“Tháng năm rực rỡ” là phiên bản remake của phim điện ảnh Hàn nổi tiếng về tuổi thanh xuân “Sunny”. Bộ phim đã tạo được nét riêng, đậm chất Việt và mang đến nhiều xúc cảm cho khán giả mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, người xem có thể dễ dàng nhận ra một vài điểm thiếu logic trong phim. 

'Soi' chi tiết phi logic trong "Tháng năm rực rỡ"
‘Soi’ chi tiết phi logic trong "Tháng năm rực rỡ"

Sau một tuần công chiếu, “Tháng năm rực rỡ” thu về gần 35 tỷ đồng. Đi kèm doanh thu, bộ phim cũng nhận được “cơn mưa” lời khen về kịch bản, bối cảnh, diễn xuất như “phim remake hay nhất từ trước đến nay”, “phim remake chỉn chu nhất”…

Hiệu ứng truyền thông kèm nội dung về thanh xuân kéo theo trào lưu các nhóm bạn thân rủ nhau tới rạp. Nhiều con mắt theo dõi, đồng nghĩa với việc thị hiếu ngày một cao, tác phẩm bị đánh giá nghiêm khắc hơn. Ngoài các lỗi về trang phục hay makeup, bộ phim còn nhiều “hạt sạn” về logic.

Ngôi trường thiếu sự quan tâm

Ngôi trường mà bộ 6 Ngựa Hoàng theo học được nhắc tới là trường học danh giá, chất lượng tốt. Nhưng ngôi trường có thực sự như lời miêu tả? Học sinh quậy phá trêu trọc cô giáo, thường xuyên tụ tập gây sự đánh nhau. Nhân vật Kiều Chinh nổi loạn, hút thuốc phiện mà thầy cô không hề hay biết?

'Soi' chi tiết phi logic trong "Tháng năm rực rỡ"
Theo lẽ thường, những học sinh cá biệt là đối tượng cần được quan tâm từ phía nhà trường, vậy mà Kiều Chinh lại bị mọi người xa lánh.

Nữ sinh cấp 3 say xỉn

'Soi' chi tiết phi logic trong "Tháng năm rực rỡ"
Trở về thời kỳ năm 1975, việc hai cô nữ sinh mặt “non choẹt”, ngồi chè chén say sưa tại quán rượu bên đường có vẻ không hợp lý cho lắm.

Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đủ sức đánh nhau

Trái với hình ảnh ốm yếu tiều tụy thường thấy của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, vai Mỹ Dung của Thanh Hằng vẫn đủ sức đánh nhau với tụi nhóc mới lớn.

'Soi' chi tiết phi logic trong "Tháng năm rực rỡ"
Ngoài ra, hình ảnh ăn mặc “sang chảnh” với mái tóc dài óng ả, suôn mượt, được chăm sóc kỹ lưỡng cũng là điểm trừ cho bộ phim dù trước đó Dung nói với bạn rằng tóc mình rụng rất nhiều.

Phụ huynh lập hội đánh bạn cùng lứa của con gái

Dù con gái có bị bắt nạt nhưng việc phụ huynh rủ bạn, lập hội, đi đánh nhau với bạn cùng lứa của con là hành động quá trẻ con. Thay vì gọi ra để khuyên bảo, các bà mẹ lại lao vào đánh “con nhà người ta”. Hành động này không những không giải quyết được vấn đề mà càng khiến câu chuyện đi vào ngõ cụt. Không ai có thể dám chắc những cô nữ sinh kia sẽ không quay lại trả thù.

'Soi' chi tiết phi logic trong "Tháng năm rực rỡ"
Đây không phải là cách giải quyết hợp lý và khôn ngoan với độ tuổi U40. Thậm chí, tình tiết này vô tình cổ xúy cho bạo lực học đường.

Anh trai Hiểu Phương ra sao sau cuộc bạo động?

Bộ phim lấy bối cảnh chính là năm 1975 khi cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam đang đến hồi gay cấn. Anh trai Hiểu Phương là người theo Chủ nghĩa cộng sản, phản đối giai cấp tư sản, từng bị gián điệp tới nhà truy nã, xuất hiện trong cuộc bạo động phản đối chính quyền.

Tuy nhiên, thời điểm Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bỏ trốn năm 1975, nhóm Ngựa Hoang tan rã, thì số phận của anh trai Hiểu Phương cũng bị bỏ lửng.

'Soi' chi tiết phi logic trong "Tháng năm rực rỡ"
Năm 2000, sau khi các cô gái gặp lại nhau, việc gia đình và người thân Hiểu Phương không được nhắc đến khiến người hâm mộ không khỏi đặt ra câu hỏi.

Biến cố xảy đến với bộ 6 Ngựa hoang?

Hai thành viên sinh ra trong gia đình khá giả ngày nhỏ là Bảo Châu (Khổng Tú Quỳnh) và Lan Chi (Minh Thảo) đều gặp nhiều khó khăn lúc trưởng thành, rơi vào cùng cực. Gia đình sở hữu hãng phim lớn nhất Đà Lạt của cô tiểu thư Bảo Châu đã xảy ra biến cố gì khiến cô sa chân vào con đường tủi nhục? Lan Chi sao lại phải lấy người đàn ông quá tuổi, phải mở hiệu cầm đồ?

'Soi' chi tiết phi logic trong "Tháng năm rực rỡ"
Trong khi đó, trưởng nhóm Hoàng Mỹ Dung có một gia tài đồ sộ, nhưng suốt thời gian nằm điều trị tại bệnh viện, cô không hề nhắc đến gia đình, chồng con.

Việc Việt hóa kịch bản không dễ dàng, nhưng nhà làm phim cũng nên chú ý tới những tiểu tiết vụn vặt, lồng ghép khéo léo để bộ phim mềm mại, chân thực và thuyết phục hơn.

Có thể thời lượng phim không cho phép giải thích dài nhưng “có vẫn hơn”, đặc biệt là những bộ phim có tới 2 bối cảnh, xảy ra tại hai thời điểm khác nhau như “Tháng năm rực rỡ”. Nếu có nhưng chi tiết lý này, chắc chắn tác phẩm sẽ tròn trịa hơn trong mắt khán giả.

Trong nghệ thuật, không có chuẩn mực nào cho sự hoàn hảo. Tuy vẫn còn nhiều “hạt sạn” đáng tiếc nhưng không thể phủ nhận “Tháng năm rực rỡ” là tín hiệu đáng mừng cho dòng phim remake Việt.

Sau “Cô gái đến từ hôm qua”, “Tháng năm rực rỡ” là một bản nhạc nữa mà ta muốn đắm chìm, bỏ qua những bon chen, bận rộn của hiện tại để trở về với tuổi học trò tinh nghịch, đáng yêu và đáng nhớ.

H.H