Từ ngày 23/8: Mỗi ngày TP.HCM cần 11.000 tấn hàng hóa

Thanhnien – Từ ngày 23/8, TP.HCM yêu cầu người dân ở thành phố giãn cách xã hội theo yêu cầu “ai ở đâu thì ở đó,” không đi ra đường, không đi mua hàng trực tiếp. Ủy ban Thành phố cho biết chính quyền địa phương đảm bảo sẽ phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu đến người dân.

Từ ngày 23/8 – 6/9, dự kiến trung bình mỗi ngày, cần khoảng 11.000 tấn hàng hóa các loại để đảm bảo nhu cầu cho khoảng 9,4 triệu dân. Trong đó, gạo là gần 2.000 tấn, thịt gia súc 755 tấn, rau củ quả hơn 4.200 tấn… 

Liên quan đến việc phân phối hàng hóa, thực phẩm, TP.HCM công bố kế hoạch “đi chợ hộ” do Tổ hậu cần địa phương, Tổ COVID-19, lực lượng tình nguyện địa phương, công an, quân đội… thực hiện với tần suất một lần một tuần và phân phối trực tiếp đến người dân (hộ dân trả tiền).

Chưa kịp áp dụng chỉ thị 15, Bạc Liêu khẩn cấp chuyển sang chỉ thị 16

Tuoitre – Ngay trong khuya 23/8, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã ký quyết định thực hiện khẩn cấp biện pháp phòng chống dịch, áp dụng từ 3h ngày 23-8. Theo đó, phong tỏa cách ly y tế toàn thành phố Bạc Liêu; còn thị xã Giá Rai và các huyện còn lại áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.

Tại thành phố Bạc Liêu, tạm dừng tất cả mọi hoạt động kinh tế – xã hội, mọi người dân phải tuân thủ nguyên tắc “ai ở đâu ở yên ở đó”, khẩn trương tổ chức xét nghiệm, tầm soát COVID-19 đối với tất cả người dân trên địa bàn.

Trước đó, 1h sáng 23-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh đã họp khẩn. Theo báo cáo của Sở Y tế, trong đêm 22-8 đã phát hiện 4 F0 liên quan đến nhân viên của một công ty tài chính, thuê trọ trên địa bàn thành phố Bạc Liêu.

Bước đầu ngành y tế đã truy vết được 177 F1 và hàng trăm F2. Theo nhận định, đây là những ca nhiễm COVID-19 có yếu tố dịch tễ phức tạp liên quan tới nhiều địa phương, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng rất cao.

Như vậy, ngay khi quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 của chủ tịch tỉnh Bạc Liêu có hiệu lực (0h ngày 23/8), thì đến 3h cùng ngày, Bạc Liêu đã phải áp dụng phong tỏa thành phố Bạc Liêu và áp dụng chỉ thị 16 các địa phương còn lại.

Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên bị đình chỉ công tác

Ông Nguyễn Văn Đặng, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên bị đình chỉ công tác vì “không làm tốt nhiệm vụ, để dịch lây lan”.

Động thái được UBND Bình Dương đưa ra khi nhận được tờ trình kiến nghị đình chỉ công tác đối với ông Đặng của UBND thị xã Tân Uyên chiều 22/8.

Trả lời VnExpress, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND Bình Dương cho biết đã chỉ đạo Sở Y tế ra văn bản đình chỉ công tác ông Đặng cũng như kiện toàn nhân sự ngay hôm nay.

Theo UBND thị xã Tân Uyên, ông Đặng với vai trò là Giám đốc Trung tâm Y tế, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thị xã, có trách nhiệm tham mưu, là đầu mối theo dõi, chỉ đạo toàn bộ công tác truy vết, xét nghiệm, thu dung, điều trị bệnh nhân. Qua quá trình giám sát sẽ đề xuất ban chỉ đạo có biện pháp kịp thời trước diễn biến dịch, chuẩn bị phương án cho tình huống xấu.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Đặng còn chậm nên để xảy ra những hạn chế khiến dịch bệnh lây lan, đến nay thị xã đã ghi nhận 20.165 ca, chiếm 28,7% ca nhiễm toàn tỉnh. Mặt khác, do chưa có phương án trước nên đã sắp xếp người dân ở các khu cách ly tạm thời trong nhà xưởng chờ kết quả xét nghiệm khẳng định PCR không đảm bảo, gây bức xúc.

Đến sáng 23/8, Bình Dương đã đưa 1.400 ca F0 từ thị xã Tân Uyên về các địa phương khác, trong đó 500 ca được đưa về huyện Phú Giáo, 500 ca về huyện Bắc Tân Uyên và 400 ca đến thị xã Bến Cát. Địa phương này cũng đã tăng cường lực lượng để bảo đảm an ninh trật tự cũng như điều động thêm lực lượng y tế để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra trong thời gian chờ kết quả PCR.

Tính từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương ghi nhận 70.242 ca Covid-19, trong đó 29.015 bệnh nhân xuất viện, 570 người tử vong. Từ ngày 22/8, tỉnh áp dụng biện pháp “siết chặt” 11 phường của TP Thuận An và thị xã Tân Uyên với 720.000 dân trong 15 ngày. Biện pháp này cũng thực hiện cho 4 phường Dĩ An, An Bình, Đông Hòa, Tân Đông Hiệp của TP Dĩ An từ ngày 23/8 trong 7 ngày.

Thời COVID-19, nhiều tài xế bỏ việc vì sợ bị xét nghiệm liên tục

Tienphong – Anh Nguyễn Khang, lái xe container cho một doanh nghiệp ở Hà Nội vừa xin nghỉ việc bởi không chịu được cảnh phải ngoáy mũi test COVID-19 liên tục cộng thêm việc lái xe đường dài, phải ăn ngủ nghỉ hoàn toàn trên xe. 

Anh Khang nói: “Nói 3 ngày test 1 lần chứ thật ra cứ 2 ngày là phải test rồi vì giấy hết hạn sẽ bị các chốt xử phạt. Cứ liên tục như vậy, qua 2 đợt giãn cách trong tỉnh, tôi đã ngoáy mũi test mấy chục lần khiến mũi bị viêm nặng”.

Anh Nguyễn Ngọc Hưng, chủ doanh nghiệp có quy mô 40 xe container tại Hà Nội cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp vận tải thiếu lái xe do số lượng nghỉ việc nhiều. Công suất chạy xe của doanh nghiệp anh hiện chỉ còn 1/3. Nhiều địa điểm lấy hàng, anh phải chủ động cầm vô lăng vì không có lái xe.

Anh Hưng cho hay “Anh em lái xe khổ lắm, bị ngoáy mũi liên tục và 24/24 giờ ăn uống trên xe nên nhiều người không chịu nổi xin về quê. Công ty tôi doanh thu sụt giảm nên tôi phải lấy tiền nhà ra trả lái xe và cũng động viên lái xe nhiều. Doanh nghiệp có văn phòng tại TP.HCM đang là điểm nóng dịch nên anh em sợ lây COVID-19 nên cũng xin nghỉ nhiều”. 

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng cần xem lại quy định thời hạn giấy xét nghiệm COVID-19. 

Ông Quyền cho hay “Quy định thời hạn 3 ngày [xét nghiệm một lần] khiến các doanh nghiệp lúng túng khi giấy xét nghiệm của tài xế bị quá hạn. [Nếu xe chạy liên tỉnh], họ phải dừng lại tại nhiều tỉnh, thành phố trên đường để tiếp tục xét nghiệm, rất tốn kém”. 

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 1,3 – 1,5 triệu lái xe ôtô vận tải. Trong đó, có hơn 400.000 lái xe vận chuyển hành khách và khoảng hơn 1 triệu lái xe vận chuyển hàng hóa các loại.

Có thể bạn quan tâm: