hứng khi nghe chuyện này nhưng tin rằng nó có thật chắc chỉ vài người.

Câu chuyện mang quá nhiều yếu tố hư cấu, từ cơn gió bất ngờ nổi lên, sương mù xuống đầy sông, tới số lượng mũi tên thu được, rồi đến ngay cả việc vì sao Tào Tháo không cho quân bắn cung tên lửa. Quá nhiều câu hỏi khiến người ta cảm thấy nghi ngờ. Thực ra, chỉ qua một câu nói của Gia Cát Lượng ta đã có thể hiểu rõ được chân tướng sự việc này. “Số mệnh ta đã có Trời định, hại làm sao được”. Câu nói này đã cho thấy rõ mọi chuyện đều do Trời sắp đặt sẵn.

Kế hoạch lấy đủ tên của Gia Cát Lượng chỉ chuẩn bị trong vòng 3 ngày

Tào Tháo xuất binh muốn đánh Giang Đông, Tôn Lưu hai nhà liên thủ, đôi bên chống nhau với Tháo ở Xích Bích. Đại đô đốc Đông Ngô là Chu Du cùng quân sư của Lưu Bị là Khổng Minh Gia Cát Lượng cùng bàn kế phòng ngự. Một hôm, Chu Du hội họp chư tướng, mời cả Khổng Minh tới dự. Trong Tam Quốc diễn nghĩa kể:

Du hỏi:

– Nay sắp đánh nhau với Tào Tháo ở trên mặt sông, nên dùng vũ khí gì đánh cho tiện?

Khổng Minh thưa:

– Trên mặt sông lớn, cốt lấy cung tên làm đầu.

Du nói:

– Lời tiên sinh hợp ý tôi lắm! Hiện trong quân đang thiếu tên bắn, phiền tiên sinh trông nom giúp cho việc làm mười vạn chiếc tên. Đây là việc công, xin tiên sinh chớ nên từ chối.

Khổng Minh nói:

– Đô đốc đã sai, tôi xin hết sức. Xin hỏi mười vạn tên khi nào dùng đến?

Du hỏi:

– Trong mười hôm, có làm xong không?

Khổng Minh nói:

– Quân Tào nay mai sắp đến, nếu đợi mười ngày, việc lớn hỏng mất.

Du hỏi:

– Tiên sinh liệu độ mấy hôm thì xong?

Khổng Minh thưa:

– Trong nội ba ngày sẽ nộp đủ mười vạn tên.

Du nói:

– Việc quân không phải trò đùa đâu!

Khổng Minh nói:

– Đâu có dám đùa với đô đốc, tôi xin làm giấy cam đoan, nếu ba ngày không xong, cam chịu trọng tội.

Du mừng lắm, gọi ngay quan chính tư mang giấy tờ ra làm cam kết, rồi mở tiệc khoản đãi và nói:

– Khi nào xong việc, sẽ có hậu thưởng.

Khổng Minh nói:

– Hôm nay đã không kịp rồi, ngày mai bắt đầu làm, đến ngày thứ ba, xin đô đốc sai năm trăm quân đến bờ sông nhận tên đem về.

Khổng Minh uống thêm vài chén rồi từ biệt.

Lỗ Túc hỏi Chu Du:

– Người này nói khoác chăng?

Du nói:

– Rõ ràng hắn tự mua lấy cái chết, chứ ta cũng không bắt ép gì hắn. Hôm nay đông đủ mặt các quan, làm tờ cam kết, dù hắn có mọc cánh cũng không bay thoát. Ta dặn bọn thợ cố làm dây dưa, và không cấp đủ cho đồ dùng, tất nhiên hắn lỡ hẹn. Khi ấy ta trị tội, xem có kêu ca được nữa không? Tử Kính thử sang thăm dò tình hình, về báo cho ta biết.

Ảnh minh họa: Youtube.

Chu Du biết tài Khổng Minh, muốn trừ hậu họa cho Giang Đông nên nghĩ ra kế ép Khổng Minh vào cửa tử. Ba ngày làm sao chế nổi 10 vạn mũi tên? Cứ với đà ấy, Khổng Minh ắt là khó toàn tính mệnh. Nhưng cách chế tên nỏ của Khổng Minh quá dị biệt, Chu Du không thể nào nghĩ tới. Mưu lược của Khổng Minh quả thực cao hơn Chu Du một bậc.

Thuyền cỏ mượn tên đi vào sử sách

Khổng Minh tìm gặp Lỗ Túc nói: 

– Tử Kính cho ta mượn hai chục chiếc thuyền, mỗi chiếc dùng ba chục tay thuỷ thủ tốt. Trên thuyền căng vải xanh che chung quanh, và xếp hơn nghìn bó cỏ ở hai bên mạn thuyền. Ta sẽ có kế. Đến ngày thứ ba bảo đảm có đủ mười vạn tên cho mà xem. Nhưng chớ để cho Công Cẩn biết nữa, nếu hắn biết thì kế ta hỏng mất đó.

Đến hôm thứ ba, lúc canh tư, Khổng Minh lén cho người mời Lỗ Túc xuống thuyền. Cả đoàn hai mươi chiếc thuyền tiến thẳng đến trại quân Tào. Tam Quốc diễn nghĩa kể: 

Đêm ấy, sương mù phủ kín trời, trên mặt sông lại càng mờ mịt, giáp mặt không trông thấy nhau. Khổng Minh giục quân chèo thuyền đi thật gấp. Quả thật là sương mù rất đẹp, rất nên thơ.

Lỗ Túc sợ hãi hỏi:

– Quân Tào ùa ra thì làm thế nào?

Khổng Minh cười đáp:

– Tôi chắc Tào Tháo thấy sương mù thế này, không dám cho quân ra. Chúng mình cứ yên trí uống rượu làm vui, đợi khi nào sương tan thì về.

Canh năm đêm ấy, thuyền đến sát thuỷ trại của Tào Tháo. Khổng Minh sai đổ thuyền quay mũi về hướng tây, dàn thành hàng chữ nhất, rồi đánh trống và hò reo ầm ĩ.

Trong trại Tào, nghe thấy tiếng trống đánh, tiếng reo hò, Mao Giới, Vu Cấm vội vàng phi báo với Tào Tháo.

Tháo truyền lệnh rằng:

– Sương mù dày đặc, quân giặc kéo đến bất thần, tất có mai phục, không nên khinh động.

Tháo chỉ ra lệnh cho quân cung nỏ bắn tứ tung ra, lại sai người lên trại cạn gọi Trương Liêu, Từ Hoảng mỗi người dẫn ba nghìn quân cung nỏ cấp tốc đến bờ sông trợ chiến. Hiệu lệnh đến nơi thì Vu Cấm, Mao Giới sợ quân nam tràn vào thuỷ trại, đã sai quân bắn rào rào ra rồi một lát quân trên cạn cũng đến, ước hơn vạn người, đều chĩa vào chỗ có tiếng trống bắn xuống như mưa. Khổng Minh một mặt lại sai quay mũi thuyền về phía tây, áp vào trại thuỷ đỡ lấy tên; một mặt vẫn cứ thúc trống hò reo ầm ĩ. Khi mặt trời đã mọc, sương mù dần tan, Khổng Minh sai thu thuyền kéo về. Các bó cỏ trên hai chục chiếc thuyền, bó nào cũng chi chít những tên cắm.

Khổng Minh sai quân sĩ đồng thanh reo to lên rằng:

– Tạ ơn thừa tướng giúp tên!

Khi quân vào báo cho Tháo biết, thì thuyền nhẹ nước xuôi, đã đi xa hàng hai chục dặm rồi, đuổi không kịp nữa. Tào Tháo tức bực vô cùng.

Ảnh minh họa: Youtube.

Thực là một kế tuyệt diệu, xưa nay sử sách chưa từng có. Khổng Minh chỉ một lần dùng mẹo mà khiến hai anh hùng thiên hạ là Chu Du, Tào Tháo đều mắc lỡm. Ông bỡn cợt trước lưỡi dao của Chu Du đang lăm le đặt vào cổ mình, lại chọc ghẹo trăm vạn quân Tào đang lăm le tiến xuống Giang Nam, trước sau đều sảng khoái vô cùng, ung dung tự tại vô cùng. 

Lời nói tiết lộ thiên cơ

Lỗ Túc của Đông Ngô, người giúp Khổng Minh chuẩn bị thuyền, vô cùng ngạc nhiên, có thể nói là chấn động trước màn diễn đầy kịch tính lần này. Hồi thứ 46, Tam Quốc diễn nghĩa, kể:

Khổng Minh quay thuyền về nói với Lỗ Túc rằng:

– Mỗi thuyền được ước chừng năm sáu nghìn tên mà không hề tốn chút công sức nào của Đông Ngô cả. Thế là đã được hơn mười vạn tên, nay mai lại đem tên bắn lại quân Tào, chẳng tiện lắm ư?

Túc nói:

– Tiên sinh thực là thần thánh. Làm sao lại biết đêm nay có sương mù lớn thế?

Khổng Minh nói:

– Làm tướng mà không biết thiên văn, không tường địa lý, không biết được thuật pháp, không hiểu được âm dương, không tính trận đồ, không giỏi binh thế, đó là tướng xoàng. Từ ba hôm trước, ta đã tính biết hôm nay có sương mù lớn, nên mới dám nhận thời hạn ba hôm. Công Cẩn hạn cho ta mười ngày, mà thuyền thợ, đồ dùng không có gì đủ, chực đem một tội lỗi nhỏ để hại ta; nhưng số mệnh ta đã có trời, hại làm sao nổi!

Lỗ Túc chịu là giỏi.

Mấy lời ấy của Khổng Minh đã nói rõ ra một chân lý rằng, mọi chuyện trên đời đều là ý Trời, người ta hành sự phải thuận theo tự nhiên. Từ đó ngẫm ra mới thấy có rất nhiều chuyện trong đời nhìn qua tưởng phi lý, chẳng thể tin nổi mà lại cứ diễn ra, ắt là có huyền cơ ẩn bên trong, chính là có ý Trời sắp đặt, an bài. Nếu không có 10 vạn mũi tên lấy được từ quân Tào, Chu Du khó lòng dùng hỏa công mà thiêu rụi trại Tào trong một đêm. Nếu Tào Tháo tỉnh táo hơn một chút, sai quân dùng cung tên lửa mà bắn vào thuyền cỏ, kết cục có thể đã khác. Ấy thế mà mọi chuyện lại cứ diễn ra như là đã được lên kịch bản sẵn. Lịch sử đều là như vậy, đều là một vòng quay lặp lại, luân hồi và được an bài sẵn, tưởng cũng đáng để suy ngẫm lắm. 

Bài viết có tham khảo bản Tam Quốc diễn nghĩa của dịch giả Phan Kế Bính (hiệu đính: Bùi Kỷ)