Bằng tấm lòng yêu thương vô bờ bến, cô giáo Đinh Thị Thủy đã ‘vá’ tâm hồn cho nhiều trẻ em mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, theo Dân Trí.

Nằm trong khuôn viên Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số 2 (xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội), lớp học dành cho trẻ em nhiễm HIV bị cha mẹ bỏ rơi ngày ngày vang tiếng đọc bài. Trong lớp học, cô giáo Đinh Thị Thủy đang miệt mài cầm tay nắn từng nét chữ, chỉnh từng giọng đọc cho các em.

Đã 14 năm kể từ lần đầu tiên đảm nhận công việc dạy học cho những trẻ em thiệt thòi này, cô Thuỷ giờ đây đã vượt qua được nỗi sợ hãi của những ngày đầu mới nhận lớp. 

Cô kể, ban đầu cô cũng rất hoang mang sợ rằng mình sẽ không làm được công việc này, nhất là sợ mình sẽ bị lây bệnh khi dạy các em. Có lúc học trò bị ốm, bị chảy máu nhiều hoặc nôn trớ bắn hết vào quần áo, cô lấy giấy ăn lau và thấm cho các con nhưng trong lòng cứ thấp thỏm lo sợ. Sau đó cô đều phải vội vàng đi rửa tay xà phòng cho sạch. Mãi đến khi được các bác sĩ ở Trung tâm dạy cách phòng tránh và chăm sóc các bé khi thay đổi thời tiết, cô mới tự tin mình gắn bó với nghề.

Vượt qua được nỗi sợ hãi của bản thân, cô Thuỷ lại gặp phải sự phản đối gay gắt của gia đình. Có những lúc nản chí cô cũng muốn bỏ cuộc nhưng những ánh mắt ngây thơ của con trẻ đã níu lòng cô lại. Cô Thuỷ cho biết trên báo Dân Trí: “Tôi kiên trì thuyết phục các thành viên trong gia đình. Bây giờ tôi không thấy lo lắng, hoảng sợ nữa, và những người thân yêu của tôi còn cùng tôi mang niềm vui và hạnh phúc đến cho các con”.

Cô Thủy nắn từng chữ cho học sinh (ảnh: Dân Trí).

Cũng chính bởi thiếu thốn tình cảm của cha mẹ nên những đứa trẻ ở đây đều xem cô như mẹ. Chúng luôn gọi cô bằng “mẹ Thủy”. Ngoài giờ học, chúng cứ tíu tít, sà vào lòng mẹ. Đứa thì hôn tay, đứa thì sà vào lòng rồi xuýt xoa khen: “Mẹ của con thơm quá”. Mỗi lần như thế, cô lại vuốt ve, chải lại mái tóc đang rối, buộc và tết tóc cho các con.

Kể về những đứa trẻ nơi đây, cô Đinh Thị Thủy cho biết, trong các nội dung bài học, cô bối rối nhất là khi giảng về gia đình. Nhắc đến hai chữ “gia đình”, có em nói “con không có gia đình”, có em lại nói “con bị bỏ rơi”. Những lúc như thế, cô Thủy lại an ủi học sinh rằng: “Ai cũng có gia đình các con ạ, nhưng vì không may bệnh tật cướp đi người thân của các con. Các con cũng có bố, có mẹ sinh ra, cũng có ông, có bà. Bây giờ bố mẹ con mất vì bệnh tật, ông bà gửi con tại Trung tâm. Gia đình, bố mẹ của các con chính là các cô, các bà trong Trung tâm”.

Thấy cô nói như vậy, các con tranh nhau kể nhà có 3 mẹ, con thì khoe có 7 mẹ. Đó là các cán bộ y tế phát thuốc, là các cô, chú cai nghiện ma túy trong trại. Cô nghe mà lặng người.

Cô Thuỷ kiên nhẫn dạy trò đọc từng từ (ảnh: Dân Trí).

Ông Phùng Hải Nam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Bài B cho biết trên Tin Tức TTXVN, các học sinh trong lớp học này vẫn thuộc sự quản lý của nhà trường. Các em được đối xử như những học sinh khác trong trường, chỉ khác về địa điểm học. Vào ngày lễ hoặc các hoạt động chung của nhà trường, học sinh ở trung tâm được giáo viên đưa ra điểm trường chính để tham gia cùng các bạn.

Ông Nam cho biết thêm: “Cô Thủy là người đầu tiên nhận lớp, sau này có thêm giáo viên khác vì các cháu đông hơn. Những người giáo viên này được cán bộ Trung tâm và người dân trong vùng gọi là người “vá” tâm hồn cho trẻ có H. Sự kỳ thị, xa lánh của người dân cũng không còn nữa. Các hoạt động dã ngoại, tham quan, giao lưu có sự tham gia của các em cũng nhận được sự đồng tình của mọi người”.

Nhìn những đứa trẻ khôn lớn trưởng thành chính là sự động viên đối với cô Thuỷ (ảnh: Thanh Tùng/TTXVN).

Để vơi bớt sự thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm gia đình ở những đứa trẻ này, cứ dịp Tết hay hè đến, cô Thủy lại xin Trung tâm cho những đứa trẻ có “H” về nhà cô chơi để chúng cảm nhận phần nào không khí gia đình. Chứng kiến sự hồn nhiên của lũ trẻ, chồng cô đã xiêu lòng, động viên cô cố gắng hơn. Đó cũng chính là nguồn động viên vô cùng lớn luôn sát cánh bên cô suốt nhiều năm qua.

Nhiều đứa trẻ học ở lớp học đặc biệt này đã trưởng thành. Có em đã đi làm, có em đang học đại học… Nhưng mỗi lần trở về thăm lại ngôi nhà xưa, chúng đều tìm đến cô. Nhiều em vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm hoặc xin lời khuyên của cô Thủy mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

Dạy học sinh khuyết tật đã khó mà dạy những em không may mắc căn bệnh thế kỷ, bị mọi người đều xa lánh thì cần nghị lực và tình yêu lớn đến thế nào mới làm được điều đó! Cảm ơn cô Thuỷ và những giáo viên tại Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số 2 đã “vá tâm hồn cho những trẻ nhiễm H”…

Video xem thêm: Báo cáo điều tra: Trung Quốc hưởng lợi từ lao động cưỡng bức ở Tân Cương

videoinfo__video3.dkn.tv||c242fd940__