Bạn không thể nhìn thấy nó bằng mắt thường, nhưng có khả năng chiếc smartphone của bạn chứa đầy vi khuẩn bên trên, theo Popular Science.

Bên cạnh những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn của một chiếc điện thoại bẩn, việc tích tụ bụi bẩn trong các cổng cắm sạc/tai nghe hoặc xung quanh các nút bấm, có thể tác động đến các chức năng bình thường của smartphone.

Ngoài ra còn phải kể đến sự khó chịu thuần túy khi phải nhìn vào một màn hình bám đầy dấu vân tay và các vết bẩn khác trong quá trình sử dụng smartphone hàng ngày. Nói tóm lại, có rất nhiều lý do để vệ sinh chiếc điện thoại của mình, hàng ngày hoặc thường xuyên.

Điện thoại của bạn rất bẩn. Hãy học cách vệ sinh đúng cách!
Có thể sử dụng một số vật dụng xung quanh, bao gồm giấy ăn, cồn, và bông tăm .

Bước đầu tiên là tắt nguồn điện thoại và loại bỏ các phụ kiện gắn vào máy, cho dù đó là cáp sạc hay tai nghe. Cũng cần bỏ ốp lưng, bởi chỉ khi đó ta mới có thể tiếp cận tất cả các mặt của điện thoại.

Tiếp theo, bạn cần một miếng vải mềm, không có xơ vải để tránh trường hợp xơ vải bám vào máy. Theo Apple , một miếng vải chùi ống kính có thể là một lựa chọn tốt, nhưng bất cứ thứ gì tương tự đều được, chỉ cần không làm trầy xước hoặc làm hỏng điện thoại (VD: một miếng vải microfiber ).

Bôi ẩm miếng vải bằng nước, sau đó lau phần mặt trước và mặt sau của điện thoại theo hình vòng tròn thay vì lau dọc hoặc lau ngang, bởi như vậy sẽ dễ dàng loại bỏ bụi bẩn tích tụ hơn. Giữ một đầu miếng vải khô ráo hoặc chuẩn bị sẵn một miếng vải khô để lau khô máy sau khi đã vệ sinh xong. Thao tác này đặc biệt quan trọng tại các vị trí gần cổng sạc/tai nghe và nút bấm, bởi nước ẩm có thể ảnh hưởng đến chức năng bình thường trên điện thoại.

Nếu điện thoại được xếp hạng IP68, tức đạt chỉ tiêu chống thấm nước thấm bụi tốt nhất (hãy kiểm tra thông số cấu hình nếu không chắc chắn), thì có thể nhúng rửa điện thoại trong một bát nước sạch trong một hoặc hai phút. Sau đó, lau khô máy bằng vải.

Điện thoại của bạn rất bẩn. Hãy học cách vệ sinh đúng cách!
Dùng miếng vải microfiber thay vì vải có xơ khi lau, để tránh xơ vải bám vào điện thoại.

Với các vết bám bẩn ngoan cố, hãy dùng khăn mặt hoặc khăn ướt em bé (baby wipes), cùng một ít xà bông rửa tay gia dụng. Cũng có thể sử dụng khăn lau nhưng đừng lạm dụng.

Một số chuyên gia cũng khuyên cáo nên dùng dung dịch cồn isopropyl (với nồng độ 60-70%) và nước theo tỷ lệ 50-50. Xịt dung dịch này lên miếng vải lau thay vì bôi trực tiếp lên điện thoại. Chỉ cần lưu ý sử dụng những chất này với số lượng nhỏ và tránh các hóa chất mạnh thì sẽ không làm hỏng thiết bị.

Để lau sạch bụi ra khỏi các cổng tai nghe/sạc, hãy dùng miệng thổi kết hợp dùng đầu tăm tăm bông nhỏ. Nhưng lưu ý tránh thổi mạnh (hoặc dùng máy sấy), vì áp suất mạnh có thể tác động đến các linh kiện bên trong.

Nếu sau một thời gian sử dụng máy không sạc nhanh như trước, thì nguyên nhân có thể là do cổng sạc tích tụ quá nhiều bụi. Nếu vậy, có thể dùng miếng vải microfiber để lau sạch bụi bẩn tích tụ, hoặc quấn một đầu của nó quanh một một que tăm (hoặc thứ gì đó mỏng và nhỏ tương tự) để làm điều này.

Điện thoại của bạn rất bẩn. Hãy học cách vệ sinh đúng cách!
Dùng bông tăm để lau sạch bụi bẩn tích tụ trong các cổng sạc/tai nghe, loa ngoài và tất cả các ngóc ngách trên viền màn hình của máy.

Trên là một số mẹo chung, nhưng người dùng nên tìm kiếm trên mạng các hướng dẫn vệ sinh cụ thể của nhà sản xuất cho điện thoại của mình (nếu có). Bởi nhà sản xuất có thể bao hàm một số mẹo cụ thể không được áp dụng rộng rãi, hoặc một số cảnh báo nhất định về những việc không nên làm.

Khi quá trình làm sạch kết thúc, hãy để điện thoại ở một chỗ để hong thật khô trước khi gắn lại vỏ và các phụ kiện. Đặt điện thoại trên một chiếc khăn giấy là một cách tốt để hút ẩm.

(Ảnh: David Nield/Business Insider)