Thời gian qua, cộng đồng mạng xôn xao trước hình ảnh hàng ngàn con cá trê đen nổi ‘sệt’ trên mặt nước ‘giành ăn’, đặc biệt chúng rất thân thiện với con người, khiến nhiều người có hứng thú, hiếu kỳ muốn tìm hiểu về hồ nuôi cá này.

Theo báo Tuổi Trẻ, hồ cá này thuộc khu vực Núi Sập trong khuôn viên thiền viện Trúc Lâm An Giang, thị trấn Núi Sâp, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Ghi nhận của PV báo Tuổi Trẻ, khu vực thiền viện Trúc Lâm có 2 hồ. Một hồ có toàn cá koi, hồ còn lại toàn là cá trê đen và cá tra các loại.

Khi có khách đến rải thức ăn thì hàng ngàn con cá trê liền nổi đầu lên mặt nước, bơi cuồn cuộn làm đen kịt kín cả mặt hồ.

Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Những con cá trê này thậm chí còn bò được lên bờ khiến ai cũng phải ngạc nhiên, nhiều người đưa tay chạm vào thân cá trê vuốt ve cá một cách thích thú.

Chia sẻ với báo Thanh Niên, trụ trì thiền viện, đại đức Thích Đạt Ma Chí Kiên cho biết, đàn cá trê được nhà chùa phóng sinh khoảng 2 năm nay. Đến nay, đàn cá trê liên tục gia tăng số lượng do người dân miền Tây phóng sinh thêm hoặc tự sinh sản. Ước tính với số lượng như trên, đàn cá trê có tổng trọng lượng hơn 4 tấn.

Nguồn video báo Thanh Niên.

Bà Diệu Hoa, người trực tiếp chăm nom bầy cá, cho biết, trước đây đàn cá trê rất nhát vì chúng hay bị trẻ con quanh vùng đến lấy đá chọi hoặc lấy cây chọc phá. Nhưng suốt 10 tháng nay từ khi bà Hoa về chăm sóc, đàn cá trở nên dạn dĩ hơn.

“Nó háu ăn và khôn lắm, bình thường thì nó nằm im dưới lòng hồ nhưng hễ nghe hơi người hoặc nghe tiếng nói chuyện nó tự động trồi lên mặt nước, há mồm sẵn… xin ăn. Tháng trước ở đây còn có mỏm đá, tụi nó rất thích trườn trên cái mỏm đó chờ khách ném thức ăn. Ngày nào cũng có người đến cho chúng ăn hết, người mua thức ăn, người đem rau củ, bánh mì. Mà tụi nó giành ăn nhưng không có đâm nhau bị thương”, bà Diệu Hoa vừa cho đàn cá ăn vừa kể.

Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Cũng theo bà Hoa, cá tự bơi theo nhóm ở khu vực riêng và chờ khách đến cho ăn. Trong bầy, có một con cá trê được bà đặt tên là “Đen” do nó có màu đen tuyền. Mỗi lần bà gọi tên, dù nó đang bơi ở đâu cũng quay về.

Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.
Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.
Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Khu vực hồ nuôi cá trê này có hàng ngàn con, trong đó nhiều nhất vẫn là cá trê đen, số còn lại là cá trê đột biến có màu trắng, vàng hoặc hồng. Con cá lớn nhất nặng hơn 10kg.  

“Dù số lượng nhiều nhưng nước trong hồ quanh năm luôn trong suốt, có thể nhìn thấy những hòn đá dưới đáy”, bà Hoa cho biết thêm.

Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.
Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Anh Trần Văn Minh (du khách ở Tri Tôn, An Giang) hay đến thăm đàn cá trê. Cứ cách 2 ngày, anh mua bánh mì hoặc rau củ đến cho đàn cá ăn. “Quả thật rất bất ngờ vì số lượng cá quá nhiều và quấn người. Thậm chí khi cho chúng ăn tôi có thể sờ vào lưng, vây của cá”, anh nói.

Ngày thường có vài chục người đến thăm đàn cá, riêng ngày Rằm, Lễ, Tết, hàng trăm người phương xa kéo đến xem. Trụ trì thiền viện cho hay, đến khi đàn cá chật kín cả hồ, chùa sẽ cho phóng sinh ra sông. Hiện tại, nhà chùa đang xây dựng thêm bậc thềm để du khách thuận tiện cho cá ăn.

Chị Huỳnh Thị Thanh Nhã (ở Kiên Giang) cho biết, nghe mọi người đồn ở đây có rất nhiều cá trê nên cùng chồng lặn lội qua xem. Thấy nó cứ há miệng chờ người ném thức ăn trông rất thú vị.