“Việc chết cây chính là mất rừng. Qua xác minh, nguyên nhân chết cây không phải từ thiên nhiên mà là do tác động của con người. Để có những cánh rừng như thế thì mất thời gian rất lâu và hệ quả khi mất những cánh rừng này cũng khó lường”, ông Nguyễn Văn Nam – Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết.

Trước đó, tờ Nông Nghiệp đã đưa tin, trong quá trình tuần tra bảo vệ rừng tại khu vực lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty cổ phần Thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (Bình Định) làm chủ đầu tư, các đơn vị chủ rừng đã phát hiện rừng đang quản lý bị ảnh hưởng, chết do tích nước nên báo cáo lên cơ quan chức năng.

Cụ thể, Thủy điện Thượng Kon Tum đã tích nước làm 25ha rừng bị thiệt hại nằm ở 2 xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông) và xã Đăk Côi (huyện Kon Rẫy).

Số diện tích rừng bị thiệt hại do 3 đơn vị quản lý gồm Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông (15,63ha), UBND xã Đăk Tăng (6,34ha) và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy (3,39ha). Rừng bị ảnh hưởng phần lớn là rừng tự nhiên, có chức năng sản xuất và phòng hộ. Diện tích này nằm ngoài khu vực được phép thu hồi, chuyển đổi.

Nhận thấy vụ việc nghiêm trọng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các cơ quan liên ngành tổ chức kiểm tra, khám nghiệm hiện trường. Tại đây, cơ quan liên ngành xác định, Thuỷ điện Thượng Kon Tum trong quá trình tích nước, ngăn dòng khiến mực nước dâng tràn ra khỏi phạm vi ranh giới diện tích rừng được thu hồi và chuyển đổi mục đích.

Việc làm này dẫn đến gây úng, làm cây rừng chết khô với diện tích 25,36ha, trong có hơn 8 ha rừng phòng hộ bị chết.

Ảnh chụp màn hình Nông Nghiệp.

Trong quá trình kiểm tra, cơ quan liên ngành cũng đã xác định, Công ty cổ phần đo đạc và bản đồ Viễn Thám (trụ sở tại TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã có nhiều sai sót dẫn đến khi vận hành lòng hồ gây ngập úng khỏi ranh giới diện tích rừng được chuyển đổi, thu hồi.

Cơ quan chức năng xác định đối với việc tích nước lòng hồ, ngăn dòng chảy làm chết hơn 25ha rừng (rừng nằm ngoài phạm vi thu hồi), trách nhiệm thuộc về Công ty Viễn Thám, Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (chủ đầu tư thủy điện Thượng Kon Tum) và các tổ chức, cá nhân trong việc giám sát, thẩm định hồ sơ trước khi trình UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt đối với diện tích thu hồi, chuyển mục đích sử dụng rừng.

Đại diện Công ty Viễn Thám lý giải, khu vực lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum có địa hình phức tạp, rừng rậm, thời tiết mưa nhiều, khó tiếp cận… Ngoài ra, dụng cụ phục vụ cho việc xác định vị trí và đo đạc không được hiện đại dẫn đến khi tiến hành khảo sát, tư vấn đã sai sót trong việc tính toán diện tích, ranh giới thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Đại diện Công ty Viễn Thám cũng khẳng định, không có chuyện bắt tay với chủ đầu tư để giới hạn diện tích rừng bị thu hồi nhằm trốn các nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo quy định.

Ảnh chụp màn hình Dân Trí.

Trao đổi với PV báo Dân trí, ông Nguyễn Văn Nam – Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết: “Ngay sau khi chủ rừng phát hiện vụ việc, cơ quan chức năng đã lập đoàn, kiểm tra vụ việc. Nguyên nhân khiến 25 ha rừng chết là do ngập nước. Đơn vị cũng đã làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế. Sau đó đã khởi tố và chuyển qua cơ quan điều tra”. 

“Việc chết cây chính là mất rừng. Qua xác minh, nguyên nhân chết cây không phải từ thiên nhiên mà là do tác động của con người. Để có những cánh rừng như thế thì mất thời gian rất lâu và hệ quả khi mất những cánh rừng này cũng khó lường”, ông Nam cho hay.

Thủy điện Thượng Kon Tum xây dựng tại xã Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy) và 3 xã của huyện Kon Plông với công suất lắp máy 240MW, diện tích 1.490 ha, tổng mức đầu tư 9.000 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm: