Sau những trận mưa giông, chúng ta thường thích thú hít thở mùi vị trong lành khoan khoái của không khí và đất ướt – mùi hương này được gọi là petrichor. Petrichor từ lâu đã được các nhà khoa học và thậm chí cả người bán nước hoa tìm kiếm vì sự hấp dẫn bền lâu của nó.

Hóa ra có rất nhiều nguyên nhân khiến cho mùi mưa trở nên hấp dẫn sau một thời gian dài khô hạn. Trên thực tế đã có một vài quá trình hóa học xảy ra. Vi khuẩn, thực vật và thậm chí cả sét đều đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tạo ra hương vị sau một cơn mưa giông.

Đất ướt

Cái tên petrichor lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1960, do hai nhà nghiên cứu người Úc đặt. Petrichor được ghép từ hai từ trong tiếng Hy Lạp, là petros nghĩa là “đá”, và ichor nghĩa là “chất lỏng chảy trong tĩnh mạch của các vị thần”. Thứ mùi hương đất ấm áp xuất hiện khi nước mưa rơi xuống mặt đất khô hạn này được tạo ra bởi vi khuẩn.

Thứ mùi hương đất ấm áp xuất hiện khi nước mưa rơi xuống mặt đất khô hạn này được tạo ra bởi một loại vi khuẩn có rất nhiều trong đất. (Ảnh: bbc.com)

Giáo sư Mark Buttner, trưởng khoa vi sinh học phân tử tại Trung tâm John Innes giải thích: “Những sinh vật này rất phong phú trong đất”.

“Khi bạn nói rằng mình ngửi thấy mùi đất ướt, thì cái mà bạn ngửi thấy thực ra là những phân tử được tạo ra bởi một loại vi khuẩn”, ông nói với BBC.

Loại phân tử này được gọi là geosmin, được tạo ra từ vi khuẩn Streptomyces.  Chúng có mặt ở hầu hết các loại đất giàu dinh dưỡng, và được sử dụng để tạo ra thuốc kháng sinh thương mại.

Những giọt nước rơi xuống đất làm cho chất geosmin được giải phóng vào không khí, khiến cho mùi của nó trở nên nồng hơn sau một cơn mưa. “Và con người thì cực kỳ nhạy cảm với mùi này”, Giáo sư Buttner nói thêm.

Mưa mang theo một mùi đặc biệt (Ảnh: newcastleadvertiser.co.za)

Isabel Bear và RG Thomas (những nhà nghiên cứu đã đặt tên cho mùi hương này là petrichor) đã phát hiện ra rằng người dân ở Uttar Pradesh, Ấn Độ đã thu thập và buôn bán loại hương này với tên gọi “tinh dầu matti ka” vào đầu những năm 1960.

Ngày nay, chất geosmin đã trở nên phổ biến hơn khi người ta sử dụng nó như một thành phần của nước hoa.

“Đó là một chất thực sự mạnh mẽ và nó có mùi giống như bê tông dưới trời mưa. Nó gợi cho chúng ta một cảm giác đơn sơ và nguyên thủy”, cô Marina Barcenilla – một người làm nước hoa cho biết.

“Ngay cả khi bạn pha loãng nó đến phần tỷ, [con người] vẫn có thể phát hiện ra nó”, cô nói thêm.

Ngày nay, chất geosmin đã trở nên phổ biến hơn khi người ta sử dụng nó như một thành phần của nước hoa. (Ảnh: Glass Petal Smoke)

Tuy nhiên, chúng ta cũng có một mối quan hệ kỳ lạ với geosmin – trong khi một số người bị thu hút bởi mùi hương này, thì nhiều người lại không hề thích nó.

Tuy không độc hại đối với con người, nhưng dù chỉ là một lượng geosmin nhỏ nhất hiện diện trong nước khoáng hoặc rượu cũng sẽ khiến chúng ta không muốn đụng tới chúng.

“Chúng tôi không biết vì sao có nhiều người không thích geosmin”, giáo sư Jeppe Lund Nielsen từ Đại học Aalborg ở Đan Mạch nhận xét.

“Geosmin không độc hại đối với con người trong khoảng phạm vi cho phép, nhưng chúng ta lại thường có cảm giác tiêu cực về nó”, ông nói thêm.

Thực vật

Theo Giáo sư Nielsen, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng geosmin có thể liên quan đến terpenes – nguồn gốc của mùi hương ở nhiều loài thực vật.

Sau những cơn mưa, thực vật thường tỏa ra mùi hương dễ chịu. (Ảnh: Wonderopolis)

Giáo sư Philip Stevenson, trưởng nhóm nghiên cứu tại Vườn Thực vật Hoàng gia Kew nói rằng mưa có thể mang lại những mùi hương này.

“Thường thì các chất hóa học từ thực vật có mùi dễ chịu được tạo ra từ những sợi lông trên lá … và mưa có thể phá vỡ kết cấu của chúng, giải phóng các hợp chất. Mưa cũng có thể phá vỡ cấu trúc bề mặt khô của thực vật để giải phóng chất hoá học theo cách tương tự như khi bạn nghiền nát các loại thảo mộc khô – khiến mùi hương trở nên mạnh hơn”, ông nói với BBC.

Thời tiết khô hạn cũng có thể làm chậm sự trao đổi chất của thực vật, và lượng mưa mới sẽ khiến quá trình này khởi động lại một cách mạnh mẽ, làm cho thực vật tỏa ra mùi hương dễ chịu.

Tia sét

Giông bão cũng đóng vai trò đáng kể trong việc tạo ra mùi vị trong lành và rõ nét của ozone – được tạo ra bởi sét và sự phóng điện khác trong tầng khí quyển.

Giông bão cũng đóng vai trò đáng kể trong việc tạo ra mùi vị trong lành và rõ nét của ozone. (Ảnh: Strange Sounds)

Giáo sư Maribeth Stolzenburg thuộc Đại học Mississippi giải thích: “Bên cạnh tia chớp, giông bão và đặc biệt là mưa sẽ cải thiện chất lượng không khí. Phần lớn bụi, aerosol, và các loại hạt khác hiện diện trong tầng khí quyển sẽ bị mưa cuốn đi, và không khí trở nên trong lành”.

Chúc Anh