Ngày nay, vì muốn con học giỏi mà nhiều bậc phụ huynh phải “hao tổn tâm trí” tìm thầy dạy thêm cho trẻ. Dù tốn nhiều tiền bạc và thời gian nhưng kết quả học tập thường không cải thiện nhiều, hơn nữa còn khiến các bé mệt mỏi, căng thẳng. Bài viết dưới đây xin nêu ra 4 cách học không làm mất niềm vui học tập của con trẻ để các bậc cha mẹ tham khảo.

Trên thực tế, mỗi người sẽ có những cách học tập phù hợp khác nhau. Ví dụ như, đối với cùng một tri thức thì có người yêu thích có người không, góc độ nhìn nhận của bản thân cũng mỗi người một khác. Vậy nên, rất khó để tìm kiếm một cách học phù hợp nhất cho tất cả mọi người. Vậy nên, cha mẹ cần quan sát trạng thái học tập của con để tìm ra cách giúp trẻ tiếp thu kiến thức tốt nhất.

Cho dù là hoàn cảnh bên ngoài, năng lực nhận thức hay cảm xúc cá nhân,… tất cả chúng đều là những yếu tố tác động đến cách học tập phù hợp với trẻ. Do vậy, tìm được phương pháp học tập phù hợp sẽ giúp trẻ phát huy điểm mạnh, củng cố sự tự tin của các bé cũng như hình thành thói quen học tập tích cực cho chúng. Lúc này, trẻ sẽ chủ động học tập và cha mẹ không còn cần phải thúc giục các con làm bài tập về nhà nữa.

Ảnh: Kay-english.

Có nhiều cách khác nhau để phân loại các phương pháp học, trong bài viết này, ĐKN xin giới thiệu đến quý phụ huynh mô hình giáo dục VARK của Neil Fleming (Đại học Lincoln University, New Zealand), được yêu thích và phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới. Ông phân loại phóng cách học tập thành 4 nhóm như sau:

1. Visual – học theo cách học hình ảnh:

Đây là cách tiếp thu kiến thức thông qua nhận biết hình ảnh, biểu đồ, tài liệu minh họa, video… Để biết trẻ có phù hợp với cách học này hay không, hãy trả lời các câu hỏi dưới đây.

  • Bạn có phải xem thông tin để ghi nhớ nó?
  • Bạn có chú ý đến ngôn ngữ cơ thể?
  • Nghệ thuật và thẩm mỹ có quan trọng đối với bạn?
  • Hình dung thông tin trong tâm trí có giúp bạn nhớ nó tốt hơn?

Đối với trẻ thích học cùng hình ảnh, chúng thường rất giỏi nhận xét sự việc bằng mắt. Chúng có khả năng quan sát rất tốt. Ví dụ nhìn ra các màu sắc, đặc điểm khác biệt chỉ trong thời gian ngắn. Do vậy chúng thường thích các trò chơi như xếp hình, làm mô hình, nặn đồ vật bằng đất sét. 

2. Auditory – học theo cách học âm thanh:

Người học sẽ tiếp nhận kiến thức tốt hơn thông qua việc lắng nghe băng đĩa, đài phát thanh, truyền thanh, thuyết trình… Để biết trẻ có phù hợp với phong cách học thính giác hay không, hãy trả lời câu hỏi dưới đây:

  • Bạn có thích nghe các bài giảng trên lớp hơn là đọc sách giáo khoa?
  • Đọc to có giúp bạn nhớ thông tin tốt hơn?
  • Bạn có tạo ra các bài hát để giúp ghi nhớ thông tin?

Nếu câu trả lời “có” chiếm phần lớn thì có lẽ trẻ phù hợp với cách học này.

Trẻ em phù hợp với phương pháp học bằng âm thanh thường rất giỏi trong tiếp thu kiến thức bằng cách nghe và nói. Đối với các bé thuộc nhóm này, lắng nghe giáo viên giảng hay nghe hòa nhạc, radio sẽ giúp bé ghi nhớ kiến thức nhanh hơn. Đồng thời cách này cũng giúp các bé cảm thấy thoải mái.

3. Read-Write – học theo cách đọc-viết:

Người học sẽ tiếp thu kiến thức tốt nhất thông qua việc đọc và viết các tài liệu. Họ thích lấy thông tin dưới dạng từ ngữ, do vậy, các tài liệu học tập dạng văn bản được họ yêu thích hơn cả.

Trẻ có thể là phù hợp với phong cách học đọc và viết nếu như có những đặc điểm sau:

  • Cảm thấy đọc sách là một cách tuyệt vời để tìm hiểu thông tin.
  • Ghi chép nhiều trong giờ học và trong khi đọc sách.
  • Thích lập danh sách, nhớ định nghĩa và tổng hợp lại kiến thức.

Đối với trẻ phù hợp với phong cách học đọc – viết, chúng sẽ tiếp thu kiến thức tốt nhất khi học tập thông qua đọc sách, viết nhật ký và ghi chú. Khác với các bé thuộc nhóm phong cách học trực quan và nhóm học thính giác, việc đọc và viết giúp các bé thuộc nhóm này ghi nhớ kiến thức nhanh hơn.

4. Kinesthetic – học theo cách học cảm xúc vận động:

Người học sẽ tiếp thu kiến thức tốt hơn thông qua các hoạt động ngoại khoá, khám phá, du lịch… Trải nghiệm thực tế một phần không thể thiếu đối với những ai học theo phong cách này.

Để biết bản thân có thuộc nhóm phù hợp với phong cách động học hay không, hãy trả lời các câu hỏi sau:

  • Bạn có thích thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến thực tế không?
  • Bạn có khó ngồi yên trong thời gian dài không?
  • Bạn có giỏi các hoạt động thể thao ngoài trời không?
  • Bạn có phải thực sự thực hành làm một cái gì đó để học nó?

Nếu câu trả lời “có” chiếm ưu thế cho những câu hỏi này thì rất có thể trẻ phù hợp với cách học này.

Phong cách này được gọi là học tập thông qua xúc giác. Họ tiếp thu kiến thức bằng việc tiếp xúc trực tiếp và trải nghiệm thực tế. Nói cách khác, những đứa trẻ này rất muốn làm điều đó bằng tay và có được kiến ​​thức mới thông qua cách thức thủ công (chẳng hạn như tháo gỡ hoặc lắp ráp các bộ phận).

Trẻ em học theo cách học cảm xúc vận động sẽ không chọn cách ngồi yên lặng bên cạnh để nghe hoặc xem. Bởi vì đối với chúng, việc này sẽ rất khó để làm một cái gì đó. Hãy nhớ rằng, những đứa trẻ này càng được hoạt động nhiều thì khả năng ghi nhớ kiến thức càng tốt. Việc xem và nghe không giúp bé ghi nhớ kiến thức bằng cách tự bản thân đi cảm thụ.

Ảnh: Adobe Stock.

Hy vọng rằng, các bậc cha mẹ có thể thiết lập cho con cách học tập phù hợp nhất để các bé tiếp thu kiến thức tốt mà không cảm thấy quá áp lực. Làm được vậy sẽ giúp chúng tự tin và yêu thích học tập, từng bước trưởng thành.

San San (TH)

Có thể bạn quan tâm: