Tô Thức tự là Tử Chiêm, còn có tên gọi khác là Tô Đông Pha, là đại thần nhà Bắc Tống. Từ trẻ, ông đã tài hoa hơn người, lần đầu tiên vào kinh đi thi đã đỗ Tiến sỹ. Ông hầu như tinh thông tất cả thể loại thơ ca, thư sách. Cũng vì thế, thời trẻ ông có ngại khí rất lớn. Trong dân gian còn lưu lại câu chuyện kể về một lần Tô Đông Pha đối mặt với cao nhân…

Mẹ của Tô Đông Pha, Trình Thị là một người phụ nữ có tri thức và hiểu lễ nghĩa. Bà giáo dục Tô Đông Pha rất nghiêm khắc, từ nhỏ đã cho ông học “Hậu Hán Thư”, dạy ông phải noi theo gương của các bậc tiên hiền, quyết chí lập công báo quốc. Bà còn để ông vào chùa Thiên Khách, nhận hòa thượng Trương Dị Giản làm thầy đọc sách viết chữ. Ngay từ khi còn nhỏ, Tô Đông Pha đã đọc qua rất nhiều sách vở của hàng trăm nhà tư tưởng về văn chương, lý luận, chính trị… Bởi thế, ông cứ ngỡ rằng mình đã đọc hết sách của thế gian, thường lấy làm tự phụ. 

Có một ngày nọ, ông tự tay viết một câu đối dán lên cửa nhà mình. Câu đối có hai vế: 

Thức biến thiên hạ tự
Độc tận nhân gian thư

Nghĩa là: Biết hết chữ trong thiên hạ. Đọc hết sách của nhân gian. 

Tô Đông Pha nhìn những câu đối dán trên cửa cảm thấy rất đắc ý. Vài ngày sau, có một ông lão đầu tóc bạc trắng đến thăm hỏi. Tô Đông Pha nhìn cách ăn mặc của ông liền cảm thấy đó không phải là người đọc sách, vì thế thái độ có chút cao ngạo, cũng không mời vào nhà ngồi, chỉ để cho ông đứng ở cửa nhà.

Ông lão chỉ vào câu đối trên cửa và nói: “Tướng công, câu đối này là do cậu viết phải không? Nếu phải, chắc hẳn cậu là người có học thức sâu rộng. Nhà tôi vừa hay có một quyển sách, muốn xin thỉnh giáo cậu một chút”.

Nói rồi, ông lão lấy ra một quyển sách đưa cho Tô Đông Pha. Cậu thanh niên lật từng trang sách, cảm thấy rất kinh ngạc. Cuốn sách đó là cổ văn thời nhà Tần, 10 chữ thì có đến 8, 9 chữ cậu không nhận ra. Tô Đông Pha cảm thấy vô cùng hổ thẹn, cúi đầu ngại ngùng, thỉnh mời ông lão vào nhà muốn nhận làm thầy. Nhưng ông lão nhất định chịu, chỉ cười lớn rồi rời đi.  

Tô Đông Pha liền sửa câu đối ban đầu của mình trở thành: 

Phát phấn tri biến thiên hạ tự
Lập chí độc tận nhân gian thư 

Về sau ông tiếp tục nỗ lực ở nhà học tập và thường xuyên ghé thăm những học giả nổi tiếng ở khắp nơi trong thiên hạ. Vài năm sau, học thức của ông đã tiến bộ lên rất nhiều. Năm 20 tuổi, ông vào kinh thi khoa bảng, viết bài luận về chính trị là: “Hình thưởng trung hậu chi chí luận” (luận về sự trung hậu rất mực trong phép thưởng phạt), khiến người khác vô cùng kính nể. Ông đỗ Tiến sỹ, tài danh nức tiếng, vang xa khắp nơi.

Tô Đông Pha, Vãn chiếu đường trúc trang họa truyền (ảnh: Wikiwand).

Một hôm, Tô Đông Pha đến vùng ngoại ô chơi tiết thanh minh, vừa hay khi đi dọc theo cánh đồng, ông gặp một người phụ nữ đang trồng lúa. Con đường này rất hẹp, chỉ đủ để một người đi qua. Hai người ngược chiều nhau đều nhất quyết không nhường đường. Tô Đông Pha ỷ vào chức danh Tiến sỹ triều đình, lại còn là tài tử có tiếng, liền yêu cầu người nông dân nhường đường.

Tô Đông Pha: “Hai người tranh đường, tất nhiên là kẻ vô danh nên nhường đường cho người có danh tiếng”. 

Người phụ nữ nông dân nói: “Ở đâu ra đạo lý đó thế! Tất nhiên là người tay không phải nhường cho kẻ đang gánh nặng rồi”.

Tô Đông Pha lại nói: “Hai người tranh đường, ở đâu ra người tay không và người gánh nặng, tất nhiên là phụ nữ phải nhường đàn ông rồi”. 

Người phụ nữ nông dân lại nói: “Lý lẽ gì thế! Cậu nói ông là tài tử Tô Đông Pha phải không? Vậy tôi xuất câu đối, nếu cậu đối đúng thì tôi sẽ nhường đường, không đối được thì phải nhường đường cho tôi”.

Tô Đông Pha đắc ý nói: “Nhanh ra câu đối đi”.

Người phụ nữ nông dân nói: “Nhất đam trọng nê lan tử lộ” (nghĩa là: Gánh nặng trên con đường bùn đất bị chặn đường).

Tô Đông Pha vô cùng bất ngờ khi nghe vế câu đối của người phụ nữ nông dân, câu đối dùng ngay cảnh trước mắt, mà “trọng nê” có phát âm giống với Khổng Tử (Khổng Tử tự là Trọng Ni). Tử Lộ là học trò của Khổng Tử. Hai người nổi tiếng được sắp xếp một cách rất hợp lý và tự nhiên trên câu đối. Tô Đông Pha trầm lặng một lúc lâu, không nghĩ được ra vế đối.

Không lâu sau, có hai người nông dân khác cũng đi đến phía đối diện của Tô Đông Pha, họ nhìn thấy vẻ mặt bối rối của Tô Đông Pha, liền cười thành tiếng ha ha. Đông Pha nhìn hai người, đột nhiên đầu óc trở nên nhạy bén, đáp ra câu đối: “Lưỡng hành phu tử tiếu nhan hồi” (Hai người đàn ông đi đến nét mặt tươi cười). Câu đối này cũng diễn tả cảnh vật trước mắt, mà “Phu tử” cũng là tên người ta dùng để gọi Khổng Tử một cách kính trọng, Nhan Hồi cũng là học trò của Khổng Tử. 

Người phụ nữ nông dân nghe câu đối liền cười rồi nói: “Đối hay lắm! Không hổ danh là tài tử Tô Đông Pha, vậy tôi nhường đường cho cậu”. Nhưng lúc này, Tô Đông Pha không đi trước mà nói với người phụ nữ nông dân: “Xin hỏi tôn giá cao tính đại danh, Tô Đông Pha muốn bái người làm thầy”. 

Người phụ nữ nông dân nghe xong liền nói: “Tôi chỉ đọc qua vài năm đèn sách, chỉ học được một chút ít, sao có thể làm thầy của tài tử được”. Nói xong liền tiếp tục công việc cấy lúa của mình.

Lần gặp gỡ này khiến Tô Đông Pha cảm nhận sâu sắc rằng bể học là vô biên. Vì vậy ông ấy càng chăm chỉ đọc sách, không quản ngại ngày đêm, cuối cùng trở thành chuyên gia quốc học, tinh thông thơ, từ, thư, lưu danh thiên cổ. 

Ngọc Linh
Theo Forhuaren

Video: Tại sao chúng ta lại tức giận?

videoinfo__video3.dkn.tv||0388e73f9__

Từ Khóa: