Mourinho luôn dành những danh hiệu lớn trong mùa giải thứ 2 khi dẫn dắt các câu lạc bộ mới nhưng tại Manchester United thì điều đó không thể. Ông không còn duy trì được thói quen đó của mình nữa, dù trong tay ông có không ít các cầu thủ chất lượng.

Jose Mourinho là ai?

Nếu hỏi câu này cách đây hơn 10 năm về trước chắc chả có mấy người biết. Đến khi cơn địa chấn mang tên Porto vô địch Champion League năm 2004, cái tên Jose Mourinho mới được nhiều người nhắc đến nhưng lúc này họ gọi Jose với biệt danh mà tự ông đặt cho mình: “Người đặc biệt – The Special One!”.

Nhưng kể từ khi núi tiền của Abramovich đưa Mourinho về Chelsea vào mùa giải 2004-2005, bấy giờ cả thế giới đều biết đến Mou với biệt danh đúng theo nghĩa đen.

Với triết lý bóng đá đậm chất thực dụng, Mou đã biến Chelsea thành một “pháo đài gần như là bất khả xâm phạm” ở giải đấu cao nhất nước Anh, cứ lầm lì tiến về phía trước, vô địch liên tiếp hai mùa giải, xô đổ hàng loạt các kỷ lục: thủng lưới ít nhất, ghi được nhiều điểm nhất, thắng nhiều trận nhất trong một mùa giải… Special One bắt đầu nổi tiếng từ đây.

Đến với Premier League năm 2005, Jose Mourinho đã mang làn gió mới lạ của lối bóng đá chặt chẽ, kỷ luật và lập tức biến Chelsea thành một đội bóng bất khả chiến bại. (Ảnh: Daily Record)

Không chỉ riêng Chelsea, phong cách huấn luyện của Mourinho ở nhiều câu lạc bộ khác như Real Madrid hay Inter Milan chẳng mấy thay đổi. Ông vẫn lấy lối chơi phòng ngự làm nền tảng cho mọi chiến thuật, dù bị chỉ trích rất nhiều vì lối chơi phòng ngự tiêu cực làm xấu đi hình ảnh của bóng đá. Tuy nhiên, chẳng ai có thể chỉ trích ông quá nhiều hay quá lâu bởi bằng phong cách dẫu xấu xí nhưng Mourinho vẫn giành được thành công.

Ông giúp Chelsea và Real Madrid lập nên những kỷ lục tại giải quốc nội; còn cùng với Inter, ông đã đăng quang Champions League lần thứ 2 trong sự nghiệp cầm quân.

Trong triết lý bóng đá của Mou, “không thủng lưới là không thua“, chính vì vậy khi dẫn dắt bất cứ đội bóng nào, ông đều chú trọng xậy dựng một hàng phòng ngự cực tốt. Hai mùa giải đầu của ông ở Ngoại Hạng Anh, Chelsea của Mou cứ lầm lũi tiến về đích với những kết quả đều đều 1-0, 1-0, 1-0… hàng phòng ngự của Chelsea được đánh giá là mạnh nhất lúc bấy giờ. Sang đến Inter Milan, cũng với triết lý bóng đá như vậy, Mou đã giúp Inter có được cú ăn ba đầu tiên trong lịch sử đội bóng.

Không chỉ riêng Chelsea, Mourinho từng rất thành công với triết lý bóng đá thực dụng của mình tại Real Madrid và đặc biệt là giành cú ăn 3 cùng Inter Milan mùa giải 2009 – 2010. (Ảnh: it.eurosport.com)

Thương hiệu “Special One” của Mourinho gắn liền với hình ảnh của “chiếc xe bus hai tầng“. Chiếc xe bus hai tầng trước khung thành đội nhà, chặn đứng gần như là mọi đợt tấn công của đối thủ. Có người chê, có người khen nhưng Mou thì vẫn cứ đường đường mà tiến như vậy thôi.

Manchester United – Mourinho: Vinh quang không gọi tên “Người đặc biệt”

Chính những gì đã làm và phong độ giành danh hiệu đều đặn, đủ thuyết phục ban lãnh đạo Man United sa thải Louis van Gaal và đưa ông về Old Trafford. Tại Nhà hát của những giấc mơ, “Người đặc biệt” được kỳ vọng sẽ đưa bầy Quỷ trở về thời kỳ hoàng kim, giống như dưới triều đại Sir Alex Ferguson. Nhưng chỉ tiếc rằng, thất vọng lại nhiều hơn kỳ vọng, Man United là một đội bóng hoàn toàn khác so với phần còn lại của Ngoại hạng Anh cũng như các đội bóng mà Mourinho từng đẫn dắt trong quá khứ.

Van Gaal khi còn trên cương vị huấn luyện viên trưởng bị chỉ trích vì lối chơi nhàm chán, tẻ nhạt, buồn ngủ, chỉ biết chuyền qua lại hoặc tạt cánh đánh đầu mà không dám dâng cao tấn công hay tấn công đa dạng hơn.

Mourinho từng được kỳ vọng là người thay thế xứng đáng cho Sir Alex để biến MU thành đội bóng mạnh mẽ hơn. (Ảnh: Sky Sports)

M.U năm đầu dưới thời Mourinho cũng chẳng khá hơn, dù cho Mourinho đã đem về cho Man United 3 danh hiệu là Siêu cup Anh, League Cup và Europa League. Bằng chứng là chuỗi trận hòa kỷ lục (11 trận hòa), cũng vì hòa quá nhiều mà họ không lọt vào được top 4. Mùa giải vừa rồi, mọi thứ có vẻ tốt hơn trước kha khá nhưng cứ đến trận đấu quan trọng, Mourinho lại chơi bài “thủ hòa”.

Vậy vấn đề của Man United nằm ở đâu?

Điểm đầu tiên là lối chơi bị động và không thanh thoát.

Từ trận derby Manchester mùa giải vừa qua có thể thấy cầu thủ Man United rất bị động trong phòng ngự; khi đối phương có bóng, họ thường chạy tán loạn lên và tự để lộ khoảng trống cho đối phương khai thác. Hai bàn thua do Lukaku “biếu không” Man City chỉ là hệ quả từ những pha phòng ngự sơ hở như thế.

Còn khi gặp các đội bóng yếu hơn; khi có bàn thắng dẫn trước, Man United thường co cụm về phòng ngự để bảo toàn tỷ số và chờ thời cơ kết liễu đối thủ chứ không làm giảm nhịp độ trận đấu, khiến đội nhà thường mất điểm ở những phút cuối trận.

Điểm thứ 2 là chất lượng nhân sự.

Khi còn dẫn dắt Chelsea, Real hay Inter; Mourinho luôn có trong tay những cầu thủ đẳng cấp và phong độ rất ổn định.

Ví dụ như ở Chelsea ông có bộ đôi trung vệ xuất sắc Terry – Carvalho, rồi sau đó là Terry – Cahill, ở Inter Milan ông sở hữu Lucio, Materazzi, Samuel, Zanetti, Maicon. Đến Real ông có Ramos, Pepe. Còn ở Man United, Mourinho có Smalling và Phil Jones, những trung vệ chưa bao giờ được đánh giá là cùng đẳng cấp với những con người trên, đặc biệt là Phil Jones rất hay chấn thương khiến anh không có thể lực và phong độ tốt nhất khi thi đấu.

Ở Man United, Mourinho không có những trung vệ đẳng cấp khi ông còn dẫn dắt Real hay Inter. (Ảnh: Goolka.net)

Mourinho luôn đề cao tính an toàn lên hàng đầu nên khi hàng thủ còn chưa vững thì những đội bóng của ông chơi rất rời rạc và chật vật. Bailly và Lindelof là 2 cầu thủ được đưa về gia cố hàng thủ nhưng đến giờ họ chưa thể hiện được nhiều.

Còn về hàng công thì sao?

Jose rất thích sử dụng những cầu thủ khả năng hoạt động độc lập tốt và biết tận dụng cơ hội, vậy nên khi về tiếp quản Man United, ông đã đem về sân Old Trafford Zlatan Ibrahimovic, Henrikh Mkhitaryan và Romelu Lukaku và đặc biệt là Paul Pogba – Cầu thủ trưởng thành từ Học viện Manchester nhưng không được trọng dụng dưới thời Sir Alex Ferguson.

Tuy vậy Man United vẫn chơi thiếu khởi sắc và luôn co cụm phòng ngự ở mỗi trận đấu lớn.

Pogba chính là cái tên khiến Mourinho đau đầu nhất. Mùa giải đầu tiên, Pogba phải gánh trên vai trò cả tấn công lẫn phòng ngự nên anh không thể phát huy hết khả năng. Đến mùa giải thứ 2, với sự xuất hiện của Nemanja Matic, Pogba được chơi tự do hơn nhưng anh lại chấn thương kéo dài. Man United như rắn mất đầu khi mất Pogba vì không ai có thể thay thế anh.

Romelu Lukaku được đưa về ở mùa giải thứ 2 nhưng mỗi trận đấu không có Pogba, anh gần như mất hút trên hàng công. Các vệ tinh hỗ trợ phía dưới như Marcus Rashford, Anthony Martial, Jesse Lingard, Juan Mata hay Mkhitaryan cũng không thể phát huy hết khả năng khi Pogba vắng mặt. Để cải thiện khả năng sáng tạo của Man United, Mourinho thậm chí phải đẩy Mata xuống đá tiền vệ trung tâm.

Dù có trong tay những cầu thủ chất lượng như Pogba nhưng Mourinho vẫn không thể giúp Man United chơi khởi sắc hơn. (Ảnh: le10sport.com)

Những dẫn chứng trên chỉ ra lối chơi Mourinho áp dụng cho Man United vẫn không đổi như cách ông từng dùng ở Chelsea, Inter Milan hay Real Madrid. Bởi ông không có những con người phù hợp để áp dụng cho sơ đồ chiến thuật mà ông yêu cầu. Nhưng điều đó lại chính là điểm mấu chốt cho thấy Mourinho quá tụt hậu và không thể thích nghi ở kỷ nguyên mới.

Thế mới nói dẫn dắt một câu lạc bộ hàng đầu thế giới như Man United không phải chuyện đơn giản và việc đội chủ sân old Trafford thay tới 3 huấn luyện viên chỉ trong vòng 3 năm ngắn ngủi đã nói lên điều này.

“Cái bóng” của Sir Alex ở Man United là quá lớn và những người kế nhiệm ông không đủ khả năng khỏa lấp chỗ trống khi ông giải nghệ: David Moyes ra đi khi mùa giải chưa kết thúc, Van Gaal với kinh nghiệm đầy mình nhưng cũng phải khăn gói ra đi sau 2 năm dẫn dắt.

Sở dĩ Sir Alex Ferguson thành công trong 27 năm dẫn dắt Man United là nhờ vào tài dùng người và khả năng thích nghi với từng thời điểm nhất định. Trong tay ông không bao có quá nhiều ngôi sao nhưng M.U vẫn đều đặn gặt hái những danh hiệu cao quý. Hơn nữa Sir Alex biết cách truyền lửa cho các học trò mỗi khi họ thi đấu bế tắc hoặc tinh thần thi đấu giảm sút khi khủng hoảng.

Sir Alex Ferguson thành công suốt 27 năm dẫn dắt Man United là nhờ vào khả năng dùng người và biết thích ứng với thời cuộc đời. (Ảnh: fmkorea.com)

Mùa giải 2012 – 2013, Man United vô địch EPL lần thứ 20 khi trong đội hình chỉ có 2 ngôi sao là Van Persie và Rooney, 1 năm sau, David Moyes dẫn chính đội hình đó và kết thúc ở vị trí thứ 7. Van Gaal và Mourinho đến tiến hành thay máu đội hình nhưng tình hình chả khấm khá hơn bao nhiêu. Vậy mới nói Alex Ferguson là một huấn luyện viên kiệt xuất như thế nào.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, việc tụt hậu của Mourinho một phần do ông chưa có thời gian nghỉ ngơi thực sự với công tác huấn luyện. Kể từ lúc nhận lời dẫn dắt Inter Milan mùa hè 2008, đến này Mourinho liên tục cầm quân không ngơi nghỉ và không có khoảng lặng để nhìn lại và nghiền ngẫm, làm mới bản thân.

Bóng đá không ngừng thay đổi và phát triển. Lối đá kiểm soát bóng một thời thống trị các giải đấu cũng bị hủy diệt nên các đội bóng vì thế cũng đuổi theo xu hướng mới. Nhiều câu lạc bộ ở châu Âu cố gắng chơi bóng theo kiểu Tiki-Taka giống như Barcelona của Pep Guardiola hoặc kiểu “đốt thể lực”, gây áp lực toàn sân giống như Borussia Dortmund của Juergen Klopp trước kia. Và với Mourinho cũng vậy, ông cần thay đổi để thích nghi.

Người xưa có câu: “Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt!”, vì vậy để thành công lâu dài trong sự nghiệp huấn luyện, một huấn luyện viên phải biết thích nghi với thời cuộc. Nếu không thể, ông ta chắc chắn sẽ bị tụt lại phía sau.

Sơn Tùng