Chuyện kể rằng vào năm Nhâm Tuất, niên hiệu U Minh thứ 88, lúc bấy giờ ở vùng đất phía Nam của Nam Thiệm Bộ Châu vẫn còn xuất hiện một số ‘người tử tế’…

Sau bao phen niềm tin bị đánh cắp

Ví như có vị đại quan gia nọ đã chẳng quản dặm trường, cưỡi xe hơi từ Huyện K lên Phủ Đ để vào nhà nghỉ hỏi thăm sức khỏe một vị nữ quan gia khác khi bà đang lên cơn đau bụng trúng gió, tiếp sau đó lại giúp đỡ cho vị nữ quan gia này chui qua lỗ thông hơi, trèo lên mái nhà để tìm lại chiếc điện thoại mà bà ta vừa bị đánh rớt!

Cảm động trước tấm chân tình của vị đại quan gia đối với người nữ đồng liêu, thượng cấp đã thăng phẩm cho ông từ cấp huyện phẩm lên cấp phủ phẩm, lại phong cho chức: Phó quan Tương tế Phủ, chuyên đảm trách sự vụ cứu tế con dân bách tính khi gặp lúc cơ nhỡ hay thiên tai, hoạn nạn.

Tuy nhiên vào thuở bấy giờ vẫn còn xuất hiện nhiều người chưa tốt, nhiều việc không hay, đặc biệt là vấn nạn con người ta giả dối lừa gạt lẫn nhau diễn ra ở khắp nơi nơi chốn chốn. Chẳng hạn có một số đông nông phu, vì lòng tham nên đã sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu, phân hóa học, chất kích thích tăng trưởng, chất tạo nạc… để bơm, phun, tiêm, trộn vào các sản phẩm cây trồng vật nuôi khiến cho nguy hại đến sức khỏe bao người.

Gian thương cũng hoành hành ghê gớm: những sản phẩm, hàng tiêu dùng giả được sản xuất và tiêu thụ mọi lúc mọi nơi: nào là thuốc chữa bệnh giả, vắc-sin giả, xăng dầu giả (lại còn bơm thiếu hụt cho khách hàng), mĩ phẩm giả, sữa giả, rượu giả, mì chính nước mắm giả, vật dụng gia đình giả… nổi cộm nhất, vào tháng Tư năm ấy, người ta còn phát hiện ở miền cao nguyên Lang-bi-ang một cơ sở lớn chưa từng thấy đang sản xuất và tuồn ra khắp thị trường mặt hàng cà phê giả có trộn lẫn với bột pin đèn!

Trong các ngành nghề, hiện tượng báo cáo giả, thành tích giả, kết luận giả, trả lời phỏng vấn giả… cũng xuất hiện đó đó đây đây. Ví như khoa thi bậc Tú Tài của quốc gia vào tháng 7 năm Nhâm Tuất do Bộ Lễ tổ chức, tại một số Phủ thuộc miền núi phía Bắc đã diễn ra những vụ bê bối thi cử, sửa chữa điểm số của thí sinh khiến cho chúng dân gặp một phen bất bình, hoang mang nghi vấn.

Thôi thì vẫn là do cái bệnh giả dối lừa mị lẫn nhau mà ra cả. Chuyện này tạm không kể nữa.

Sau bao phen niềm tin bị đánh cắp
Cà phê giả trộn bột pin: Khi niềm tin bị đánh cắp, căn bệnh giả dối trỗi dậy như cỏ mọc sau mưa… (Ảnh: youtube.com)

Vì sao ‘Rô-bốt chống giả dối’ vẫn chưa được đem ra sử dụng?

Lại nói, lúc bấy giờ có một vị Thượng Thư kiêm Viện sỹ khoa học đầu ngành nọ (từ nay tạm gọi là ngài Viện sỹ cho ngắn gọn), vì lo lắng cho quốc dân đang bị cái tệ nạn giả dối hoành hành như một chứng bệnh trầm kha với tốc độ lan tỏa nhanh, lây nhiễm mạnh, hậu quả lớn, nên ông đã dụng tâm gắng sức mà nghiên cứu chế tạo ra một chú rô-bốt mang tên: ‘Rô-bốt chống giả dối’.

Đúng như tên gọi, rô-bốt này có khả năng phát hiện ra bất kỳ biểu hiện giả dối nào của con người chỉ trong tích tắc, và tùy theo mức độ, tác hại của sự việc giả dối do kẻ đối diện gây ra mà nó sẽ có tín hiệu hồi đáp thỏa đáng: từ cảnh báo đến trừng phạt ‘kẻ giả dối đáng ghét’ theo các hình thức nặng nhẹ khác nhau sao cho thật hợp tình hợp lý.

Chà! Quả là một sản phẩm khoa học tuyệt vời! Và đương nhiên đã gọi là: ‘Rô-bốt chống giả dối’ thì sản phẩm này đích thị phải là sản phẩm thật. Tuyệt đối không sai chệch.

Sau khi sản phẩm được chế tạo thành công. Ngài Viện sỹ muốn người đầu tiên có vinh dự được tham gia cuộc trải nghiệm thú vị với chú ‘Rô-bốt chống giả dối’ này chính là cậu quý tử nhà mình. Cậu trẻ đang học ở lớp cuối của bậc Ấu học, sắp sửa lên lớp nhất của bậc Thành Chung, trông cậu ấm khôi ngô bụ bẫm lắm. Chỉ có điều là rất ham mê trò chơi điện tử.

Chiều hôm ấy khi cậu quý tử vừa đi học về, ngài Viện sỹ liền lập tức gọi con trai vào phòng riêng của mình và hỏi:

– Này cu Bin của cha, sao hôm nay con đi học về muộn thế?

Cậu con trai bẽn lẽn khoanh tay đáp:

– Dạ thưa cha, hôm nay chúng con phải ‘thi bù hai giờ trắc nghiệm vào cuối buổi học’ ạ!

Cu Bin vừa nói xong, lập tức ‘Rô-bốt chống giả dối’ bèn tiến lên, nhanh như cắt giơ tay ra tát cho cậu bé một cái đánh bốp!

– Quá bất ngờ, lại đau nữa, cu cậu khóc toáng cả lên.

Vì sao ‘Rô-bốt chống giả dối’ vẫn chưa được đem ra sử dụng?
Cu cậu bất ngờ bị một đòn trời giáng khóc toáng lên. (Ảnh: pixabay.com)

Ngài viện sỹ nhìn con, nghiêm nét mặt nói:

– Này Bin, sao con lại dám nói dối cha? Con nên biết rằng ngày xưa khi bằng tầm tuổi con, chính cha đây cũng ‘chưa từng một lần nói dối ông nội’!

Viện sỹ vừa dừng lời, bất thần ‘Rô-bốt chống giả dối’ vung quyền đánh cho ông ta một chưởng mạnh như búa bổ! Chủ nhân của chú rô-bốt chỉ kịp kêu lên một tiếng: Hự! Lồng ngực như tức thở, mặt tái mét.

Lúc này phu nhân của ngài Viện sỹ đang ngồi ở phòng đối diện. Bà đã thực mục sở thị tất cả sự tình, nhưng sự việc diễn biến quá nhanh và nguy hiểm, chính bà cũng chẳng kịp ra tay ngăn cản! Nhìn cu Bin kêu khóc nức nở bà xót xa quá, phi ào sang bên phòng của ngài Viện sỹ và la lớn:

Trời ơi! Nó là ‘con trai của ông đó’! Vậy mà ông nỡ cư xử với thằng bé như thế sao?

Phu nhân của ngài Thượng Thư kiêm Viện sỹ còn chửa kịp dứt lời, chẳng hiểu sao ‘Rô-bốt chống giả dối’ lao đến tắp lự rồi dơ chân đá cho bà ta một cú bay ra tận cổng!

Câu chuyện đến đây là hết. Về lời bình, người kể xin được nhường lời lại cho quý độc giả gần xa.

Đường Khôi