Câu chuyện tình của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài là cảm hứng sáng tác cho rất nhiều tác phẩm nghệ thuật. Một trong số đó là bản tấu khúc khá nổi tiếng, bản concerto violin “The Butterfly Lovers” – một kinh điển trong lịch sử âm nhạc Trung Hoa và là một tác phẩm được chơi trong các buổi biểu diễn quốc tế nhằm giới thiệu khán giả đến với âm nhạc Trung Hoa.

Concerto Violin của Butterfly Lovers được viết bởi hai nhà soạn nhạc Trung Hoa, ông Hà Chiếm Hào và Trần Cương khi họ là sinh viên của Nhạc viện Thượng Hải.

Bản Concerto Violin của Butterfly Lover cùng với bản concerto Sông Hoàng Hà là một trong những bản giao hưởng nổi tiếng nhất của âm nhạc Trung Quốc. Nó là một chuyển thể của một huyền thoại cổ xưa về câu chuyện tình Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài.

Bản nhạc được viết cho dàn nhạc phương Tây với solo violin được chơi bằng một số kĩ thuật trung Quốc.

Bản nhạc sử dụng kĩ thuật 5 note truyền thống và nhiều giai điệu Trung Quốc, cấu trúc hợp âm tạo lên âm thanh rất đặc trưng của âm nhạc Trung Quốc

Sự kết hợp âm thanh của những nhạc cụ truyền thống như: Tì bà, nhị hồ, sáo… trong dàn nhạc giao hưởng đã tạo lên sức hấp dẫn của bản tấu khúc nổi tiếng này.

(Ảnh: DienAnh.Net)

Cuộc tình đẹp như mộng của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài qua ngôn ngữ âm thanh

Mở đầu nhạc khúc là tiếng sáo rộn vang như tiếng chim mang theo giai điệu vui tươi. Người nghe như đang mường tượng ra tiếng chim ríu rít với những đóa hoa xuân, phong cảnh xuân tươi đẹp, hoa thơm, chim hót. Phong cảnh mỹ lệ tuyệt vời khi tiếng kèn Oboe hòa mình đầy tình tự.

Tiếng Violin được ví như lời thủ thỉ của nàng Chúc Anh Đài xinh đẹp thì âm thanh cất lên từ cello lại là lời nói trầm ấm êm đềm của Lương Sơn Bá.

Âm thanh của violin tấu khúc mang theo ý thơ tình ái của Anh Đài. Lời yêu thương ngọt ngào mang theo dáng vẻ e ấp của thiếu nữ như cố che đi tấm lòng rộng mở đón nhận tình yêu dịu dàng, chất phác đôn hậu của tiếng đàn Cello- Sơn Bá.

Đoạn nhạc là bản tình ca ấm áp mang theo sự chân thành, thuần khiết trong sáng. Họ trao cho nhau tâm tình ngọt ngào đầy sâu sắc.

Giai điệu và tiết tấu mang theo hơi thở của sự tư do bay nhảy của đôi trai gái. Tiết tấu trong sáng. Nhiều chỗ vận dụng phương thức diễn tấu nhảy âm, khiến giai điệu hoạt bát sinh động . Tái hiện lại những dấu ấn kỉ niệm vui vẻ tinh nghịch khi Anh Đài giả trai để được đi học. Họ có những quãng thời gian cùng học, cùng chơi, vui vẻ sinh hoạt. Sự vô tư và trong sáng được thể hiện qua từng nốt nhạc.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Bản diễn tấu chuyển thành bản chậm lần thứ hai xuất hiện tiếng violin cùng đàn cello tình ý phối hợp với nhau, người nghe dễ dàng cảm nhận những âm điệu đứt quãng như tiếng lòng ngập ngừng muốn nói Anh Đài là phận nữ. Sự mâu thuẫn giằng xé nội tâm Anh Đài và nỗi lòng lưu luyến với tình cảm chẳng muốn dời xa mà Sơn Bá đang cất giấu trong lòng.

Sự mâu thuẫn giằng xé nội tâm Anh Đài và nỗi lòng lưu luyến với tình cảm chẳng muốn dời xa mà Sơn Bá đang cất giấu trong lòng. (Ảnh: AFamily)

Yêu thương, hạnh phúc êm đềm chẳng được bao lâu thì bi kịch sớm vội gõ cửa lâu đài tình ái Lương Chúc

Âm thanh của ống đồng cất lên, tiết tấu giai điệu âm u, khiến người nghe như thấy Anh Đài ủ dột khóc nức nở tới hoa cũng héo ủ rũ khi nghe tin phải kết hôn với Mã Văn Tài mà không phải người mà nàng yêu thương.

Tiếng Violin độc tấu như nói lên nỗi lòng và sự phản kháng cự tuyệt của Anh Đài. Tiếng đàn như tiếng lòng thống khổ, sự tang thương cho cuộc tình dang dở. Lời yêu thương chưa cất lên trọn vẹn. Hẹn ước kia chưa được ngỏ thì đã vội vã chia xa bởi chính những định kiến ép buộc đầy đau thương.

Âm thanh của violin như không thể át đi được tiếng của ống đồng, vốn được mệnh danh đại biểu cho tiếng nói của những tập tục cổ xưa thời đó. Sự lẻ loi yếu ớt như sự phản kháng cho tình yêu của Anh Đài là quá ư nhỏ bé.

Tiếng violin cứ chậm chãi buông theo như nỗi đau khổ triền miên của Anh Đài, mối lương duyên gặp gỡ rồi giờ đây trăm mối tơ vò, cảm xúc ngổn ngang như muốn kiếm tìm, cầu cứu cho cuộc tình vô định.

Anh Đài khóc than nức nở khi chẳng thế xoay chuyển được duyên phận, tiếng khóc ấy như bất lực mà tột cùng của tuyệt vọng. Âm thanh réo rắt của tiếng violin càng làm người nghe quặn thắt cùng tiếng than thở của Anh Đài.

Oán thán, trách móc rồi lại thương cho thân phận của chính mình là những cảm xúc mang theo của tiếng violin.

Bản diễn tấu thay đổi nhịp điệu và tới khi violin độc tấu cùng đội nhạc hòa tấu nhanh hơn, luân phiên nhau cũng chính là lúc cao trào đỉnh điểm của nhạc khúc, chính là đoạn Anh Đài thả mình xuống ngôi mộ Sơn Bá.

Tiếng sáo thổi với giai điệu êm đềm nhu hòa cùng với tiếng đàn hạc diễn tấu hài hòa tôn xưng nhau giống như cảnh tượng đôi bướm quấn quýt dập dìu đôi cánh nhỏ. Một bức tranh hiện ra trước mắt người ta là cảnh ” Hóa Điệp” đẹp thơ mộng.

Yêu thương, hạnh phúc êm đềm chẳng được bao lâu thì bi kịch sớm vội gõ cửa lâu đài tình ái Lương Chúc. (Ảnh: Youtube.com)

Tới lúc này violin lại độc tấu lần nữa để nói lên cảm giác vui sướng hạnh phúc khi họ được chết bên nhau, được làm đôi bướm ở trong cùng khóm hoa, được tung cánh bay lượn tự do không ràng buộc.

Có thể nói rằng tấu khúc violon bản concerto là bản hòa âm rất tuyệt vời của những thủ pháp nghệ thuật biểu diễn. Bản nhạc truyền tải đầy đủ nội dung của câu chuyện thiên tình sử Lương Sơn Bá- Chúc Anh Đài. Đây được đánh giá là một sự sáng tạo đặc sắc trong sự kết hợp nhạc cụ nhưng cái hồn của bản nhạc chính là những giai điệu âm hưởng truyền thống đậm chất Trung Hoa.

Bản nhạc gợi cho ta về câu chuyện tình yêu đầy trong sáng thơ mộng, nhưng đó cũng chính những thăng trầm trong diễn biến mà cuối cùng lại là tấn bi kịch. Nếu như con người khao khát được tự do trong yêu đương, mong muốn có được cuộc sống tốt đẹp và theo đuổi đến cùng mục đích đó mà không hiểu mối quan hệ nhân duyên hay luật nhân quả thì phải chăng chính ta đang chuốc lấy đau khổ phiền lụy.

Nhân sinh như mộng,thức tỉnh hay mê là cách mà con người lựa chọn cho mình cuộc sống vui hay buồn, tự do hạnh phúc hay cơ cực khổ đau. Biết nắm và biết buông để thuận theo duyên phận phải chăng đó là cách để tâm hồn được thanh thản nhẹ nhàng.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Tịnh Tâm