Cựu đội trưởng của Chelsea đã chính nói lời chia tay sự nghiệp quần đùi áo số của mình với biết bao thăng trầm trong cuộc đời của một cầu thủ. Và sau tất cả, khoảng thời gian khoác áo đội chủ sân Stamford Bridge là những kỷ niệm đẹp nhất trong sự nghiệp của John Terry.

John Terry quyết định chia tay Aston Villa vào mùa hè năm nay sau khi thất bại trong việc giúp đội bóng này thăng hạng Premier League. Trong suốt thời gian đó, nhiều câu lạc bộ trên thế giới muốn chiêu mộ anh nhưng cựu đội trưởng Chelsea biết rằng đây là lúc bản thân nên dừng lại.

Tối 7/10 vừa qua, trên trang Instagram cá nhân, John Terry đã công bố quyết định giải nghệ của mình. Anh chia sẻ: “Sau 23 năm gắn bó với nghiệp quần đùi áo số, hôm nay tôi quyết định dừng lại. Tôi muốn gửi đến lời cảm ơn đến rất nhiều người.

John Terry tuyên bố giải nghệ trong màu áo Aston Villa. (Ảnh: Metro TV)

Đó là vợ tôi và hai con, Georgie và Summer, là điểm tựa vững chắc trong suốt sự nghiệp của tôi. Nếu không có họ, tôi đã thể được như ngày hôm nay. Trên tất cả, tôi yêu họ từ tận sâu trong trái tim mình.

Tôi xin gửi lời cảm ơn đến bố mẹ, Sue và Ted với những hy sinh mà họ dành cho tôi để bản thân thực hiện ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Cũng như anh trai tôi, Paul vì những giúp đỡ và lời khuyên nhủ cho tôi trong cả sự nghiệp cùng sự ủng hộ của tất cả mọi thành viên trong gia đình cũng như bạn bè đã dành cho tôi trong những năm qua.

Năm 14 tuổi, tôi đã thực hiện được giấc mơ và có quyết định trọng đại nhất cuộc đời: ‘Ký hợp đồng với Chelsea’. Không từ nào có thể diễn tả hết đội bóng có ý nghĩa như thế nào đối với tôi, đặc biệt là những người hâm mộ.

Ngay từ giai đoạn khởi đầu, họ đã luôn ủng hộ tôi, cả trong và ngoài sân cỏ, tôi nợ họ rất nhiều. Chúng ta đã cùng nhau có được những khoảnh khắc tuyệt vời và tôi không thể nào có được ngày hôm nay nếu không có các bạn. Với tôi, các bạn là những người hâm mộ tuyệt vời nhất thế giới. Tôi hy vọng rằng, các bạn tự hào với chiếc áo cùng tấm băng mà tôi đã đeo.

Tôi cũng rất biết ơn những đồng đội, đội ngũ huấn luyện, những người thầy và những nhân viên đội bóng, những người mà tôi hân hạnh được làm việc cũng như học hỏi. Họ đã chỉ dẫn cho tôi con đường đúng đắn để chơi 717 trận đấu, hơn nữa là đặc ân khi được đeo tấm băng thủ quân. Họ đã giúp tôi thực hiện giấc mơ thuở bé và trở thành đội trưởng tuyển Anh, thành quả mà tôi luôn tự hào về bản thân.

Sự nghiệp và con tim tôi luôn hướng về Chelsea nhưng tôi vẫn rất biết ơn quãng thời gian cho mượn ở Nottingham Forest vào năm 1999, quãng thời gian rất có giá trị để tôi phát triển khi còn trẻ.

Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến Aston Villa, họ đã trao cho tôi cơ hội để được thi đấu và làm đội trưởng trong mùa bóng 2017/18. Đối với tôi, đấy là một đặc ân khi được đại diện cho một đội bóng danh tiếng với những người hâm mộ tuyệt vời.

Giờ đây, tôi sẽ hướng đến chương tiếp theo trong cuộc đời, một chương hứa hẹn không thiếu những thử thách.”

Trong suốt sự nghiệp cầu thủ, John Terry đã thi đấu 759 trận cho Chelsea, Nottingham Forrest và Aston Villa. Ngoài ra, anh còn có 78 trận khoác áo đội tuyển Anh.

Trung vệ người Anh gần như đã giành được mọi danh hiệu cao quý trong sự nghiệp như 5 chức vô địch Premier League, 1 Champions League, 1 Europa League, 5 FA Cup, 3 League Cup. Ngoài ra, anh cũng 5 lần loạt vào đội hình tiêu biểu FIFA, 4 lần lọt vào đội hình tiêu biểu UEFA.

KHI TẤT CẢ LÀ VÌ STAMFORD BRIDGE

Sáu năm trước, trên chuyến bay trở về từ Catalunya, giữa những nét mặt hân hoan đầy vui sướng của đồng đội trước chiến thắng đến nghẹt thở ở bán kết cúp C1 Châu Âu, John Terry của The Blues chỉ ngồi lặng thinh bên cạnh Frank Lampard. Điều gì đã khiến anh phải bận tâm đến vậy? Trận hòa ngay tại thánh địa Nou Camp của câu lạc bộ mạnh nhất thế giới tại thời điểm bấy giờ – Barcelona là vừa đủ để Chelsea giành lấy chiếc vé chung kết ở Allianz Arena.

Dĩ nhiên kết quả đó đã thật trọn vẹn với John Terry nếu như anh không phải lĩnh một chiếc thẻ đỏ trong một tình huống không đáng có.

Chiếc thẻ đỏ trong trận bán kết C1 lượt về với Barca năm 2012 khiến John Terry không được tham gia trận chung kết và ăn mừng chức vô địch. (Ảnh: Mirror)

Thời gian đó, ban huấn luyện cùng cổ động viên Chelsea rất lo lắng vì không biết ai sẽ thay John Terry chỉ đạo hàng phòng ngự trong trận chung kết C1 sắp tới, ai dám mắng thẳng vào mặt các cầu thủ và đề nghị họ đá tập trung hơn khi mà Bayern Munich đang chờ đợi họ tại thánh địa Allianz Arena?

Trước khi Chelsea đánh bại Bayern Munich một cách đầy kịch tính trong loạt sút luân lưu trận chung kết C1 mùa giải 2011-2012 đó, hãy quay ngược thời gian để điểm qua những năm tháng sự nghiệp của John Terry.

Anh được đeo băng đội trưởng của The Blues trong triều đại của Roman Abramovich. Còn ai thích hợp hơn ngoài anh cho vị trí đội trưởng này nữa? “Thợ hàn” Ranieri cũng đã chọn anh sau gần năm năm thấy anh miệt mài rèn giũa bản thân, “Người đặc biệt” Mourinho khi mới đến London thậm chí còn cẩn thận hơn, ông lôi những trụ cột Lampard, Cuducini, Makelele…ra một góc kín mà hỏi rằng: “Này, thế cậu ta có xứng đáng thật không đấy?”.

Những ngày đó, các cầu thủ từ khắp lục địa già đến Chelsea thi đấu đều dành cho Terry một sự tôn trọng nhất định, dù là những người Bồ Đào Nha khôn ngoan từng vô địch C1 như Carvalho và Ferreira hay một người Đức nóng nảy đã vô địch Bundesliga như Ballack đều hiểu rằng, ở Chelsea đã có những giá trị được kiểm chứng và tồn tại, có những con người mang tính biểu tượng, không thể thay thế được như John Terry.

Không chỉ ở Chelsea, John Terry được nhận được nhiều sự tôn trọng từ nhiều cầu thủ, đội bóng ở châu Âu. (Ảnh: irishmirror.ie)

Cũng phải thôi, họ đã từng được chứng kiến người đội trưởng này lao mình vào một pha bóng với Abou Diaby tới mức bất tỉnh trong trận đấu với Arsenal ở League Cup năm 2007, chứng kiến hơn bốn năm liền Terry cùng hàng phòng ngự giữ cho Chelsea bất bại trên sân nhà ở giải Ngoại hạng Anh (2004 -2008) và thậm chí ở mùa giải đầu tiên của Mourinho, họ đã thấy Terry chơi lăn xả như thế nào để giữ cho Chelsea chỉ thủng lưới 15 bàn trong 38 trận.

Những bước ngoặt lớn xảy ra liên tiếp trong cuộc đời của người đội trưởng The Blues nhiều năm sau đó. Khát vọng vô địch Châu Âu đã lần đầu đưa Terry và đồng đội đến chung kết Champions League năm 2008. Nhưng những gì anh nhận được chỉ là nước mắt và nỗi cay đắng.

Trong cơn mưa nặng hạt ở sân Luzhniki – Moscow năm đó, một cú trượt chân không nên có của Terry đã đá bay chiếc cúp đi trong nỗi thất vọng tột cùng của đồng đội, của ông chủ Abramovich và đặc biệt là người hâm mộ Chelsea. Anh biết không, tôi hạnh phúc vì sau này Chelsea đã có cúp C1, nhưng tôi thỉnh thoảng vẫn bật dậy trong đêm, và thấy rằng cảm giác day dứt, tuyệt vọng khi sút hỏng luân lưu ấy vẫn còn nguyên vẹn”, đội trưởng Chelsea trả lời như vậy với phóng viên trong một cuộc phỏng vấn.

Anh vừa phải vượt qua những tháng ngày kề vai sát cánh trong màu áo Tam Sư với những con người bên kia chiến tuyến trận chung kết buồn ấy: Rio Ferdinand, Wes Brown, Owen Hargreaves vừa phải kìm nén nỗi đau khi Chelsea tiếp tục gục ngã ở bán kết C1 năm 2009 trước Barcelona năm 2009. Hay thậm chí, anh còn là đích đến cho những lời chỉ trích sau khi cuốn tự truyện của Makelele tiết lộ về những mối quan hệ xấu xí của anh với các huấn luyện viên.

Cú trượt chân trên chấm pentalty năm 2008 trên đất Nga sẽ ám ảnh trong thời gian dài đối với John Terry. (Ảnh: Goal.com)

Có lẽ, những cảm xúc tiêu cực trên sân cỏ như thế đã biến John Terry như thành một con người khác, anh dần dần chuyển sang ham thích những thú vui tầm thường và tự biến mình thành một gã hề với những scandal tai tiếng rúng động truyền thông xứ sương mù.

Nhẽ ra sự nghiệp của John Terry rất có thể đã kết thúc từ sớm vì những tai tiếng nhưng may mắn thay là vẫn còn có những người tin tưởng anh. Thuyền trưởng của Tam Sư, Steve McClaren đã nói: “Terry có tất cả những phẩm chất mà một người đội trưởng cần: tư chất thủ lĩnh, quyết đoán, khả năng đọc trận đấu và tinh thần chiến đấu không biết mệt mỏi”. Và ông trao băng đội trưởng tuyển Tam Sư cho anh.

Thậm chí, huấn luyện viên Fabio Capello sau đó đã phải trả giá bằng chiếc ghế HLV trưởng vì đã bỏ mặc ngoài tai những lời đàm tiếu về tư cách đạo đức của John Terry vẫn tin tưởng giữ lại chiếc băng thủ quân cho Terry.

Nhưng rồi trước áp lực của truyền thông, cánh báo chí và người trong cuộc, Terry không chịu đựng nổi. Anh đã tháo chiếc băng vốn là niềm vinh dự của bao đời cầu thủ xứ sở sương mù mà trở về mái nhà Stamford Bridge, nơi mà dòng chữ “Captain, Leader, Legend” vẫn dành cho anh sau gần một thập kỷ.

Anh lặng lẽ cống hiến cho Chelsea bởi lẽ vì anh tin rằng mình nợ người hâm mộ quá nhiều thứ. Đồng thời, người ta cũng thấy cách chơi bóng của anh cũng có phần thay đổi ít nhiều, có lẽ việc thiếu vắng một Ricardo Carvalho bên cạnh với lối đá khôn ngoan và sẵn sàng bọc lót cho đồng đội đã khiến Terry phải vất vả hơn trong việc đọc trận đấu cũng như bình tĩnh hơn trong các tình huống phòng ngự.

Chức vô địch Ngoại hạng Anh năm 2010, 2015 và Champions League 2012 là minh chứng cho những đóng góp của John Terry và cũng có thể coi như niềm an ủi sau quãng thời gian mà anh phải vật lộn với những chuyện bên ngoài sân cỏ.

Với các cổ động viên Chelsea, John Terry mãi là một tượng đài tại Stamford Bridge dù cho anh đã phạm nhiều sai lầm trong quá khứ. (Ảnh: vozForums)

Hơn hai năm trước, trận đấu thứ 700 của John Terry trong màu áo The Blues đánh dấu những ý nghĩa to lớn cho cá nhân Terry và cả đội bóng thành London. Họ nhận ra rằng, chàng trai 14 tuổi mặt búng ra sữa ngày nào giờ đã thành một người thủ lĩnh thực sự và đang hết những ngày tháng cuối cùng trong sự nghiệp với trái bóng tròn, trong màu áo The Blues. Và mặc kệ những lời đồn thổi về việc bị ruồng bỏ, bản thân Terry thấy mình vẫn còn nhiệm vụ phải làm khi mà Kurt Zouma hãy còn non nớt và cần người kèm cặp.

Còn gì tuyệt vời hơn với các cổ động viên Chelsea, khi họ thấy hình ảnh một già, một trẻ song hành ở vị trí trung vệ, một sự chuyển giao thế hệ mà biết bao lâu nay các đội bóng ở xứ sở sương mù không thể làm nổi.

Với Chelsea, họ may mắn hơn những đội bóng khác ở xứ sở sương mù khi trục dọc huyền thoại: Cech – Terry – Lampard – Drogba vẫn còn một người thủ lĩnh cuối cùng. Và người hâm mộ thì muốn nhắc nhở họ điều này: “Những giá trị tinh thần thực sự làm nên lịch sử và truyền thống bóng đá Anh phải được xây dựng từ những cá nhân xuất sắc nhất”. 

Sơn Tùng