Hầu hết trẻ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 ở nước ta cũng có mối liên hệ với chứng thừa cân, béo phì… bởi lối sống thiếu cân bằng và thói quen ăn uống thiếu điều độ gây nên.

Kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Dinh dưỡng Quốc gia vào tháng 7/2019 cho biết, có khoảng 42% học sinh tiểu học, 30% học sinh cấp 2 và 13,5% học sinh cấp 3 ở thành thị bị thừa cân, béo phì. Ở khu vực nông thôn, tỷ lệ này lần lượt là 18%, 11% và 6%.

Theo Sức Khoẻ Đời Sống, bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) ở trẻ em ngày càng có xu hướng gia tăng, rất khó điều trị vì trẻ em luôn rất cần nhiều dinh dưỡng để phát triển. Bên cạnh đó, tình trạng trẻ mắc ĐTĐ týp 2 cũng đã xuất hiện và ngày càng tăng, nguyên nhân là do thói quen ăn uống và lối sống thiếu lành mạnh.

ĐTĐ là một trong những bệnh mãn tính có thể gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ em tới người già. Đây là bệnh rất thường gặp, lại khó khống chế, nhất là ở trẻ em, vì từ trước đến nay hầu hết mọi người đều nghĩ rằng chỉ có người lớn mới mắc bệnh nhưng trên thực tế thì có rất nhiều trẻ mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Bệnh ĐTĐ ở trẻ em thuộc nhóm phụ thuộc insulin (type 2), xảy ra do tuyến tụy không có khả năng sản xuất đủ lượng insulin cần thiết để hấp thu và sử dụng đường làm năng lượng nuôi cơ thể, là bệnh thường gặp ở trẻ em, chiếm 90 – 95% là trẻ dưới 16 tuổi. ĐTĐ ở trẻ em là bệnh giống như bệnh miễn dịch vì hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tấn công vào mô hoặc những tổ chức tế bào của cơ thể trong đó có insulin ở tuyến tuỵ bị tấn công và phá hủy.

Hiện nay, bệnh ĐTĐ ở trẻ tuy không phổ biến nhưng có rất nhiều thay đổi theo chiều hướng gia tăng về số lượng. Trong 30 năm qua số lượng các trường hợp mắc bệnh ĐTĐ ở trẻ đã tăng gấp 3 lần. Và các nước châu Âu, châu Mỹ cũng đã phát hiện ĐTĐ týp 2 mà nguyên nhân có thể là do xu hướng gia tăng trẻ béo phì trong xã hội.

Theo Vietnamnet, mới đây, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhi 13 tuổi đến khám và điều trị áp xe gan do điều trị tuyến dưới không thuyên giảm. Khi xét nghiệm đường huyết, bác sĩ phát hiện chỉ số cao vọt với chẩn đoán mắc đái tháo đường type 2 nhưng trước đó không hề hay biết.

Trường hợp khác là nam sinh 16 tuổi, ở Hà Nội cũng đang phải điều trị tại khoa Nội tiết – Đái tháo đường do đường huyết quá cao. Gia đình cho biết từ nhỏ, bệnh nhi đã ăn tốt, ngủ tốt nên béo phì, hiện cân nặng lên tới 88 kg.

Bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 2. Trước đó, em đã điều trị theo đơn, gia đình cũng chú ý chuẩn bị cơm cho con tới trường. Tuy nhiên, sau khi chơi thể thao, cháu đói quá không chịu được nên lại tiếp tục mua đồ ăn nên cân nặng tăng dần đều, khó kiểm soát đường huyết.

Trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) điều trị tiểu đường type 2 cho bé gái Nguyễn Thị Thu H., mới 13 tuổi. Từ nhỏ, bé gái đã thích uống nước ngọt, uống đều đặn hàng ngày nên lớn lên, cân nặng tăng nhanh ở mức béo phì.

Khi đến bệnh viện khám, chỉ số glucose trong máu của bệnh nhi lên tới 11 mmol/lít, trong khi ở mức 6,5 đã được chẩn đoán mắc tiểu đường.

Đến nay, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất được phát hiện mắc tiểu đường type 2 là một bé trai mới 9 tuổi, ở Hà Nội. Cháu bé có kèm theo tình trạng thừa cân, béo phì, chỉ số đường huyết trong máu lên tới gần 15 mmol/lít.

Hiện, Việt Nam được xếp nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới, với trên 3,35 triệu bệnh nhân.

Tuy nhiên, đây chỉ là những con số bề nổi, theo ước tính vẫn còn 63% bệnh nhân tiểu đường chưa được chẩn đoán trong cộng đồng. Thậm chí, ngay những bệnh nhân được chẩn đoán bệnh, chỉ có 30% tuân thủ phác đồ điều trị, gây ra gánh nặng rất lớn cho gia đình, xã hội.

Nhân ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (14/11) năm nay với chủ đề “Đái tháo đường – mối bận tâm của mọi gia đình”, TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ trên báo Thương Trường, trẻ hóa bệnh nhân mắc đái tháo đường đang là vấn đề đáng lo ngại do thời gian gần đây, tỷ lệ trẻ béo phì gia tăng. Thậm chí, có trẻ 14, 15 tuổi đã mắc đái tháo đường.

TS. Nguyễn Quang Bảy (ảnh: Vietnamnet).

TS.BS Nguyễn Quang Bảy cũng cho biết, việc điều trị nhóm bệnh nhân này khó khăn hơn người lớn tuổi vì các thuốc uống hạ đường huyết thường ít được nghiên cứu ở trẻ em và trẻ thường tuân thủ điều trị kém, duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt không thể giống như người lớn. Có bệnh nhân 16 tuổi, bị đái tháo đường, cao 1m83, nặng 88 kg, vào viện vì đường máu quá cao. Sau khi điều trị, cân nặng vẫn tăng do chế độ ăn không đảm bảo, đi học thường xuyên ăn thêm.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy chia sẻ: “Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy đái tháo đường ở người trẻ, biến chứng sẽ tiến triển nặng hơn, thời gian dẫn đến biến chứng sớm hơn và tỷ lệ có biến chứng nhiều hơn so với đái tháo đường ở người lớn tuổi. Do đó, để phòng tránh đái tháo đường cho con trẻ, bố mẹ cần kiểm soát chế độ ăn và cân nặng cho trẻ. Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) cho biết, 50% bệnh nhân đái tháo đường, và 90% bệnh nhân đái tháo đường type 2 là có thể phòng ngừa được bằng thay đổi lối sống, tăng cường vận động, kiểm soát cân nặng và chế độ ăn”.

Những biểu hiện trẻ mắc bệnh ĐTĐ

Trẻ em mắc bệnh ĐTĐ có thể xuất hiện 1 hoặc 2 trong 4 dấu hiệu điển hình và trong một số trường hợp không có biểu hiện gì. Hơn nữa, vì ĐTĐ ít gặp ở trẻ em nên rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh thông thường khác khi có một số biểu hiện tương tự. Do đó, cần phải lưu ý đến những biểu hiện này để đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời.

Những biểu hiện ở trẻ em cũng tương tự như người lớn và chúng xuất hiện trong một vài tuần như:

– Khát nước: Trẻ uống nhiều nước hơn bình thường và không có cảm giác dịu cơn khát.

– Mệt mỏi: Trẻ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi kéo dài.

– Giảm cân: Trẻ sút cân nhanh không rõ nguyên nhân.

– Thường xuyên đi tiểu: Trẻ lớn sử dụng nhà vệ sinh thường xuyên; đối với trẻ nhỏ thường xuyên đái dầm; ở trẻ sơ sinh có thể thấy bỉm nặng hơn bình thường.

– Đau bụng.

– Đau đầu.

– Có hành vi cư xử khác thường.

ĐTĐ ở trẻ em nếu không kiểm soát tốt đường huyết sẽ rất khó khăn trong điều trị bởi vì không tầm soát được biến chứng.