J.R. Storment mới chia sẻ với đồng nghiệp của mình rằng, trong suốt nhiều năm anh đã không nghỉ phép quá lấy một tuần. Vài phút sau, anh nhận được tin cậu con trai 8 tuổi của mình qua đời. 

8 năm trước, trong cùng một tháng, tôi trở thành cha của 2 đứa trẻ sinh đôi và là người đồng sáng lập Cloudability. Cách đây khoảng 3 tháng, Cloudability được mua lại. Và chỉ mới 3 tuần trước, tôi mất đi một cậu con trai.

Khi tôi nhận được cuộc gọi, tôi đang ngồi trong phòng hội nghị với 12 người khác tại văn phòng ở Portland bàn bạc về những chính sách mới của PTO. Chỉ vài phút trước đó, tôi nói với đồng nghiệp rằng mình đã không nghỉ phép quá lấy một tuần.

Tôi và vợ có một thỏa thuận rằng khi người này gọi điện thì người kia phải trả lời. Vậy nên, ngay khi thấy chuông điện thoại reo tôi vội đứng dậy và đi ra cửa phòng hội nghị ngay lập tức.

Tôi vừa đi vừa hỏi vợ: “Có chuyện gì vậy em?”

Ngay lập tức cô ấy đáp lại một câu nói lạnh lùng: “J.R., Wiley chết rồi”.

“Cái gì?” – Tôi hỏi lại khi dường như không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Cô ấy lặp lại: “Willey mất rồi”.

“Cái gì? KHÔNG! KHÔNG!!!” – Tôi hét lên.

“Em rất tiếc, nhưng em phải gọi 911”.

Đó là toàn bộ cuộc trò chuyện. Tôi chỉ nhớ rằng ngay sau đó tôi lấy chìa khóa xe và lao như bay ra khỏi cửa văn phòng. 

12 phút sau, tôi về đến nhà, con ngõ nhà tôi chật cứng xe cấp cứu. Tôi chạy thật nhanh qua cửa đến phòng hai cậu con trai của mình. Một nửa tá cảnh sát đứng đó chặn không cho tôi vào. Khi một đứa trẻ chết đột ngột, nó có khả năng sẽ trở thành một vụ án mạng.

Đó là hai tiếng rưỡi đồng hồ đau đớn mà tôi phải đợi chờ để gặp được con trai của mình. Sau một giờ đồng hồ đợi chờ trong cơn hoảng loạn, tôi nói với các nhân viên cảnh sát đứng đó rằng tôi không thể nào đợi thêm được nữa. Vậy là, họ cho phép tôi lên phía tầng trên đối diện với nơi con trai mình đang nằm. Thằng bé nằm trên giường, ngay ngắn trong một giấc ngủ bình yên. 

Khi nhân viên y tế hoàn tất những thủ tục kiểm tra cuối cùng, chúng tôi mới được phép vào phòng. Tôi nằm xuống cạnh con trai, trên chiếc giường mà thằng bé yêu quý, nắm lấy tay con và hỏi đi hỏi lại: “Chuyện gì đã xảy ra hả anh bạn của tôi? Chuyện gì đã xảy ra?”.

Chúng tôi ngồi lại bên cạnh con, vuốt mái tóc của con khoảng 30 phút trước khi các nhân viên quay lại đặt thằng bé lên băng ca rồi đưa đi.

Wiley bị ám ảnh với việc kinh doanh. Đầu tiên đó là một quán sinh tố, sau là một phòng trưng bày, tiếp đến lại là một công ty tai nghe VR, tiếp đó là lập trình viên rồi một công ty kinh doanh tàu vũ trụ. Trong mỗi viễn cảnh, thằng bé đều mơ ước trở thành ông chủ. Anh trai của Wiley (hoặc đôi khi là vợ chồng tôi) sẽ được mời vào làm việc không phải với thằng bé mà là được giao từng việc. 

Khi mới 5 tuổi, Wiley dự định rằng thằng bé sẽ kết hôn khi trở thành một người đàn ông thành đạt. 6 tuổi, thằng bé đã tìm được cô gái cho mình ở lớp mẫu giáo. Hai năm tiếp đó, khi gia đình chúng tôi chuyển nhà từ Portland qua London rồi lại Hawaii, Wiley vẫn giữ liên lạc với người bạn của mình bằng thư viết tay.

Một trong những giây phút đau đớn nhất với chúng tôi lúc này là ký giấy chứng tử của con. Thật khó để làm điều đó khi nhìn thấy đó là tên của con trai bạn. Nhưng càng đau đớn hơn khi phải viết vào mục “Nghề nghiệp: Chưa bao giờ làm việc, Tình trạng hôn nhân: Chưa kết hôn”. Thật đau khổ, thằng bé đã từng ước mơ thực hiện những điều đó. Vậy mà… tôi cảm thấy thật sự hối lỗi.

Trong suốt 3 tuần qua, tôi đã nghĩ lại những điều khiến tôi cảm thấy hối tiếc. Đó là những điều mà tôi từng mơ ước nhưng lại làm khác đi và những điều tôi buồn khi không thấy thằng bé làm theo. Vợ thường nhắc tôi về những việc Wiley đã thực hiện được như: Cậu bé đã đi qua 10 quốc gia, lái xe trên con đường nông trại ở Hawaii, đi bộ đường dài ở Hy Lạp, lặn ở Fiji, mặc một bộ đồ đến trường, hay mặc com-lê đến trường mẫu giáo ở Anh mỗi ngày trong suốt 2 năm, chơi cờ vua đủ giỏi để đánh bại tôi 2 lần liên tiếp, viết truyện ngắn, say mê vẽ truyện tranh…

Và rồi thằng bé chết trên giường ngay trong đêm. Buổi tối hôm trước, Wiley vẫn rất bình thường. Chúng tôi tổ chức một bữa tiệc cùng với bạn bè và con cái của họ. Chúng tôi cùng chơi trò nhảy trên tấm nệm mà chúng tôi đã mua cách đó 3 tuần.

Tôi hôm đó, Wiley trở nên khó tính với các bạn và nói với các bạn rằng mọi người đang chơi sai rồi. Tôi kéo thằng bé sang một bên. Tôi nghiêm nghị với con và khiến thằng bé khóc. Tôi đã tự đánh mình hàng chục lần vì hối hận. Tôi vẫn nhớ những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt của con và lời phản kháng: “Nhưng ba không nghe lời con. Không một ai nghe con cả”.

Vài giờ sau, mọi chuyện lắng xuống. Chúng tôi đặt đồ ăn bên ngoài. Wiley ăn món yêu thích của mình: cơm và súp Ấn. Sau đó, chúng tôi đưa bọn trẻ đi nghỉ. Tôi nói xin lỗi Wiley, ôm thằng bé một cái ôm ngọt ngào rồi đi ngủ. 

15 phút sau, tôi thấy trên giường bóng dáng gầy gò và cao đang bước đến từ phía cầu thang, đó là Wiley.

“Ba ơi, con không thể ngủ được”.

Có tiếng nhạc phát ra từ bữa tiệc của nhà hàng xóm khiến Wiley không ngủ được. Tôi đưa con về phòng và đóng các cửa sổ lại. Wiley nói rằng đã cảm thấy tốt hơn. Tôi ôm con trai, nói đôi lời vỗ về và rồi trở về phòng đi ngủ.

5:40 sáng hôm sau, tôi thức dậy để chuẩn bị hàng loạt cuộc họp. Tôi đạp xe Peloton, nhận cuộc gọi phân tích ở nhà, một cuộc gọi trên đường đến chỗ làm của đồng nghiệp và sau đó là ở chỗ làm. Cảm thấy dường như không có gì quan trọng. Tôi rời nhà mà không nói lời tạm biệt hay qua thăm phòng các con.

Buổi sáng hôm đó, Jessica nghĩ rằng chắc Wiley đang ngủ. Thằng bé thích ngủ, và yêu chiếc giường của mình. Có lẽ sau một tuần dài đã qua, sau những hoạt động vui chơi và một đêm khó ngủ, thằng bé muốn được ngủ nhiều hơn. Nhưng khi thấy con ngủ quá lâu mà chưa dậy và vợ tôi đã vào xem con thế nào.

Người thằng bé lạnh toát. Nhân viên y tế ước tính rằng thằng bé đã mất được 8-10 giờ đồng hồ trước khi vợ tôi tìm thấy con.

Năm ngoái, Wiley được chẩn đoán mắc một loại bệnh động kinh điển hình cấp độ nhẹ, gọi là Benign Rolandic Epilepsy, căn bệnh này thường gặp ở các bé trai từ 8 đến 13 tuổi. Nó được gọi là lành tính bởi vì nó thường tự biến mất ở bệnh nhân trong tuổi thiếu niên. Cấp độ của Wiley rất nhẹ, chúng tôi chỉ thấy con lên cơn động kinh một lần duy nhất cách đây 9 tháng trước khi gia đình tôi chuyển từ Anh về Portland. 

Các bác sĩ nhi và bác sĩ thần kinh mà chúng tôi gặp đều nói rằng đừng quá lo lắng cho tình trạng của thằng bé. Không ai đề cập đến lý do vì sao Wiley lại chết. SUDEP là cách viết tắt của từ Sudden Unexplained Death of Epilepsy (Tạm dịch: Tình trạng đột tử không giải thích được của bệnh động kinh).

SUDEP thường được cho là không thể đoán trước, không thể sửa chữa và không thể thay đổi khi nó bắt đầu. Theo thống kê, 1/4500 trẻ em bị ảnh hưởng bởi dạng động kinh này.

Nhiều phụ huynh hỏi cách làm sao họ có thể giúp đỡ con của họ. Đó là ôm những đứa trẻ. Đừng làm việc quá khuya. Rất nhiều điều bạn có thể dành thời gian cho con nhưng bạn đã không làm và điều đó sẽ đeo bám bạn trong nỗi ân hận vô bờ. 

Tôi đã quay trở lại làm việc. Đã có lúc tôi nghĩ mình không muốn đi làm, nhưng tôi tin vào những điều mà nhà thơ Kahlil Gibran từng nói: “Công việc là một tình yêu có thể nhìn thấy được. Đối với tôi, đó là minh chứng cho những gì chúng ta đã đạt được, phát triển và cống hiến như thế nào thông qua việc mà chúng ta làm. Tuy nhiên, công việc đó cần có một sự cân bằng, ban tặng cho chúng ta những món quà tuyệt vời của thế giới, chứ không phải trả giá bằng chính bản thân và gia đình”.

Khi tôi đang viết những dòng này, anh trai của Wiley bước đến bên tôi và hỏi rằng tôi có thể chơi cùng con không. Thay vì nói “không” như mọi lần, tôi dừng lại và chơi cùng con. Cậu bé rất ngạc nhiên. Tôi và con kết nối theo cách mà trước đây tôi chưa từng làm. Dù một chuyện nhỏ thôi nhưng cũng rất quan trọng. Tôi đã nhận được bài học lớn trong mối quan hệ gia đình từ sau câu chuyện đáng tiếc của Wiley. 

Tôi đã học được rằng không được đợi chờ. Khi chúng tôi bán doanh nghiệp, tôi đã cho mỗi cậu con 100 USD. Chúng tôi dự định sẽ mua một chiếc lều để cắm trại, nhưng điều đó đã không thực hiện được trước khi Wiley mất. 

Vậy nên, ngay sau đám tang của Wiley, tôi đưa vợ và Oliver đi cắm trại. Ca khúc “Enjoy yourself: It’s later than you think” (Hãy tận hưởng, nó muộn màng hơn bạn nghĩ) được bật lên trong chuyến dã ngoại luôn quanh quẩn trong đầu tôi:

“Bạn làm việc và làm việc trong suốt nhiều năm, bạn luôn di chuyển.

Bạn không nghỉ lấy một giờ, một phút, lúc nào bạn cũng bận rộn.

Bạn nói rằng, một ngày nào đó bạn sẽ tận hưởng niềm vui của mình khi trở thành một triệu phú.

Nhưng hãy tưởng tượng tất cả những niềm vui bạn có trên chiếc ghế rockin cũ.

Hãy tận hưởng, nó muộn màng hơn những gì bạn nghĩ.

Hãy tận hưởng khi thanh xuân vẫn còn.

Năm tháng trôi đi nhanh như một cái chớp mắt“. 

Từ những đổ vỡ này, tôi đã học được cách thay đổi nhiều điều. Cảm ơn bạn, hy vọng từ bi kịch này bạn có thể học được cách làm chủ thời gian.

Theo LinkedIn

Nguồn ảnh: J.R. Storment/Instagram

videoinfo__video3.dkn.tv||a8366296a__

Từ Khóa: