Hải quan Trung Quốc mới đây đã ngăn chặn hàng trăm nghìn sản phẩm hàng giả “ăn theo” mùa World Cup 2018 đang chuẩn bị tuồn ra khỏi biên giới nước này.

Đêm 14/6, đêm khai mạc World Cup 2018 tại Nga, hàng tấn hàng giả, hàng nhái chủ yếu là bóng và quần áo thể thao, đã bị tịch thu bởi lực lượng hải quan ở Quảng Châu, Thượng Hải và Nghĩa Ô, những nơi nổi tiếng là chợ bán buôn lớn nhất thế giới.

Theo China News Service, hải quan Quảng Châu đã tịch thu hơn 7.800 sản phẩm giả gắn mác FIFA. Tất cả đều được sản xuất tại một nguồn và được định sẵn sẽ buôn lậu đến Tanzania.

'Mê hồn trận' hàng giả của Trung Quốc ăn theo World Cup 2018
Các sản phẩm hàng giả ăn theo mùa World Cup ở Trung Quốc chủ yếu là quần áo thể thao và bóng. (Ảnh: SCMP)

Cũng tại Quảng Châu, hải quan Hoàng Phố đã thu giữ 4.500 áo phông bóng đá World Cup nhái thương hiệu Adidas trộn lẫn với một lô hàng áo phông khác không có nhãn hiệu.

Ngoài ra, theo hãng tin CNS, tại Thượng Hải, hải cảng sầm uất nhất thế giới, các quan chức hải quan đã phát hiện hơn 130.000 mặt hàng bị cáo buộc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của sự kiện thể thao quốc tế lớn nhất thế giới.

Trong một vụ khác, gần 2.500 quả bóng có in chữ “Russia 2018” được sản xuất tại Nam Kinh đã bị tịch thu vào hồi giữa tháng 4 trước khi chúng được chuyển đến Columbia qua cảng Dương Sơn, Thượng Hải.

Bên cạnh đó, theo Zhejiang Daily, hàng trăm trái bóng không rõ nguồn gốc xuất xứ trôi nổi trên thị trường cũng đã bị tịch thu tại Nghĩa Ô (tỉnh Chiết Giang) vào đầu tuần này.

Ước tính từ đầu năm đến nay các nhà chức trách Trung Quốc đã tiến hành hàng chục vụ bắt giữ hàng nhái, hàng giả ăn theo mùa World Cup 2018, với khoảng 32.000 sản phẩm.

Theo SCMP, dù đội tuyển Trung Quốc không được tham dự Vòng chung kết World Cup 2018 đang diễn ra tại Nga nhưng giải bóng đã được tổ chức 4 năm một lần này vẫn là cơ hội kinh doanh “vàng” cho các doanh nghiệp đại lục. Cụ thể, các sản phẩm liên quan đến World Cup là một trong những sản phẩm bán chạy nhất trên các trang web bán hàng trực tuyến ở Nghĩa Ô.

Theo đó, hơn 100 triệu sản phẩm trong số 4 mặt hàng đắt khách nhất trên trang bán lẻ trực tuyến này đã được bán trong tháng qua.

Ngoài ra, một số công ty Trung Quốc cũng đang chi lớn cho sự kiện này với tư cách là đối tác, nhà tài trợ hoặc người ủng hộ khu vực.

Hàng giả, hàng nhái từ lâu đã được coi là “đặc sản” của Trung Quốc. Bất cứ thứ gì, miễn có mẫu, đều có thể được làm giả ở Trung Quốc. Ngành công nghiệp này đem về mỗi năm trên dưới 400 tỷ USD cho các nhà sản xuất. Lợi nhuận khổng lồ và sự lỏng lẻo của pháp luật càng khiến cho nhiều công ty Trung Quốc lao vào miếng bánh béo bở này.

Báo cáo của Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) công bố hồi tháng 6/2017 cho thấy Trung Quốc đại lục và Hong Kong là nơi xuất xứ của 86% hàng giả trên thế giới trong năm 2015.

Theo Europol, tội phạm ăn cắp bản quyền là vấn đề nhức nhối nhất ở Trung Quốc nhưng cũng đem về lợi nhuận cao nhất. Đau đầu nhất là tình trạng nhái nhãn mác, nhận diện thương hiệu của các tập đoàn nổi tiếng thế giới.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ hàng giả, hàng nhái ở Trung Quốc là tâm lý ham giá rẻ và thói ganh đua “bằng bạn bằng bè” của người tiêu dùng Trung Quốc. Không ít trường hợp đã phải tiền mất tật mang chỉ vì tâm lý này và thói làm ăn bất chấp đạo đức, chỉ mong lợi nhuận ở Trung Quốc.

Nguyễn Trang