Ít ngày trở lại đây, tình trạng sụt lún ở xã Châu Hồng đang trở nên ngày càng nghiêm trọng. Hầu như ngày nào cũng có thêm ít nhất một nhà dân bị nứt nẻ, kèm theo đó là hàng loạt “hố tử thần” sâu hun hút, không nhìn thấy đáy. Những người tại đây cho biết, họ chỉ mong sớm tìm ra nguyên nhân cho hiện tượng sụt lún xảy ra bất thường để trả lại cuộc sống bình yên cho người dân.
Xã Châu Hồng được xem là thủ phủ khoáng sản với 11 doanh nghiệp đang khai thác, bao gồm 5 doanh nghiệp khai thác quặng, 7 doanh nghiệp khai thác đá. Theo báo cáo mới nhất của UBND xã Châu Hồng, đến nay đã có đến 299 giếng nước bị cạn trơ đáy, 191 nhà dân bị nứt nẻ, hàng chục “hố tử thần”. Trong khi, toàn xã chỉ có vỏn vẹn 900 hộ dân. Nhiều trường học, trạm y tế trên địa bàn cũng bị tình trạng tương tự. Nghiêm trọng nhất là các vết nứt ở Trường THCS Châu Hồng, đe dọa tính mạng của hàng trăm giáo viên và học trò. Ngoài ra, trụ sở xã Châu Hồng được đầu tư hàng tỷ đồng, mới nghiệm thu được 1 năm nhưng cũng xuất hiện hàng loạt vết nứt chạy dọc tường, rộng gần 2 cm…
Theo người dân, ít ngày trở lại đây, tình trạng sụt lún trở nên tồi tệ hơn. Hầu như ngày nào cũng có thêm ít nhất một nhà dân bị nứt nẻ, kèm theo đó là hàng loạt “hố tử thần” sâu hun hút, không nhìn thấy đáy.

Trước sự việc trên, ngày 27/5 khi người dân xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) đã ùn ùn kéo nhau vào tận mỏ khoáng sản của Công ty Cổ phần Tân Hoàng Khang để phản đối việc sụt lún.
Khi được tận mắt chứng kiến hang khai thác của doanh nghiệp, người dân tỏ rất bất ngờ và bức xúc: “Con đường vào hang rộng hơn cả đường nhựa, nhìn rất sợ. Điều đáng nói là ở đây còn có nhiều cửa hang khác xung quanh”.
“Dân ở đây khổ lắm. Nhà không có mà ở, sụt lún hết rồi còn đâu”, một người dân khác chia sẻ với báo Tuổi Trẻ.

Những người tại đây cho biết, họ không vào đây để phá hoại tài sản của doanh nghiệp, chỉ mong sớm tìm ra nguyên nhân cho hiện tượng sụt lún, “hố tử thần”, giếng cạn trơ đáy xảy ra bất thường, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Trước việc phản ứng của người dân, sáng 28/5, ông Trần Đức Lợi – phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, Nghệ An – cho biết, huyện đã có văn bản hỏa tốc thứ 2 yêu cầu tạm dừng ngay các hoạt động khai thác và sử dụng nước ngầm tại xã Châu Hồng.
Bất thường của Tân Hoàng Khang
Theo báo Nghệ An, cách khu dân cư của bản Na Hiêng chừng 500m là mỏ quặng thiếc Thung Lùn, của Công ty CP Tân Hoàng Khang. Tại mỏ quặng này, theo ghi nhận của phóng viên, một số công nhân vẫn đang khẩn trương bơm nước ngầm từ trong các đường hầm dưới lòng đất lên, đổ ra bãi chứa nước thải. Bất chấp, từ ngày 11/5, UBND huyện Quỳ Hợp đã ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp này và các tổ chức, cá nhân khác tạm dừng việc bơm hút, khai thác nước ngầm.

Ngoài ra, tại đây còn có khá nhiều phương tiện, máy móc nằm ngổn ngang. Những máy bơm được sử dụng đều là máy bơm công suất lớn. Cách đó không xa là 3 đường hầm dẫn sâu xuống lòng núi, đây chính là khu vực để khai thác quặng thiếc. Những đường hầm này khá rộng, đủ để xe tải có thể ra vào.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đi sâu vào bên trong lòng núi là hệ thống đường hầm chằng chịt, có tổng chiều dài hàng km. Để khai thác được vỉa quặng thiếc, chủ mỏ phải đảm bảo bên trong luôn khô ráo, không bị ngập bởi những mạch nước ngầm. Chính vì thế, ngay giữa khu vực mỏ, họ cho khoan một giếng nước sâu đến 260 m. Sau đó, công nhân lại dùng máy bơm công suất lớn để hút nước lên rồi xả ra bên ngoài theo những đường ống cỡ lớn được lắp dọc đường hầm. Theo người dân, việc khoan sâu hàng trăm mét như vậy rồi liên tục bơm nước đã khiến cho nguồn nước ngầm xung quanh bị cạn kiệt, dẫn đến sụt lún.

Cũng tại mỏ quặng này, một công nhân phụ trách bơm nước cho biết, hiện tại một giờ các máy bơm đang bơm với công suất từ 200-300m3 nước từ trong hầm lò ra. Người này cũng cho biết, không rõ công ty được cấp phép xả thải ở mức bao nhiêu. Trong khi đó, theo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt thì mỏ quặng này chỉ được phép bơm hút nước ra khỏi hầm lò với lưu lượng 5,6 m3/h. Như vậy, lưu lượng nước mà công ty này đang bơm tại thời điểm chúng tôi có mặt đã vượt khoảng 40 lần so với quy định.
Từ năm 2019 nhiều đoàn về kiểm tra nhưng vẫn chưa có kết luận nguyên nhân
Theo ông Trương Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm bắt đầu xảy ra từ cuối năm 2019. Ban đầu, các giếng cạn nước, sau đó nhà dân nứt nẻ, sụt lún… Kể từ đó đến nay, xã Châu Hồng đã có đến 30 văn bản báo cáo về tình trạng sụt lún bất thường gửi lên cấp trên. Tuy nhiên, đến nay đã nhiều đoàn về kiểm tra nhưng vẫn chưa có kết luận nguyên nhân.
Trong khi đó, tình trạng sụt lún ngày càng nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống mà còn uy hiếp tính mạng của người dân. Mới đây, người dân lại càng bức xúc hơn khi nhiều “hố tử thần” đã bị “ai đó” điều máy múc đến lấp lại chỉ sau 1 ngày xuất hiện.
Không chỉ người dân, trong nhiều văn bản báo cáo của xã Châu Hồng cũng nêu nhận định, nguyên nhân của tình trạng này là do các công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn. “Người dân ở đây sinh sống lâu đời chưa bao giờ xảy ra tình trạng này, khi chưa có hoạt động khai thác khoáng sản”, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng nói.

Mặc dù nói rằng, không dám nêu đích danh ai là thủ phạm gây ra tình trạng sụt lún vì phải chờ kết luận của cơ quan chức năng, tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với chúng tôi, vị Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cũng đưa ra nhiều tình tiết liên quan đến mỏ quặng thiếc Thung Lùn của Công ty CP Tân Hoàng Khang. Theo ông Hóa, khi mỏ quặng này tạm dừng việc bơm nước từ hầm lò ra thì một số giếng nước của người dân trước đó đã cạn trơ đáy lại bắt đầu có nước trở lại.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, những ngày gần đây, Công ty CP Tân Hoàng Khang đã cho người đến nhiều hộ dân bị nứt nhà để đặt vấn đề hỗ trợ. “Phía công ty có đến nói là hỗ trợ chúng tôi 200 triệu đồng, nhưng lại đưa ra nhiều điều kiện. Trong đó có điều kiện là phải phá nhà cũ, làm lại nhà mới. Số tiền đó thì làm sao mà đủ để làm nhà mới. Vì họ hỗ trợ có điều kiện nên gia đình tôi quyết không nhận tiền”, một người dân ở bản Na Hiêng xin được giấu tên nói. Trước đó, hồi đầu tháng 5, căn nhà khá khang trang của người này xuất hiện “hố tử thần” ngay giữa phòng khách. Kể từ đó đến nay, cả gia đình đành phải chuyển ra mái hiên để ở vì sợ. Ngoài ra, tường nhà cũng có chi chít vết nứt, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Trong khi, giếng nước của gia đình thì đã bị cạn từ cuối năm 2019.
“Nếu không phải họ là thủ phạm thì tại sao họ lại phải bỏ khoản tiền lớn như thế để hỗ trợ xã làm đường ống nước và hỗ trợ người dân bị nứt nhà”, một người dân khác nói với phóng viên Báo Nghệ An.
Tân Hoàng Khang vẫn đề nghị tạo điều kiện tiếp tục sản xuất theo đúng thiết kế đã được phê duyệt
Trả lời về việc trước đó huyện đã yêu cầu tạm dừng bơm hút nước ngầm nhưng mỏ quặng Thung Lùn vẫn không chấp hành. Nguồn tin trên cho hay, Công ty CP Tân Hoàng Khang đã có công văn gửi UBND huyện Quỳ Hợp, trong đó đề nghị tạo điều kiện cho công ty tiếp tục sản xuất theo đúng thiết kế đã được phê duyệt, trong đó có giải pháp hút nước hầm lò.
“Vì nếu ngừng hút nước buộc công ty chúng tôi ngừng sản xuất và toàn bộ hệ thống hầm lò, thiết bị, máy móc, hệ thống đường điện sẽ bị ngập và thiệt hại của công ty chúng tôi là rất lớn và để khắc phục lại hệ thống đường lò bị ngập mất rất nhiều thời gian và chi phí rất lớn; đồng thời 250 cán bộ, công nhân viên của Công ty CP Tân Hoàng Khang và Nhà máy luyện thiếc An Vinh sẽ phải nghỉ việc. Hai đơn vị này hàng năm đứng đầu về nộp ngân sách của huyện….”, công văn của công ty có đoạn nêu. Ngoài ra, trong công văn này, Công ty CP Tân Hoàng Khang còn kiến nghị UBND huyện Quỳ Hợp, UBND xã Châu Hồng phối hợp đồng hành cùng công ty trong việc hỗ trợ bà con để khắc phục hiện tượng sụt lún.
Tuy nhiên, đến ngày 18/5, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản phản hồi rằng, Sở không hề cho phép Công ty CP Tân Hoàng Khang được tiếp tục bơm hút nước ngầm, mà chỉ có ý kiến “trong khi chờ cơ quan kết luận nguyên nhân sụt lún, các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất, kinh doanh bình thường theo quy định”. Thế nhưng, phía Công ty CP Tân Hoàng Khang vẫn không chấp hành, vẫn công khai bơm hút nước từ hầm lò một cách rầm rộ.
Theo như nguồn tin trên, nhiều người dân đặt câu hỏi rằng, hiện tương sụt lún xảy ra từ năm 2019 cho đến nay mà nhiều đoàn về kiểm tra sao lại chưa có kết luận nguyên nhân.
Clip: Người dân kéo nhau vào hầm mỏ Tân Hoàng Khang (Nguồn: Vietnamnet).
Có thể bạn quan tâm: