(Đệ Tử Quy)

“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.

Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.

Phàm là người

Diễn giải

Giữa người với người nên tương thân tương ái, giống như trời vô tư che phủ hết thảy, như đất lớn nâng đỡ nuôi dưỡng vạn vật.

Người có phẩm hạnh cao thượng thì tự nhiên thanh danh sẽ truyền đi rất xa. Mọi người đều kính trọng họ là bởi họ có phẩm hạnh tốt chứ không phải họ có dáng vẻ bề ngoài đẹp hay trang phục hoa lệ.

Người có tài hoa thì danh tiếng cũng nhất định sẽ lớn. Mọi người khâm phục họ bởi vì họ có năng lực tốt chứ không phải dựa vào ăn to nói lớn, khoe khoang tâng bốc bản thân để được mọi người ca ngợi.

Câu chuyện tham khảo:

Con người không thể đánh giá qua dáng vẻ bề ngoài

Khổng Tử và các học trò. (Ảnh minh hoạ qua: kknews.com)

Thời Xuân Thu, Khổng Tử có 3.000 đệ tử, trong đó có một người tên là Tử Vũ. Tử Vũ dung mạo xấu xí. Lần đầu tiên anh đến bái kiến Khổng Tử, ấn tượng của Khổng Tử đối với anh không được tốt lắm. Khổng Tử thấy anh có dáng vẻ ngu dốt, lời nói hành vi chậm chạp vụng về thì trong lòng thầm nghĩ rằng: cậu học trò này có lẽ chẳng khá lên được.

Khổng Tử khi đó có một học trò khác tên là Tể Dư. Tể Dư tướng mạo đường đường, nho nhã lễ phép, lại giỏi ăn nói. Lần đầu tiên Khổng Tử trò chuyện với Tể Dư liền đánh giá cao cậu học trò này, cho rằng Tể Dư sau này nhất định sẽ có thành tựu, là một nhân tài hiếm có.

Nhưng kết quả lại không như Khổng Tử dự liệu. Tử Vũ rất hứng thú say mê cầu học vấn, đồng thời rất thích suy nghĩ, hăng hái nỗ lực, siêng năng không mệt mỏi, cuối cùng đã trở thành một học giả nổi tiếng. Sau này còn có rất nhiều thanh niên đến xin ông thỉnh giáo, bái ông làm thầy.

Hai học trò của Khổng Tử là Tử Vũ và Tể Dư khác nhau rất nhiều. (Ảnh minh hoạ qua: blog sina)

Chân dung Khổng Tử. (Ảnh minh hoạ qua: sohu.com)

Còn Tể Dư lại rất lười biếng, cũng không hiếu học. Tuy Khổng Tử nỗ lực dạy bảo anh nhưng thành tích của anh vẫn y như cũ, không có chút tiến bộ nào. Khổng Tử khuyên bảo năm lần bảy lượt nhưng Tể Dư vẫn chẳng động tâm. Khổng Tử tức giận ví anh như khúc gỗ mục vô dụng rằng: “Gỗ mục chẳng thể đục đẽo được” (nguyên văn: “Hủ mộc bất khả điêu dã”).

Chân dung Khổng Tử. (Ảnh minh hoạ qua: sohu.com)

Phán đoán ban đầu của Khổng Tử về dung mạo, lời nói của hai đệ tử này hoàn toàn trái ngược với tài năng thực tế, vì vậy ông cảm thán rằng: “Đánh giá một người qua dung mạo ư? Sẽ sai lầm giống như phán đoán Tử Vũ đó. Đánh giá một người qua ăn nói ư? Sẽ sai lầm giống như phán đoán Tể Dư đó” (nguyên văn: “Dĩ dung thủ nhân hồ? Thất chi Tử Vũ. Dĩ ngôn thủ nhân hồ? Thất chi Tể Dư”).

Phụ chú

1. Nguyên văn Đệ tử quy

凡 是 人 皆 須 愛
天 同 覆 地 同 載
行 高 者 名 自 高
人 所 重 非 貌 高
才 大 者 望 自 大 
人 所 服 非 言 大

2. Âm Hán Việt

Phàm thị nhân, giai tu ái
Thiên đồng phúc, địa đồng tái
Hạnh cao giả, danh tự cao
Nhân sở trọng, phi mạo cao
Tài đại giả, vọng tự đại
Nhân sở phục, phi ngôn đại.

3. Pinyin Hán ngữ

Fán shì rén,jiē xū ài
Tiān tóng fù,dì tóng zài
Xìng gāo zhě,míng zì gāo
Rén suǒ zhòng,fēi mào gāo
Cái dà zhě,wàng zì dà
Rén suǒ fú,fēi yán dà.

4. Chú thích:

– Phúc: che phủ.
– Tái: chở, nâng đỡ.
– Hạnh cao: phẩm đức cao thượng. Hạnh nghĩa là đức hạnh.
– Danh: thanh danh, danh tiếng.
– Trọng: kính trọng.
– Mạo cao: vẻ bề ngoài hơn người. Mạo nghĩa là dung mạo, dáng vẻ bề ngoài.
– Tài đại giả: người có tài hoa lớn.
– Vọng: danh vọng, danh tiếng.
– Phục: khâm phục.
– Ngôn đại: nói bốc đồng, khoa trương.

Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch